THÂM NHẬP KHO MỘC BẢN TRIỀU NGUYỄN

Kỳ 1: Bí mật ở biệt điện Trần Lệ Xuân

Ngày 30-7-2009, mộc bản triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận là “Di sản tư liệu thế giới” và đưa vào chương trình “Ký ức nhân loại”. Trong 34.618 tấm mộc bản hiện đang lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (Đà Lạt) có chứa những thông điệp nào của ông cha về chủ quyền, về chính sách cai trị, luật pháp và những câu chuyện nhân tình thế thái

Chỉ biết phía sau hàng rào bảo vệ nghiêm ngặt ấy là sự hiện diện của những kẻ có quyền uy bậc nhất của chính quyền chế độ cũ.

Kỳ 1: Bí mật ở biệt điện Trần Lệ Xuân ảnh 1

Từ “đệ nhất biệt điện”...

Vào thời hưng thịnh nhất của gia đình họ Ngô, năm 1958, vợ chồng ông “cố vấn” đã cho khởi công xây dựng khu biệt điện. Công trình này được coi là “sân sau” của gia đình quyền lực ấy nên được huy động tối đa trí lực, nhân lực và vật lực.

Khu biệt điện gồm ba biệt thự là Hồng Ngọc, Bạch Ngọc và Lam Ngọc. Bạch Ngọc là nơi giải trí của gia đình Trần Lệ Xuân và tướng tá chế độ Sài Gòn. Lam Ngọc được sử dụng làm nhà nghỉ cuối tuần của gia đình ông bà “cố vấn”. Còn Hồng Ngọc là tòa biệt thự mà bà Nhu xây tặng riêng cho bố đẻ của mình là ông Trần Văn Chương lúc này đang là đại sứ Việt Nam cộng hòa tại Hoa Kỳ.

Chẳng ai biết Trần Lệ Xuân đã bỏ ra bao nhiêu tiền của, nhưng vẻ kiêu sa, lộng lẫy của công trình này vẫn hiện diện cho tới ngày nay. Chỉ là một biệt điện cho những ngày ăn chơi, nhưng cũng thể hiện đỉnh cao quyền uy của chủ nhân.

Khuôn viên của tòa biệt điện nằm trên diện tích 13.000m2 với đầy đủ phòng làm việc, hội họp, phòng khiêu vũ, phòng chiêu đãi... Ngoài sân có hồ bơi nước nóng, có vọng đài và một hoa viên cực đẹp do các kỹ sư đến từ đất nước Phù Tang thiết kế, vì vậy nó còn được gọi là vườn hoa Nhật Bản. Phía sau vườn hoa này có một hồ sen, khi bơm đầy nước thì từ mặt hồ sẽ hiện rõ hình địa đồ Việt Nam.

Đặc biệt, để đề phòng bị tấn công bất ngờ, trong biệt thự Lam Ngọc còn có một căn hầm trú ẩn được thi công bằng loại thép đặc biệt, có thể chống đỡ sức công phá của hỏa lực hạng nặng. Trong căn hầm này có một đường hầm thoát hiểm, cho đến nay người ta vẫn chỉ phỏng đoán nó dẫn ra phía phi trường Cam Ly, cách nơi này chừng hai cây số...

Trong thời gian gia đình họ Ngô trên đỉnh cao quyền lực, biệt điện Trần Lệ Xuân là một trong những nơi được bảo vệ nghiêm ngặt nhất. Suốt ngày đêm có hàng chục cảnh sát và vệ binh cộng hòa túc trực tuần phòng. Một con chim lạ bay vào khu vườn cũng sẽ bị bắn hạ.

Thế nhưng, nhân nào thì quả nấy. Cuộc chính biến 1963 đã kết thúc sự “trị vì” của chế độ độc tài Ngô Đình Diệm. Cùng số phận với chủ nhân, tòa biệt điện được trưng dụng làm Bảo tàng Sắc tộc Tây nguyên vào thời Nguyễn Văn Thiệu nắm quyền.

Đến năm 1975, trong cuộc tháo chạy của chế độ cũ, không ít cổ vật vô giá tại bảo tàng này đã bị tuồn ra nước ngoài, nhiều món cổ vật khác bị lấy cắp, đập phá.

Sau ngày nước nhà thống nhất, chính quyền cách mạng đã tiếp quản và gìn giữ nơi này như một phần tài sản quốc gia. Đầu năm 2007, Bộ Nội vụ đã quyết định đầu tư 53 tỉ đồng để nâng cấp khu biệt điện này và thành lập tại đây Trung tâm Lưu trữ quốc gia 4...

Kỳ 1: Bí mật ở biệt điện Trần Lệ Xuân ảnh 2

Biệt điện Trần Lệ Xuân - Ảnh tư liệu trước 1975

Đến kho lưu trữ mộc bản triều Nguyễn

Năm 1949, khi Bảo Đại lên làm quốc trưởng của chính phủ bù nhìn thuộc Pháp, ông ta đã chọn Đà Lạt làm hoàng triều cương thổ. Toàn bộ mộc bản triều Nguyễn được ông vua cuối cùng của dòng họ này cho chuyển về miền đất cao nguyên. Ban đầu, kho tàng ấy được cất giữ ở Nha Ngân khố, sau đó chuyển đến Nhà dòng Chúa Cứu thế.

Từ năm 1983 đến nay, những tài liệu quý này tiếp tục được lưu giữ tại biệt điện Trần Lệ Xuân. Mộc bản triều Nguyễn chính là những tấm gỗ quý được khắc chữ Hán và chữ Nôm (chữ khắc ngược) dùng để nhân bản tài liệu nhằm phổ biến rộng rãi ra công chúng các chuẩn mực xã hội, các điều luật bắt buộc thần dân y tuân. Đó cũng là những bản khắc lưu truyền công danh, sự nghiệp của các bậc vua chúa, các sự kiện lịch sử, các biến cố thời cuộc, các cuộc tiễu trừ giặc dã...

Tất cả các bản thảo nói trên đều được đích danh hoàng đế ngự lãm, phê duyệt bằng bút tích trước khi giao cho những người thợ tài hoa nhất trong cung đình khắc lên gỗ quý.

Theo các chuyên gia, do tính chất cực kỳ quan trọng của mộc bản, dưới thời Minh Mạng nhà vua từng có chỉ dụ: “Sai quan Bắc thành kiểm xét các ván in nguyên trữ tại Văn Miếu (Hà Nội) về các sách ngũ kinh, tứ thư đại toàn, vũ kinh trực giải cùng tiền hậu chính sử và tứ trường văn thể gửi về kinh để ở Quốc Tử Giám (kinh đô Huế)”.

Ngay sau khi đăng quang vào năm 1841, vua Thiệu Trị cũng đã ban sắc cho thuyền binh chở toàn bộ mộc bản từ Quốc Tử Giám, Hà Nội về kinh đô Huế để bảo quản, tu bổ...

Sự ra đời của tài liệu mộc bản do Quốc sử quán đảm nhận chính. Quốc sử quán được thành lập năm 1821.

Để chế tác tài liệu mộc bản, Quốc sử quán đã phải tuyển nhiều thợ chạm khắc giỏi của cả nước. Những chữ được khắc lên mộc bản như chứa đựng tất cả tâm huyết của mỗi người thợ. Mỗi chữ Hán - Nôm trên mộc bản được khắc rất tinh xảo, sắc nét. Mỗi tấm mộc bản không những là một trang tài liệu quý giá mà còn là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

Mộc bản triều Nguyễn có nội dung rất phong phú và được chia làm chín chủ đề gồm: lịch sử, địa lý, quân sự, pháp chế, văn thơ, tôn giáo - tư tưởng - triết học, ngôn ngữ - văn tự, chính trị - xã hội, văn hóa - giáo dục.

Trong khối tài liệu này có một số bộ sách rất có giá trị mà các nhà nghiên cứu về lịch sử, địa lý, pháp luật, văn hóa của Việt Nam không thể bỏ qua như: Đại Nam thực lục, Hoàng Việt luật lệ (luật Gia Long), Đại Nam nhất thống chí... Trong đó bộ sách Đại Nam thực lục là đồ sộ nhất được biên soạn trong 88 năm (1821-1909).

Theo một số tài liệu, những bản khắc mộc bản chủ yếu sử dụng gỗ thị để khắc, bởi gỗ thị có màu trắng, thớ gỗ mịn, nhẹ, thường được dùng để khắc dấu không nứt mẻ, không cong vênh. Vì thế trải qua mấy trăm năm mà đến nay mộc bản vẫn có tình trạng vật lý tốt. Ngoài ra người ta còn dùng gỗ lê, gỗ táo để khắc mộc bản.

Theo sách Đại Nam nhất thống chí - một bộ sách địa chí nổi tiếng của triều Nguyễn: “Gỗ dùng để khắc mộc bản là gỗ cây nha đồng, thớ gỗ mịn, trắng sáng như ngà voi”.

Theo UÔNG THÁI BIỂU - KHẮC NIÊN (TTO)

____________________

Trang sách gỗ kể chuyện triều chính: những bản án cho “khai quốc công thần” đầy uẩn khúc và nỗi lòng người trong cuộc...

Kỳ tới: Vụ án trung thần và nước mắt tiền nhân

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm