Tạo lá chắn bảo vệ nhà đầu tư nước ngoài

Dịch bệnh đang khiến việc sản xuất, vận chuyển, cung ứng của các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) gặp nhiều thách thức. Các nhà đầu tư ngoại vẫn đánh giá cao về những nỗ lực chống dịch của Việt Nam (VN) nhưng sức ép về các điều kiện sản xuất khắt khe trong bối cảnh dịch khiến họ mất nhiều chi phí, không thể gia tăng công suất cho các đơn hàng xuất khẩu.

Nhà đầu tư nước ngoài lo bị đứt gãy chuỗi sản xuất, lưu thông, cung ứng và xuất khẩu. Trong ảnh:  Công nhân tại một công ty nước ngoài đang hoàn thiện sản phẩm xuất khẩu. Ảnh: PM

Tập đoàn lớn cũng khó duy trì trong dài hạn

Kiệt sức là tâm trạng chung của nhiều nhà đầu tư nước ngoài sau một thời gian dài vừa duy trì hoạt động sản xuất vừa đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng.

“Chúng tôi đã mất thêm 140 tỉ đồng chỉ sau một tháng áp dụng phương án sản xuất “ba tại chỗ”, “một cung đường - hai điểm đến”. Điều này không chỉ tác động đến hiệu quả kinh doanh hiện tại mà còn ảnh hưởng đến các kế hoạch sản xuất trong dài hạn” - bà Hồ Thị Thu Uyên, Giám đốc đối ngoại của Intel VN và Malaysia, cho biết.

Tọa lạc tại Khu công nghệ cao TP.HCM, Intel VN đã đầu tư cả tỉ USD và ngày càng mở rộng quy mô sản xuất. VN ngày càng đóng vai trò là điểm sản xuất và chuỗi cung ứng quan trọng của hãng công nghệ Mỹ này. Bằng chứng là ngay đầu năm 2021, Intel VN đã quyết định đầu tư thêm nửa tỉ USD cho mảng sản xuất các sản phẩm 5G và bộ vi xử lý lõi.

Trong 10 năm qua, lũy kế xuất khẩu của Intel VN đạt 50,2 tỉ USD, trong đó riêng năm 2020 đạt 13,1 tỉ USD. Đặc biệt dù dịch bệnh căng thẳng nhưng trong sáu tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu của hãng công nghệ này vẫn chiếm đến 64% tổng giá trị xuất khẩu của Khu công nghệ cao TP.HCM và chiếm khoảng 30% giá trị xuất khẩu của cả TP.HCM.

Khi đợt dịch thứ tư diễn ra nghiêm trọng, Intel VN đã thuê khách sạn cho nhân viên ở để thực hiện việc sản xuất theo mô hình “ba tại chỗ”, “một cung đường - hai điểm đến”. Mục đích để tránh đứt gãy sản xuất vì Nhà máy Intel VN đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và từ đây xuất khẩu các sản phẩm vi mạch rất quan trọng cho toàn thế giới.

“Chúng tôi chỉ có thể gồng gánh chi phí trong một thời gian ngắn, còn nếu tiếp tục phương án “ba tại chỗ” thì chi phí sẽ phát sinh rất cao” - bà Uyên nói.

Lo chuỗi sản xuất, cung ứng bị phá vỡ

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài khác cũng cho biết các loại chi phí đều gia tăng đột biến trong khi doanh số sụt giảm, thiếu hụt lao động… Đáng lo hơn là nếu giãn cách kéo dài thì nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, lưu thông, cung ứng và xuất khẩu hàng hóa là hiện hữu. Vì vậy, Chính phủ cần đặt ưu tiên cao nhất cho các nhà máy quay lại hoạt động càng sớm càng tốt nhằm giảm thiểu các thiệt hại.

Bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại VN (AmCham VN), cho biết các thành viên trong hiệp hội quan tâm khá nhiều đến việc tắc nghẽn trong giao thông vận chuyển hàng hóa đã ảnh hưởng đến việc sản xuất, chuỗi cung ứng.

Chẳng hạn, nhiều tuyến đường tại các địa phương bị chốt chặn để ngăn chặn dịch bệnh khiến việc vận chuyển hàng hóa phải đi đường vòng. Ngoài ra, các cảng cũng như các dây chuyền kho lạnh có nguy cơ ngừng hoạt động do thiếu nhân lực đã gây gián đoạn việc sản xuất và xuất khẩu.

Hãng tin Korea Times của Hàn Quốc mới đây cũng cho hay nhà máy của Samsung tại TP.HCM với hơn 7.000 công nhân chủ yếu sản xuất tivi, máy giặt, tủ lạnh và máy hút bụi xuất khẩu cho các thị trường Đông Nam Á, châu Âu và Mỹ vẫn đang hoạt động theo phương án “ba tại chỗ”. Tuy nhiên, Nhà máy Samsung đang gặp khá nhiều khó khăn trong điều kiện sản xuất này khiến công suất giảm.

Điều này có thể làm ảnh hưởng đến các đơn hàng cung cấp cho ngày lễ hội cuối năm, đặc biệt ngày thứ Sáu đen tối tại Mỹ. Đáng mừng là tại khu vực phía Bắc, Nhà máy Samsung chuyên sản xuất điện thoại thông minh vẫn hoạt động bình thường và việc xuất khẩu điện thoại của hãng vẫn ổn.

Những việc cần làm ngay

Ông Jean-Michel Caldagues, thành viên Ban lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại VN (EuroCham VN), nhận định: Do tình trạng giãn cách xã hội kéo dài, các công ty trong thành viên của hiệp hội đang gặp rất nhiều khó khăn về lưu thông hàng hóa, vận chuyển và logistics. Do đó, chính quyền cần có chính sách về vận chuyển rõ ràng, thống nhất như cấp thẻ xanh cho khu vực sản xuất nhằm lưu thông hàng hóa một cách suôn sẻ.

“Việc Chính phủ giảm số ngày cách ly cho các chuyên gia nước ngoài đã tiêm đủ hai mũi đã hỗ trợ rất nhiều cho việc sản xuất của các nhà đầu tư nước ngoài. Song Chính phủ nên đưa ra quy trình phê duyệt nhanh chóng cho các nhà đầu tư và chuyên gia nước ngoài, cũng như đơn giản hóa các thủ tục cần thiết để người lao động nước ngoài sớm được cấp phép vào VN” - ông Jean-Michel Caldagues kiến nghị.

Bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành AmCham VN, đề xuất nới lỏng mô hình “ba tại chỗ” bằng cách cho phép nhà đầu tư đưa rước cán bộ, công nhân viên từ nhà máy về nhà và ngược lại, thay vì tiếp tục dồn mọi thứ tại khu vực sản xuất. Đồng thời nên cho phép các doanh nghiệp được phép mua dụng cụ test nhanh để tự xét nghiệm COVID-19 tại nhà máy; cho phép các đơn vị y tế tư nhân được triển khai tiêm vaccine.

“Chúng tôi cũng đề nghị trong các tổ công tác chống dịch bệnh nên có đại diện các doanh nghiệp hoặc các hiệp hội ngành hàng cùng phối hợp làm việc. Từ đó để cùng xử lý diễn tiến tình trạng dịch bệnh và tạo điều kiện thuận lợi cho việc phê duyệt các hỗ trợ” - bà Mary Tarnowka đề xuất.

Đại diện nhiều nhà đầu tư khác cũng kiến nghị cơ quan chức năng VN hàng loạt giải pháp quan trọng. Chẳng hạn, đẩy nhanh tiêm chủng cho công nhân để đảm bảo hoạt động sản xuất tối ưu. Đặc biệt, đề nghị cơ quan chức năng xác định cụ thể thời gian dỡ bỏ biện pháp giãn cách xã hội tại các tỉnh, thành; có quy trình công nhận rõ ràng đối với chứng chỉ tiêm chủng của các quốc gia khác nhau.•

Sản suất tại nhiều nước phục hồi mạnh mẽ

Trong báo cáo mới phát hành, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đánh giá khu vực kinh tế đối ngoại tại VN đã mất đi một phần động lực. Nguyên nhân, do dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giảm 11% trong bảy tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm trước.

“Các đơn vị xuất khẩu đang phải đối mặt với tình trạng đứt gãy do đại dịch tái bùng phát. Điều này buộc họ phải đóng cửa nhà máy hoặc chỉ hoạt động cầm chừng, cũng như phải đối mặt với áp lực cạnh tranh ngày càng lớn từ những quốc gia khác có các hoạt động sản suất đang phục hồi mạnh mẽ hơn” - World Bank nhận định. 

 

Apple tiếp tục sản xuất lượng lớn tai nghe tại Việt Nam

Dẫn các nguồn tin, hãng tin Nikkei của Nhật Bản cho biết: Hãng công nghệ Apple vẫn tiếp tục sản xuất lượng lớn tai nghe AirPods tại VN theo như kế hoạch đã đặt ra thay vì chuyển sang Trung Quốc. Thậm chí hãng công nghệ Mỹ có thể tăng sản lượng sản xuất dòng tai nghe mới nhất lên 20% tại VN.

Tuy nhiên, dịch bệnh lần thứ tư tại VN đang khiến nhiều hãng công nghệ quốc tế phải trì hoãn việc sản xuất. Chẳng hạn, hãng công nghệ Mỹ Amazon đang đối diện với sự chậm trễ sản xuất chuông cửa thông minh, camera an ninh và loa thông minh từ tháng 5, khi các nhà máy của hãng này đặt tại phía Bắc VN gặp dịch bệnh. Loạt điện thoại thông minh Pixel 6 sắp tới của Google sẽ được sản xuất tại Trung Quốc, mặc dù công ty đã có kế hoạch chuyển sản xuất dòng điện thoại này sang VN.

Tuy nhiên, ông Annabelle Hsu, chuyên gia phân tích đến từ Công ty nghiên cứu IDC, cho rằng những trở ngại này chỉ là tạm thời. Dòng chảy chính của các tập đoàn đa quốc gia chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang VN vẫn tiếp tục trong thời gian tới, khi dịch bệnh được kiểm soát.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm