Lãi suất cao, doanh nghiệp chới với

Theo tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan, Tổng Thư ký Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, hiện nay có khoảng 300 ngàn doanh nghiệp, trong đó có đến 97% là doanh nghiệp vừa và nhỏ (có vốn dưới 10 tỷ đồng và dưới 300 lao động). Trong bối cảnh lạm phát cao, ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính, các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất dễ phá sản. Điều đó sẽ dẫn đến tình trạng thất nghiệp gia tăng và đời sống dân cư khó khăn.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng việc các ngân hàng đua nhau đẩy lãi suất cho vay đến 21% khiến nhiều doanh nghiệp không thể tiếp cận với tín dụng và nguy cơ phá sản rất cao. Ông đề xuất Chính phủ cần có những hỗ trợ cần thiết cho doanh nghiệp về vốn, chính sách và thuế. “Mới đây, Chính phủ duyệt cho Vinashin đầu tư 20 ngàn tỷ đồng cho một dự án. Chỉ một phần trong số đó cũng có thể giúp rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ vượt qua khó khăn”. Ông khuyên các doanh nghiệp phải phân tích lại mặt hàng chủ lực, cơ cấu lại doanh nghiệp, thận trọng khi quyết định vay vốn. Nếu tỷ suất lợi nhuận không vượt trên 35% thì doanh nghiệp không nên mạo hiểm vay vốn ngân hàng trong thời điểm này.

Trao đổi với PV, ông Phạm Gia Túc, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết: “Chúng tôi đã khảo sát và thấy rằng ngân hàng là kênh huy động chủ yếu của doanh nghiệp (chiếm 74,47%). Lãi suất phổ biến của các ngân hàng thương mại đang ở mức 21% khiến việc tiếp cận các nguồn vốn để duy trì và mở rộng sản xuất kinh doanh rất khó khăn. Trong khi đó, nhu cầu vay của các doanh nghiệp trong sáu tháng cuối năm là khá lớn, tỷ lệ đến 90,2% đối với các doanh nghiệp dân doanh, 81,5% doanh nghiệp nhà nước và 57,7% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Mới đây, ngày 23-9, VCCI đã có văn bản gửi Hiệp hội Ngân hàng đề nghị hiệp hội và Ngân hàng nhà nước có chính sách vận động các ngân hàng giảm lãi suất trần cho vay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. “Những khó khăn về nhu cầu vốn càng trở nên gay gắt hơn đối với các doanh nghiệp nhỏ vì đây là khu vực dễ bị tổn thương do hạn chế về quy mô, nguồn lực, thiếu tài sản thế chấp, không chịu được lãi suất cao như hiện nay. “Việc giảm lãi suất cho vay trong thời điểm hiện nay là rất cấp bách, một mặt nhằm góp phần thực hiện các nhóm giải pháp của Chính phủ về ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Mặt khác, đây cũng nhằm bảo đảm cho hệ thống ngân hàng thương mại phát triển bền vững vì doanh nghiệp chính là động lực của phát triển kinh tế và bảo đảm lợi nhuận cho các ngân hàng thương mại. “Chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị. Nếu không được chấp thuận thì VCCI sẽ có những kiến nghị chính thức với Chính phủ” - ông Túc cho biết.

Ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho biết ngày 3-10 tới, hiệp hội sẽ có cuộc tọa đàm với đại diện các ngân hàng, các công ty chứng khoán cùng bàn cách tháo gỡ và chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp. Sau đó, hiệp hội sẽ có những kiến nghị đề xuất gửi Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có vấn đề về vốn và lãi suất cho vay.

THANH HẢI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm