Thận trọng với thực phẩm ngoại nhập!

Ngày 15-1, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Bình Dương bất ngờ kiểm tra kho lạnh Panasato (Khu công nghiệp Sóng Thần 2), phát hiện nhiều mặt hàng phục vụ tết vi phạm quy định an toàn vệ sinh thực phẩm. Phần lớn lô hàng thịt vịt nguyên con, cánh gà, thịt gà… tại đây đã hết hạn sử dụng 3-4 tháng; hàng chục tấn cá trứng, váng sữa nhập khẩu… thì chỉ còn vài ngày nữa là hết hạn sử dụng.

Thông tin trên xuất hiện trên báo chí đã khiến không ít người tiêu dùng lo lắng. Chị Minh ở quận 12 (TP.HCM) bức xúc: “Bán hàng nhập khẩu mà không có ngày sản xuất, hạn sử dụng thì khác gì bán thuốc độc cho người dân. Tưởng hàng ngoại thì chất lượng tốt hơn chứ nếu như vầy thì tết biết mua gì đây”.

“Bán sướng quá chừng!”

Trao đổi với chúng tôi, ông Duy Khanh, chủ một đại lý bánh kẹo, nước giải khát ở quận Tân Bình (TP.HCM), nhận xét do nhiều người cứ nghĩ đồ ngoại chất lượng hơn trong khi sự hiểu biết về nguồn gốc, chất lượng các mặt hàng này còn hạn chế. “Rượu châu Âu được làm giả từ Trung Quốc, bia Đức cũng có hàng giả, sữa ngoại xách tay hết đát, bánh kẹo thì khỏi nói, tràn lan… Nếu người bán hám lợi thì người mua lãnh đủ. Tôi là người bán hàng mà còn phải lo sợ” - ông này nói thêm.

Thận trọng với thực phẩm ngoại nhập! ảnh 1

Người tiêu dùng nên đến siêu thị uy tín và chọn hàng có thương hiệu nổi tiếng. Ảnh: TÚ UYÊN

Trong khi đó, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty Vinamit, thông tin thêm về một phát hiện mới của mình. “Tôi từng cầm một bịch xoài dẻo giả trên tay mà giật mình. Đó là khoai lang dẻo được cho hương xoài dẻo vào. Trong khi sản phẩm cùng loại của Vinamit hoặc loại xoài dẻo nhập khẩu từ Philippines bán giá 300.000 đồng/kg thì loại kia có giá mắc hơn gấp ba lần. Tệ hơn là loại khoai lang dẻo làm từ chất dẻo nhưng vẫn có hương khoai lang. Thị trường bán sỉ 120.000 đồng/kg, giá bán đến người tiêu dùng khoảng 260.000 đồng/kg. Người bán còn cho tôi biết bán sướng quá chừng! Và cái này từ nước nào không nói ra thì ai cũng biết!” - ông nói.

Gần tết, số lượng các mặt hàng thực phẩm ngoại nhập không rõ nguồn gốc, chất lượng, hết hạn sử dụng… bị phát hiện ngày càng nhiều. Chi cục QLTT TP.HCM cho biết trong 16 vụ cơ sở buôn bán thực phẩm vừa kiểm tra, có sáu vụ thực phẩm nhập khẩu không chứng từ, hóa đơn, tạm giữ 115 chai rượu, 52 thùng bia Heineken, 528 lon nước tăng lực Redbull, 44 kg bột ngọt Trung Quốc, 2.000 kg mơ muối...

Còn tại địa bàn quận Tân Phú, qua kiểm tra điểm chứa hàng của Công ty CP Xuất nhập khẩu Tiến Minh, Công an phường Tây Thạnh (quận Tân Phú) phát hiện hơn 10.000 hộp kẹo Durukan hit Pops 3in1 do Thụy Sĩ sản xuất đã hết hạn sử dụng, 3.600 chai sữa đậu nành Soya Master do Malaysia sản xuất ghi không đủ nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa. Trước đó, lực lượng QLTT quận đã phát hiện và tạm giữ tại Công ty CP Thương mại Sản xuất Tomi hơn 3.200 hộp bánh quy hỗn hợp hiệu Ritaz (Malaysia) đã hết hạn sử dụng, 6.000 hộp nui hiệu Jean Premium Penne Rigate do UAE sản xuất không thực hiện nhãn phụ tiếng Việt.

Kiểm soát chưa triệt để

Đại diện một DN chuyên cung cấp thực phẩm nhập khẩu tiết lộ thực phẩm ngoại kém chất lượng chỉ có thể “chui” vào nước ta qua con đường nhập lậu từ biên giới. Ví dụ, thịt bò Campuchia, gạo và đường Thái Lan cùng đủ loại hàng từ Trung Quốc đều được nhập lậu qua biên giới, chất lượng thì chẳng ai kiểm soát được. Cơ quan chức năng khó mà ngăn chặn tình trạng này...

Trước tình trạng báo động về chất lượng thực phẩm ngoại nhập, ông Nguyễn Lâm Viên (Công ty Vinamit) cho rằng người tiêu dùng nên mua những sản phẩm nhập chính ngạch, không nên mua hàng không có nhãn mác và thương hiệu. Năm nay, hàng lậu vẫn có cơ hội tràn vào vì với tình hình sức mua yếu, người kinh doanh không dám nhập hàng ở xa giá cao mà tìm đến thị trường có cự ly vận chuyển ngắn hơn, nhất là trong khối ASEAN và Trung Quốc.

Theo ông Viên, năm nay việc kiểm soát thực phẩm nhập khẩu vẫn được các cơ quan quản lý tiến hành nhưng chưa triệt để, cần làm mạnh, quyết liệt đến phút cuối chứ đừng chỉ làm phong trào lúc đầu, khi thị trường tết sôi động thì không có hoạt động gì. Điều này phụ thuộc vào sự nhạy bén, kinh nghiệm và giải pháp thực hiện của các cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó, hệ thống phân phối như siêu thị cũng phải ý thức được mục tiêu kinh doanh vì người tiêu dùng và uy tín lâu dài. Việc các siêu thị tự kinh doanh theo quy chuẩn riêng như hiện nay cộng thêm tâm lý chuộng ngoại rất dễ tạo kẽ hở cho hàng ngoại có mặt nhiều hơn.

Về vấn đề này, đại diện Siêu thị Citimart cho biết hiện siêu thị tự nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm như chocolate, bánh kẹo, trà từ Mỹ, Đức, Canada, Nhật để dễ kiểm soát khâu nguồn gốc và chất lượng. Và mặc dù có giá cao hơn hàng nội địa nhưng sản phẩm nhập khẩu này của Citimart vẫn tiêu thụ tốt nhờ mẫu mã bắt mắt, đa dạng “mà quan trọng là người dân thấy đồ ngoại là thích!” - vị này nói.

Kiểm tra kỹ sản phẩm trong giỏ quà tết

Chị Liên, một người tiêu dùng tại TP.HCM, cho biết kinh nghiệm của chị từ các năm trước khi mua giỏ quà tết là cần kiểm tra kỹ từng sản phẩm. Tốt nhất là chọn mua từng món một, nhờ gói lại hoặc tự gói sẽ biết được nguồn gốc các sản phẩm ngoại nhập. Sản phẩm được phân phối qua một DN trong nước thì sẽ an toàn hơn.

QUANG HUY - TÚ UYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm