Thủ tướng: ‘Chị bán chè cũng cần biết làm du lịch’

Tại diễn đàn “Nguồn nhân lực du lịch Việt Nam năm 2019” lần đầu tiên được tổ chức tại TP.HCM ngày 12-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu một số gợi ý về chiến lược nhân lực với ngành du lịch Việt Nam. Diễn đàn do Sở Du lịch TP.HCM phối hợp cùng ĐH Hoa Sen tổ chức.

Đào tạo xa rời thực tế

Theo Tổng cục Du lịch, hằng năm có khoảng 15.000 sinh viên ra trường phục vụ cho ngành du lịch. Đây là con số còn khiêm tốn so với nhu cầu từ thị trường. Tuy nhiên, theo đánh giá chung của các công ty du lịch, chỉ khoảng 65%-70% nguồn nhân lực tốt nghiệp ra trường đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng. Điều này gây khó khăn lớn cho các nhà kinh doanh du lịch.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Vietravel, nhìn nhận nguồn nhân lực đang là một trong những nút thắt để ngành du lịch cất cánh. Ông dẫn báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho thấy trong tất cả các ngành, nhân lực nhóm ngành liên quan du lịch có năng suất lao động thấp, chỉ bằng khoảng 40%-45% so với Malaysia và Thái Lan.

Năng suất thấp biểu hiện qua nguồn nhân lực còn yếu về kỹ năng, ngoại ngữ và trình độ. Nguyên nhân chính là do đào tạo chưa đúng theo nhu cầu và mong muốn của nhiều công ty. Hầu như sinh viên ra trường đều phải qua đào tạo lại.

“Vietravel hằng năm có kế hoạch tuyển dụng khoảng 300 nhân sự hoạt động, chưa tính đến số lượng hướng dẫn viên. Tuy số lượng ứng viên nộp hồ sơ khá đông nhưng hầu như đều khó chọn lựa ứng viên đáp ứng tốt cho các vị trí công việc phù hợp” - ông Kỳ dẫn chứng.

Từ thực tế trên, ông Kỳ đề xuất cần tính toán thành lập trường chuyên về du lịch vì Việt Nam đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Ông cũng đề nghị các trường đại học nghiên cứu xây dựng giáo trình, giáo án dựa trên tiêu chuẩn quốc tế về đào tạo du lịch có sự phù hợp với yêu cầu tại Việt Nam; đồng thời tăng cường kết nối giữa các công ty du lịch với các cơ sở đào tạo.

Cùng nhìn nhận trên, ông Phan Đình Huê, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vòng Tròn Việt, cho hay khi sinh viên ra trường tìm đến công ty thì phải trả lời câu hỏi “làm được gì” chứ không phải là có bằng cấp gì. “Công ty tôi chủ yếu làm với thị trường khách quốc tế nên điều chúng tôi quan tâm là người đó phải biết ngoại ngữ. Nếu sinh viên học có bằng cấp, có kiến thức đằng trời mà không nói, đọc, viết được ngoại ngữ thì cũng không phát triển được” - ông Huê nói.

Theo ông Huê, các công ty du lịch cần người biết làm việc nhưng các trường lại chỉ đào tạo ra những người có kiến thức tổng quát. Ví du,̣ sinh viên tốt nghiệp quản trị lữ hành khi tuyển về làm điều hành, hỏi gì họ cũng biết chút chút nhưng yêu cầu điều hành tour họ trả lời không biết... Do đó phải có người cũ ngồi kế bên, đôi khi mất cả năm trời để hướng dẫn mới rành việc.

“Theo tôi, nguyên nhân là do kinh phí đào tạo thấp nên các trường không đưa sinh viên đi thực tập. Thứ hai, nghề du lịch là khoa học thực hành trong khi hầu hết giảng viên thiên về lý thuyết, chưa trải nghiệm thực tế. Nếu một giảng viên dạy về hướng dẫn viên mà chưa từng dẫn khách, không biết khách thích nghe gì thì làm sao dạy. Các trường cũng thiếu những mô phỏng trong quá trình đào tạo” - ông Huê nói.

Thủ tướng gặp gỡ các đại biểu tại diễn đàn “Nguồn nhân lực du lịch Việt Nam năm 2019”. Ảnh: TÚ UYÊN

Du lịch có đủ hấp dẫn để thu hút nhân tài?

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu câu hỏi: Ngành du lịch liệu có đủ hấp dẫn để cạnh tranh, thu hút nhân tài, lực lượng lao động có kỹ năng, không những trong nước mà cả quốc tế tham gia lĩnh vực này hay không?

“Các chính sách đào tạo, đãi ngộ, phát triển nghề nghiệp và thu hút nhân tài, lao động có kỹ năng sẽ quyết định khả năng thu hút nguồn nhân lực của chúng ta” - Thủ tướng nhấn mạnh. ông tin rằng những công ty, mô hình kinh doanh hoạt động tốt nhất trong ngành du lịch Việt Nam cũng chính là những đơn vị trả lời tốt nhất câu hỏi này.

Người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng các chính sách nguồn nhân lực không thể được xây dựng một cách rời rạc mà phải được đặt trong tổng thể các chính sách, trong đó cơ chế thu hút con người là quan trọng. “Trẻ em ở Hội An, Sa pa, kể cả người dân tộc Mông ở đây nói tiếng Anh tốt vì có môi trường và vì thu nhập nên họ phải học” - Thủ tướng dẫn chứng.

Người đứng đầu Chính phủ gợi ý cần mở rộng nội hàm của chủ đề nguồn nhân lực du lịch. Cụ thể, nguồn nhân lực du lịch, theo Thủ tướng, không chỉ ở các công ty du lịch, ở các trường. Đó còn là người dân và các cộng đồng, nơi diễn ra các hoạt động du lịch. Chính những cộng đồng, người dân này sẽ quyết định hệ trọng đến sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam.

“Từ những chị bán chè ven đường, bán gánh hàng rong, người lái xe taxi đến bộ phận dân cư liên quan khác đều có vai trò quan trọng và cũng là nhân lực cho phát triển du lịch chứ không chỉ có nhân lực trong các trường học. Ứng xử của người dân rất quan trọng” - người đứng đầu Chính phủ phân tích.

Thủ tướng dẫn chứng Hội An có cộng đồng làm du lịch rất tốt. “Sáng sớm vào cửa hàng để đo quần áo, mua đồ đạc nhưng không mua, không lấy thì người bán vẫn vui vẻ và còn hướng dẫn đường cho khách. Hay như hội nghị Mỹ-Triều vừa qua, ông bán nước bưng bát nước chè đến tận tay các phóng viên quốc tế nên du khách ấn tượng vô cùng” - Thủ tướng kể.

Đó chính là nguồn nhân lực quan trọng chứ không chỉ là nhân lực trong trường lớp đi ra. Đó là còn chưa kể nguồn nhân lực lớn trong các ngành văn hóa, lịch sử, truyền thông... “Vậy tại sao chúng ta không phát huy nguồn lực đó? Điều cốt yếu là chúng ta phát huy được tốt nhất những tiềm năng và kỹ năng tiềm ẩn trong mỗi người Việt Nam” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại sao du khách đến Việt Nam ít hơn Thái Lan?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề tại sao Việt Nam không đứng được ở thứ hạng cao hơn về du lịch khi mà nước ta có nhiều di sản văn hóa, nhiều thắng cảnh tuyệt vời, con người thân thiện…

“Tại sao chúng ta chỉ đón 15-16 triệu khách quốc tế mà không phải 45-50 triệu khách? Tại sao số lượng du khách đến Việt Nam ít hơn Thái Lan, Singapore và Hong Kong?” - Thủ tướng đặt vấn đề.

Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý các trường đại học, cơ sở đào tạo cần cập nhật giáo trình, phương pháp đào tạo liên quan đến các ngành nghề thuộc lĩnh vực này, đáp ứng tốt các chuẩn mực mang tầm quốc tế cũng như xu hướng phát triển công nghệ trong lĩnh vực du lịch.

“Một năm nhu cầu nhân lực du lịch Việt Nam lên đến 40.000 người trong khi cả nước có 346 cơ sở đào tạo nhân lực du lịch nhưng chất lượng lại có vấn đề. Liệu các trường có quan tâm học với hành hay không? Làm trường A, trường B mà không có mô hình thực hành bên cạnh trường thì khoảng cách giữa học với hành xa vời lắm” - Thủ tướng nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm