Nhà đầu tư đề xuất nhiều giải pháp khẩn để phục hồi sản xuất

Sáng 20-8, lãnh đạo UBND TP.HCM đã gặp gỡ các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn TP nhằm chia sẻ, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn của nhà đầu tư (NĐT) để phục hồi sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19.

Tại đây, các NĐT đã đề xuất nhiều giải pháp như đẩy nhanh việc tiêm vaccine cho người lao động (NLĐ); giãn, miễn giảm thuế, phí; thông quan hàng hóa; cắt giảm thủ tục hành chính; bỏ hoặc thực hiện linh hoạt mô hình “ba tại chỗ”…

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cam kết tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp để sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh. Ảnh: VH

Khẩn cấp tiêm vaccine cho người lao động

Một giải pháp mà tất cả NĐT đều quan tâm hàng đầu chính là việc tiêm vaccine cho NLĐ. Theo bà Hồ Thị Thu Uyên, Giám đốc đối ngoại Công ty Intel Products Việt Nam, hiện công ty này đã có hơn 86% NLĐ được tiêm vaccine mũi 1 từ ngày 20-6. Tính đến nay đã là tuần thứ chín, nếu để quá thời hạn mà chưa được tiêm mũi 2 thì rất lãng phí.

 “TP cần ưu tiên tiêm mũi 2 cho lực lượng này. Đồng thời tiếp tục phủ kín mũi 1 cho tất cả NLĐ” - bà Uyên kiến nghị.

Đại diện Công ty Intel Products Việt Nam đề xuất phương án: Những lao động đã được tiêm mũi 1 và đang ở trong vùng xanh (vùng không có dịch) thì vẫn tiếp tục cho phép công ty được thực hiện mô hình “hai tại chỗ”.

Theo đó, công ty sẽ tổ chức đưa đón NLĐ theo mô hình “một cung đường - hai điểm đến” để tránh trường hợp NLĐ đi xe máy có thể dừng dọc đường, gây nguy cơ lây lan dịch bệnh. Khi NLĐ đã quen với việc này thì có thể xem xét để họ tự đi từ nhà đến nơi làm việc nhằm giảm chi phí cho DN.

Bà Uyên góp ý thêm, TP nên thành lập một bệnh viện thu dung điều trị COVID-19 trong Khu công nghệ cao. “Những trường hợp nhẹ có thể theo dõi, điều trị tại đây. Khi NLĐ ổn định sức khỏe thì có thể xem xét cho trở lại làm việc” - bà Uyên nói.

Đề xuất linh hoạt cho tiêm vaccine dịch vụ

Đại diện Công ty Intel Products Việt Nam lo ngại việc thiếu hụt lao động nên mong muốn TP đề xuất Chính phủ có thể cho tăng thêm 100 giờ làm trong năm 2021. Cùng với đó, cân nhắc giảm thuế thu nhập cá nhân cho NLĐ do nhiều người hiện là lao động chính, phải gồng gánh cả gia đình.

Cũng liên quan đến NLĐ, bà Uyên đề xuất cho phép NLĐ nước ngoài là chuyên gia đã tiêm hai mũi vaccine được sang Việt Nam làm việc để đào tạo nhân lực lao động chất lượng cao.

Đồng tình, ông Lê Hữu Bình, Giám đốc tài chính Công ty Jabil Việt Nam, góp ý: Trong bối cảnh quá tải như hiện nay, TP nên linh hoạt cho tiêm vaccine dịch vụ hoặc có cơ chế cho DN trả phí dịch vụ để tiêm vaccine cho NLĐ. Thậm chí cho phép NĐT tiếp nhận vaccine từ công ty mẹ để tiêm cho NLĐ.

Ông Bình cũng kiến nghị: Đối với NLĐ đã tiêm mũi 2 và đang ở trong vùng xanh thì nên cho phép họ được đi làm bình thường, tuân thủ các quy định giãn cách. “Công ty tôi đã có 200 lao động được tiêm mũi 2 nhưng vẫn phải thực hiện mô hình “một cung đường - hai điểm đến”, không khác gì với những người mới tiêm mũi 1 hoặc chưa tiêm” - ông Bình nêu thực tế.

Một vấn đề mà nhiều công ty cũng đang bối rối là khái niệm NLĐ sống trong “nơi ở xanh” nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể “nơi ở xanh” là nhà riêng, khu phố hay toàn phường/xã… Vì vậy, TP cần làm rõ để DN có cơ sở thực hiện.

 

Hàng trăm ngàn người lao động mất việc

Đầu tháng 8, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2021 của TP ước tính giảm 2,8% so với cùng kỳ và có khả năng không đạt chỉ tiêu kế hoạch năm 2021 đã đề ra. Hoạt động của DN gặp rất nhiều khó khăn, hàng chục ngàn DN phải ngừng hoạt động, hàng trăm ngàn NLĐ bị mất việc làm.

Nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, lưu thông hàng hóa là rất lớn nếu chúng ta không có giải pháp ứng phó một cách toàn diện, mạnh mẽ, kịp thời.

Ông VÕ VĂN HOAN, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM

TP.HCM tập trung tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP, cám ơn các NĐT nước ngoài đã đồng hành, chia sẻ cùng chính quyền TP trong suốt thời gian tập trung chống dịch. Ông Phong ghi nhận những kiến nghị, ý kiến góp ý, hiến kế của DN, đồng thời cho biết TP sẽ chỉ đạo các sở, ngành tập trung tháo gỡ vướng mắc cho NĐT.

Chủ tịch UBND TP.HCM thông tin TP đã trải qua 42 ngày thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. “Tính đến thời điểm này, đã có hơn 21.000 DN giải thể và tạm ngừng sản xuất. Điều này cho thấy dịch bệnh đã ảnh hưởng vô cùng nặng nề đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN” - ông Phong nói.

Người đứng đầu TP rất lấy làm tiếc khi TP phải đưa ra các quyết định giãn cách trong thời gian qua. “Chính quyền TP rất thấu hiểu việc giãn cách như vậy sẽ ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân cũng như tình hình sản xuất, kinh doanh của DN, cũng như môi trường đầu tư. Tuy nhiên, vì sự an toàn của cộng đồng, vì sức khỏe của người dân nên TP buộc phải làm như thế. Rất mong các DN chia sẻ” - ông Phong nói.

Chủ tịch TP Nguyễn Thành Phong thông tin thêm, ngay từ đợt giãn cách đầu tiên hôm 27-4, TP đã thành lập tổ công tác để hỗ trợ giải quyết các khó khăn cho DN do ảnh hưởng của dịch COVID-19...

Liên quan đến vấn đề tiêm vaccine, ông Phong cho biết chủ trương của TP là tiêm vaccine cho toàn bộ NLĐ tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Tuy nhiên, do nhiều lý do khách quan nên mới tiêm được khoảng 85%. TP đang có kế hoạch tiêm mũi 2 cho 85% NLĐ đã tiêm mũi 1 và tiêm mũi 1 cho 15% NLĐ còn lại.

Đối với NLĐ tại các DN ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, TP cũng đang có chủ trương sẽ tiêm hết. Dự kiến đến quý III năm nay sẽ tiêm vaccine cho 70% dân số từ 18 tuổi trở lên.

Đối với đề xuất tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, hỗ trợ tài chính, tín dụng và giảm thuế, ông Phong cho biết: TP sẽ tập trung giải quyết nhanh các vấn đề thuộc thẩm quyền. Riêng các vấn đề liên quan đến giảm thuế là vượt qua thẩm quyền nên TP sẽ tập hợp và có văn bản kiến nghị Thủ tướng.

“TP đang nỗ lực hết sức để tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các DN để sớm khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh. Chúng tôi ghi nhận tất cả kiến nghị của DN, các hiệp hội DN và tập trung giải quyết” - ông Phong nhấn mạnh.•

Một giải pháp mà tất cả NĐT đều quan tâm hàng đầu chính là việc tiêm vaccine cho NLĐ. Ảnh: V.H

 

Thiệt hại nặng nề, nhiều khách hàng
chuyển sang nước khác

Trình bày tại hội nghị, các DN đều cho biết dịch bệnh đã ảnh hưởng nặng nề đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN. Theo bà Hồ Thị Thu Uyên, Giám đốc đối ngoại Công ty Intel Products Việt Nam, công ty này hiện đang áp dụng mô hình “một cung đường - hai điểm đến” cho 1.800 NLĐ trực tiếp và khoảng 1.500 NLĐ gián tiếp.

Bà Uyên cho biết tính từ ngày 15-7 đến 15-8, chi phí phát sinh của công ty này là 150 tỉ đồng. Đến ngày 15-9, bà Uyên dự tính con số này sẽ tăng lên rất nhiều lần.

Trong khi đó, ông Lê Hữu Bình, Giám đốc tài chính Công ty Jabil Việt Nam, cũng cho biết công ty thực hiện mô hình “một cung đường - hai điểm đến” cho hơn 2.500 NLĐ, chi phí một ngày là 4 tỉ đồng. Một tháng, DN này phải chi hơn 120 tỉ đồng. Trong thời điểm dịch bệnh hiện nay, doanh thu của công ty này mất khoảng 60 triệu đôla/tháng.

“Do tình hình dịch bệnh nên chúng tôi không thể giao hàng đúng như đã cam kết trong hợp đồng. Nhiều khách hàng đã chuyển sang các nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Mexico… Nếu tình hình kéo dài, chúng tôi sẽ phải thu hẹp quy mô hoạt động tại TP.HCM” - ông Bình nói.

Theo ông Trần Tấn Phát, Tổng giám đốc Công ty Datalogic, ban đầu công ty có hơn 830 nhân viên nhưng đến nay chỉ còn khoảng một nửa là đang làm việc. Doanh thu của đơn vị này đạt 18,5 triệu đôla vào tháng 6 thì đến nay chỉ còn khoảng 11 triệu đôla, thu nhập giảm khoảng 60% so với trước đây.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm