20 năm đường dây 500kV - Chuyện bây giờ mới kể:

Kỳ 1: Bức bách dòng năng lượng quốc gia

Thế nhưng có những câu chuyện đến tận bây giờ những người trong cuộc mới ngồi kể ra. Từ chuyện tranh cãi ở Quốc hội, rồi bị bắt vào tù, đến cuộc rượu nghìn đô ở tận đất nước mặt trời mọc, hay như chuyện vắt sữa hổ ở Đak Glei, rồi chuyện thương tâm của hơn 250 con người đã ngã xuống vì dòng diện của Tổ quốc... Tất cả vẫn còn như tươi mới...

Đã nhiều năm kể từ sau Đại hội 6 - đại hội của thời kỳ Đổi mới, thế nhưng nền kinh tế đất nước vẫn ì ạch.

Kỳ 1: Bức bách dòng năng lượng quốc gia ảnh 1

Công nhân điện lực Thừa Thiên - Huế sửa chữa máy diesel bị hư (ảnh chụp năm 1990) - Ảnh: Công Bình

Đặc biệt là điện năng thiếu triền miên kéo dài từ miền Trung vào tận miền Nam, trong khi miền Bắc lại đang thừa điện. Chưa khi nào nền kinh tế phía Nam lại rơi vào cảnh “khát” điện đến như vậy.

Kinh tế èo uột vì thiếu điện

Bây giờ nhớ lại, ông Tạ Cảnh (nguyên giám đốc Điện lực Nghĩa Bình, nguyên giám đốc Công ty Điện lực 3) vẫn còn nhớ như in cảnh một nhóm bộ đội mang theo súng giữa đêm hầm hầm chạy đến gõ cửa đòi gặp cho được ông giám đốc nhà đèn. Họ hỏi: “Vì sao đang cấp điện lại ngưng? Có ý đồ phá hoại à?”. Tìm hiểu mới biết là hôm đó nhà máy đèn đang chạy thì bị sự cố. Giải trình mãi một hồi sau cả nhóm mới hạ hỏa kéo nhau về. Ông Cảnh nhớ lại: “Trước năm 1990 lưới điện miền Trung manh mún và rách nát vô cùng. Riêng miền Nam vẫn còn một vài tổ máy phát điện chạy được, nhưng chạy riết rồi cũng hỏng hóc...”.

Ngày ấy các thị xã, thành phố lớn ở miền Trung mới có điện nhưng cố gắng lắm cũng chỉ “hai tối một sáng”, tức là hai đêm tối một đêm có điện. Ngay như Đà Nẵng, một đô thị sầm uất bậc nhất, nhưng các tổ máy diesel lớn đặt ở nhà đèn (ngã ba Nguyễn Tri Phương - Trưng Nữ Vương bây giờ) hay Cầu Đỏ (Khu công nghiệp Hòa Cầm bây giờ) cũng chỉ đủ cung ứng cho các tuyến phố nằm sâu trong nội ô mà thôi. “Ngày đó cứ chạy vài ngày là các tổ máy diesel lại xảy ra trục trặc. Lý do dầu bôi trơn nhập về từ Nga không phù hợp với các tổ máy phát điện của Mỹ để lại như G3100. Máy của Mỹ chạy tốc độ nhanh, trong khi dầu nhờn của Nga lại không tốt lắm, vậy là hỏng hóc hoài. Anh em ngày nào cũng lê lết từ tuôcbin này đến tuôcbin kia, hết tháo con ốc này lại lắp con vít nọ. Tất cả chắp nối làm sao cho máy chạy trở lại. Vậy mà vẫn không cải thiện được”, ông Cảnh hồi tưởng.

Năm 1988, tình hình cấp điện ở miền Trung được cải thiện nhờ 20 máy phát điện diesel nhập về từ Liên Xô. Nhưng đó cũng chỉ là điện cung ứng tại chỗ. Riêng điện lưới quốc gia từ miền Bắc mãi đến cuối năm 1990 mới kéo vào đến miền Trung bằng đường dây 110kV; từ Đồng Hới (Quảng Bình) vào Đà Nẵng, sau đó tiếp tục được kéo vào Quy Nhơn (Bình Định). Và dù mang tiếng là điện lưới quốc gia nhưng việc cấp điện lại không mấy ổn định vì lưới điện liên tục bị tụt áp, vậy nên sản xuất bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Điện cho miền Trung là vậy, riêng miền Nam khi ấy lại càng bức xúc hơn nhiều. Việc sản xuất hàng hóa gần như bị đình đốn. Rất nhiều cơ sở công nghiệp phải đắp chiếu vì thiếu điện. “Cả khu vực miền Nam khi ấy chỉ trông chờ vào các cụm phát điện bé tí như Thủ Đức (3MW), Chợ Quán (2MW), Trà Nóc (4MW). Vậy thì kinh tế làm sao phát triển được, trong khi miền Nam là nơi tiếp cận sản xuất công nghiệp sớm nhất. Bây giờ không có điện thì phải làm sao?” - ông Trần Viết Ngãi, nguyên phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực VN, nguyên giám đốc Công ty Xây lắp điện 3, nhớ lại. Vậy là một hội nghị “Diên Hồng” đã diễn ra chóng vánh ngay giữa Sài Gòn.

Trong ba ngày phải trả lời

Tết năm 1991, Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc bấy giờ mời một số cán bộ chủ chốt của Bộ Năng lượng gồm các ông Vũ Ngọc Hải (bộ trưởng Bộ Năng lượng), Bùi Văn Lưu (giám đốc Công ty Điện lực 2), Lê Liêm (thứ trưởng Bộ Năng lượng), Trương Bảo Ngọc (giám đốc Công ty Tư vấn thiết kế điện 1), Trần Viết Ngãi (giám đốc Công ty Xây lắp điện 3) cùng một số người khác đến nhà khách của Công ty Điện lực 2 (đường Hai Bà Trưng, TP.HCM) ăn cơm. “Đó là một bữa cơm bình thường. Nhưng hôm đó tôi nhớ như in tâm trạng của Thủ tướng. Ông bảo rằng chúng ta đã mở cửa kinh tế rồi nhưng không phát triển được chỉ vì miền Nam thiếu điện trong khi miền Bắc lại đang thừa điện vì có thủy điện Hòa Bình, Thác Bà... Xuất phát từ trăn trở đó, nên trong bữa cơm hôm ấy Thủ tướng đã đưa ra một đề nghị: “Bây giờ các ông làm cách gì để đưa điện từ miền Bắc vào Nam cho tôi, càng sớm càng tốt” - ông Trần Viết Ngãi nhớ lại.

Kỳ 1: Bức bách dòng năng lượng quốc gia ảnh 2

Liên tục hỏng hóc tại Nhà máy điện Cầu Đỏ (Đà Nẵng) - Ảnh: Công Bình

Nghe Thủ tướng nói, lúc bấy giờ ông Vũ Ngọc Hải chậm rãi nói: Muốn đưa điện vào Nam chỉ có cách xây dựng đường dây siêu cao áp. Nhưng khi ấy trên thế giới chỉ có hai loại đường dây siêu cao áp: hoặc 400kV hoặc 500kV. Phổ biến vẫn là 400kV. Riêng một số nước như Pháp, Nga xài 500kV. Ngặt nỗi ở các nước này họ chỉ làm từ 400-500km là dài lắm rồi, còn ở VN nếu làm thì ít nhất không dưới 1.500km (chính xác là 1.567km). Ngay sau khi nghe ông Vũ Ngọc Hải nói, Thủ tướng im lặng. Một lúc sau ông quay lại nói với ông Hải: “Tôi giao ông trong ba ngày phải trả lời có làm được hay không!”. Ông Ngãi nhớ lại câu chuyện đến đó thì bữa cơm cũng vừa kết thúc, ai về nhà nấy.

Ngay sau đó, Bộ trưởng Hải triệu tập anh em lại, giao nhiệm vụ cho ông Trương Bảo Ngọc làm việc với Pacific Power International (PPI - một công ty tư vấn thiết kế đường dây cao áp của Úc) để trả lời câu hỏi của Thủ tướng “được hay không”. Ba ngày sau, phía PPI trả lời: “Làm thì được nhưng vướng giao động 1/4 bước sóng. Bài toán 1/4 bước sóng có thể triệt tiêu được nếu có đủ tiền để xây thêm các trạm bù áp dọc từ Bắc vào Nam”. Nhận được các câu trả lời ấy xong, Thủ tướng Kiệt quyết: Phải bắt tay xây dựng ngay đường dây siêu cao áp 500kV trong năm tới (tức năm 1992).

Theo ĐĂNG NAM - TẤN VŨ (Tuổi Trẻ)

______________________

Khi dự án đường dây 500kV đang đặt trên bàn Quốc hội thì bất ngờ xuất hiện một lá thư từ nước ngoài gửi cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Trong thư, vị giáo sư người Việt khẳng định: việc xây dựng đường dây 500kV là không tưởng!

Kỳ tới: Từ nghị trường đến hiện trường

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm