TS Trần Du Lịch: Không thể coi vàng là phương tiện thanh toán

“Hiện nay DN vẫn có thể mua bán vàng miếng bình thường và không phạm pháp. Chỉ có mua bán ngoại tệ ở thị trường tự do là sai luật. Vấn đề ở đây là chúng ta đang tiến tới việc quản lý vàng miếng thế nào trong thời gian sắp tới”. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, cho biết.

. Phóng viên: Thưa ông, như vậy có nghĩa là các tiệm vàng đến giờ này vẫn được kinh doanh vàng miếng?

+ TS Trần Du Lịch: Đúng vậy, các DN hoàn toàn có thể kinh doanh vàng miếng bình thường như trước đây. Đã có văn bản nào cấm các DN không được mua, bán vàng miếng đâu. Chúng ta phải chú ý rằng Nghị quyết 11 nói rõ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo hướng tập trung đầu mối nhập khẩu vàng, tiến tới xóa bỏ việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do.

. Nếu vàng miếng quy về một mối thì các DN kinh doanh vàng nữ trang sẽ thế nào khi họ vẫn phải mua nguyên liệu vàng miếng về để chế tác, thưa ông?

+ Ở đây chúng ta đang bàn về biện pháp quản lý vàng miếng thôi. Tôi cho rằng vấn đề vàng miếng không ảnh hưởng đến các công ty chuyên kinh doanh vàng nữ trang. Bởi để chế tác vàng nữ trang, họ sẽ mua nguyên liệu vàng thỏi để chế tác. Công ty nào nhập vàng thỏi sẽ phải đăng ký mua theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Vàng nguyên liệu phải có giấy phép của Chính phủ.

TS Trần Du Lịch: Không thể coi vàng là phương tiện thanh toán ảnh 1

Nhiều người tìm mua vàng nhẫn như là kênh đầu tư thay thế vàng miếng. Ảnh: THANH HẢI

Lưu ý rằng vàng miếng và vàng thỏi hoàn toàn khác nhau. Các DN mua vàng thỏi về chế tác nữ trang, còn hầu như các đơn vị nhà nước và một số ít DN mới có giấy phép cán vàng miếng. Các DN muốn mua vàng thỏi về chế tác nữ trang phải có đủ cơ sở, trang thiết bị mới được cấp phép.

. Vậy các DN nhỏ có bị giới hạn về số lượng mua theo kiểu phải xin hạn ngạch không, thưa ông?

+ Khi đã được cấp giấy phép có nghĩa là họ có đủ cơ sở để làm việc, đủ trang thiết bị để chế tác, đủ con người để làm. Vậy tùy vào nhu cầu và công việc kinh doanh để DN mua. Cái này không ai khống chế số lượng đối với vàng nguyên liệu cả.

. Như thế sắp tới việc kinh doanh vàng sẽ như thế nào?

+ Không thể coi vàng là phương tiện thanh toán. Nếu coi vàng là phương tiện thanh toán là sai. Một đất nước chỉ có một đồng tiền chung. Chúng ta cũng sẽ không nằm ngoài quy luật ấy.

Vàng nhẫn hút hàng

Lượng mua vàng miếng PNJ đã giảm khoảng 5% -10% so với trước. Nhiều khách hỏi mua hàng chục lượng nhưng yêu cầu mua dưới dạng nhẫn trơn. Tuy nhiên, giao dịch vàng miếng tại phòng kinh doanh Công ty SJC TP.HCM, hôm qua (15-3) mua vào khoảng 2.500 lượng, bán ra là 3.000 lượng. SJC chưa triển khai sản xuất vàng bốn số 9999 dưới dạng nhẫn nhưng vẫn bán vàng miếng năm phân và một chỉ.

Ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng Kinh doanh vàng Công ty SJC, tỏ ra lo lắng về việc thị trường đang đi ngược lại quy luật: Người dân các tỉnh miền Tây và vùng Tây Nguyên, Trung Bộ như Nha Trang, Khánh Hòa, Phú Yên, Phan Thiết… vẫn đổ xô mua vàng nhẫn mặc dù biết rõ vàng nhẫn không thể gửi ngân hàng. Tại các tỉnh, các thương hiệu lớn không phân phối vàng nhẫn 9999. Do đó, người dân phải đối mặt với rủi ro về tuổi vàng cũng như việc tìm đầu ra khi bán nhẫn.

THANH HẢI

YÊN TRANG thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm