Bộ GTVT đánh giá dự án này tạo được nhiều kỷ lục như kỷ lục về huy động vốn xã hội hóa, kỷ lục về khối lượng cùng tiến độ và cả kỷ lục về tiết kiệm nữa. Có điều ở dự án này cũng gây ra “kỷ lục” về hiểm họa gây tai nạn giao thông kể từ khi khởi công.
Ai đã từng lái ô tô hoặc xe máy trên một số đoạn đường quốc lộ 1A vừa được mở rộng xong, đặc biệt ở các đoạn thiết kế chỉ một làn ô tô/chiều (cấp 3) đều cảm nhận được sự bất tiện và không an toàn. Người đi ô tô bất tiện vì không vượt được, nếu muốn chỉ còn cách lấn vào phải đe dọa người đi xe máy, xe đạp. Và sự an toàn của xe máy cùng người dân địa phương hai bên đường bị đe dọa, nguy cơ còn gia tăng vào ban đêm.
Điều này cho thấy trong thiết kế của dự án có điểm chưa ổn.
Dự án này không nằm ngoài nguyên tắc cơ bản là phải đảm bảo an toàn, giao thông thông suốt tiện lợi và tiết kiệm hiệu quả, trong đó đảm bảo an toàn giao thông vẫn là nguyên tắc cao nhất. Nguyên tắc này càng phải được xem là nội dung thiết yếu đối với dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1A có quy mô, tính chất đặc biệt quan trọng.
Thế nhưng lúc thi công, hàng loạt tai nạn thương tâm xảy ra dọc các công trình. Có lẽ ai cũng mong đợi có con đường tốt qua địa phương, quê hương mình sẽ dễ bỏ qua hậu quả tai nạn trước các sức ép về vốn, về tiến độ, về giải phóng mặt bằng, thậm chí về chỉ tiêu thành tích. Vậy mà khi dự án hoàn thành thì tai nạn vẫn không thôi rình rập.
Đúng ra nếu toàn tuyến được mở rộng có bề rộng dành cho người đi xe máy (tối thiểu 3 m) và đường song hành khi qua thị trấn, thị tứ thì quá an toàn và hiệu quả bền vững. Rất tiếc, thực tế này đã không xảy ra mà ngược lại, cảnh dở khóc dở cười lại có.
Để giảm tai nạn giao thông trên các đoạn này, không còn cách nào hơn là phải nghiên cứu đặt phân cách mềm cấm vượt và hạn chế tốc độ tại các nơi dễ xảy ra tai nạn như đoạn cong, dốc, qua khu dân cư… Việc đặt thêm cọc tiêu, biển báo, sơn đường, camera, thông tin khẩn cùng việc tăng cường tuần tra, kiểm soát và lập các trạm y tế sơ cứu khẩn cấp cũng không kém quan trọng nhằm xử lý tình huống, giảm thiểu hậu quả, thương vong.
Về lâu dài, Bộ GTVT cũng nên điều chỉnh, bổ sung tiêu chuẩn cho thực tế và an toàn hơn. Quy chuẩn hiện nay không có khái niệm xe máy và mô tô nên không rõ loại xe này nằm trong nhóm xe thô sơ hay xe cơ giới nên sự an toàn đối với người đi xe máy đã không được đả động. Đề nghị Bộ GTVT lưu ý đến đặc điểm giao thông Việt Nam để người đi xe máy được an toàn hơn. Ngoài ra, với quốc lộ thì dứt khoát không thể chỉ có một làn đường ô tô/chiều và lại cho phép vượt (đường cấp 3) do đã quá lạc hậu và không an toàn.
Không có dự án GTVT nào trên thế giới mà không gặp rủi ro. Vấn đề là có nhận dạng được và kiểm soát để hạn chế rủi ro không thôi. Bài toán an toàn giao thông luôn có lời giải mở và bền vững nếu Bộ GTVT làm tốt từ công tác quy hoạch, thiết kế, xây dựng quy chuẩn tiêu chuẩn và tất nhiên cần quyết tâm đổi mới từ tư duy và con người.