Điển hình là hai chiếc cầu treo tại thôn Ri Nầm và thôn Đắk Nai, xã Đắk Môn (huyện Đắk Glei). Theo người dân ở đây phản ánh cầu được xây dựng trước năm 2005, chiều dài hơn 30 m, rộng 1,2 m; bà con dùng vượt sông Pô Kô lên nương rẫy. Phần dây văng được làm bằng dây cáp vặn, phần sàn đoạn được lót bằng sắt, nhiều đoạn được lót bằng ván gỗ.
Theo bà Y Viên - Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Môn: “Cả hai cây cầu đều bị hư hỏng nặng do cơn bão số 9 năm 2009. Kể từ ngày đó, cứ mỗi lần mưa bão, chính quyền địa phương lại phải cử người tháo dỡ lớp ván sắt mang về cất đi vì sợ lũ cuốn trôi. UBND xã cũng đã có văn bản đề nghị cấp trên cấp kinh phí sửa chữa nhưng vẫn chưa được giải quyết”.
Nhiều cầu treo bắc qua sông Pô Kô ở Kon Tum đang xuống cấp. Ảnh: TH
Tương tự, cầu treo tại làng Đắk Tu, xã Đắk Long (huyện Đắk Glei) có chiều dài khoảng 40 m, rộng chỉ 1 m. Nhưng nguy hiểm hơn, dây văng hai bên của cây cầu này được làm bằng hai dây thép o8 cuộn lại với nhau. Hai bên cầu là những dây thép o6… Sàn cầu được lát những miếng ván đã mục nát, nhiều cây đinh nhô lên mặt sàn trông rất nguy hiểm. Anh A Theo (25 tuổi) - người dân làng Đắk Tu chia sẻ: “Mình đi nhiều nên thành quen, nếu không sẽ ngã xuống suối”.
Không chỉ riêng ở Đắk Glei, dọc theo con sông Pô Kô chảy qua huyện Ngọc Hồi hiện có khoảng năm cây cầu treo lớn, nhỏ. Nhiều mố cầu đã bị nước xói mòn, khoét sâu tới móng. Các địa phương như Đắk Tô, Tu Mơ Rông, Kon Plông, Sa Thầy... cũng có những chiếc cầu tương tự.
Từ vụ sập cầu tại bản Chu Va 6, mong rằng các cấp, ngành chức năng ở Kon Tum cần kiểm tra và sớm khắc phục, sửa chữa những chiếc cầu đã và đang xuống cấp ở các địa phương. Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”.
THÙY HƯƠNG