Trong tuần, báo Pháp Luật TP.HCMcó nhiều tuyến bài đa dạng, nhận được sự quan tâm của đông đảo độc giả. Số lượt bình luận bạn đọc gửi về ngày càng nhiều, thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến các vấn đề nóng trong xã hội.
Dân muốn nhanh, quy định từ từ
Trong lĩnh vực đất đai, bài viết “Đăng ký cả năm mới cho chuyển mục đích sử dụng đất” phản ánh việc người dân đăng ký để được xếp vào danh sách định mức đất được chuyển mục đích từng năm. Bạn MaiNguyen bức xúc nói: “Chờ đợi 3-4 tháng đã là lâu rồi, tôi không hiểu đăng ký trước một năm để làm gì trong khi người dân luôn cần được giải quyết nhanh chóng”.
Bạn DangLinh đặt câu hỏi: “Quy định phải hợp lý, có lợi cho dân. Định mức này có công bố rộng rãi không hay là chỉ trong nội bộ, đừng để nảy sinh tiêu cực, cò mồi làm dân tốn kém thêm”.
Bạn VanNguyen đặt vấn đề: “Cách hiểu của TP có đúng với tinh thần Điều 52 Luật Đất đai. Giữa kế hoạch và nhu cầu sử dụng đất đâu phải bao giờ cũng khớp nhau. Đừng làm khó dân quá”.
Nhà, đất công đang lãng phí
Bài viết “Nhiều vi phạm nhà, đất công do “lịch sử để lại”” nêu vấn đề tồn tại dai dẳng bao lâu nay. “Nhà, đất công tại TP.HCM nhiều nhưng có quá nhiều đầu mối quản lý, hiệu quả sử dụng đúng mục đích lại thấp” - một bạn đọc bình luận.
Bạn MinhNguyenDang dẫn chứng: “Theo số liệu từ HĐND thì TP còn cả ngàn địa chỉ nhà, đất công không được sử dụng hiệu quả. Trong khi đó trường học, mảng xanh, công viên, nơi sinh hoạt cộng đồng lại quá ít… Bài toán này cần các cấp lãnh đạo tính toán, giải quyết hợp tình, hợp lý”.
Cản đường xe cứu hỏa là vô cảm
Điểm nóng nhất trong tuần có lẽ là việc một ô tô con nghênh ngang cản đầu xe cứu hỏa trên đường làm nhiệm vụ suốt 4 km.
“Một hành động thiếu hiểu biết, vô cảm đến mức không thể chấp nhận” - bạn T.Hoa nói. “Hình phạt quá nhẹ, chỉ 2-3 triệu nếu so với hậu quả có thể xảy ra nếu xe cứu hỏa đến hiện trường trễ. Không thể tha thứ” - bạn NBG tức giận nói. “Nhà cháy có thể chính là nhà mình đó” là bình luận chung của nhiều độc giả.
Nhận nhầm con, chồng bỏ vợ
Cuối tuần, thông tin về sai sót nghiêm trọng của BV đa khoa huyện Ba Vì (Hà Nội): Trao nhầm con cho hai phụ nữ khiến bạn đọc sửng sốt. Càng xót xa hơn khi một gia đình đã phải tan nát, chồng ly hôn vợ vì thấy con không giống.
“Bây giờ phải làm sao đây? Ai có thể bù đắp được mất mát cho gia đình họ? Sáu năm nuôi con người khác, giờ nhận lại con ruột càng đau đớn, khó khăn hơn” - bạn Tuấn Minh chua xót nói. “Sự việc bây giờ đã quá phức tạp, nhiều quy trình pháp lý sẽ phải được áp dụng. Người lớn, trẻ nhỏ đều tổn thương nặng nề, không thể bỏ qua trách nhiệm của bệnh viện” - độc giả Khoa Trần bức xúc.
Để luật không bó tay với hành vi tức mắt “Luật ta có cái chi tiết quá, có cái lại chung chung quá, gây lúng túng khi thực thi” - Phạm Mạnh. “Luật liệt kê quá chi tiết thì sẽ khó áp dụng vì các tình huống trong thực tế đời sống quá đa dạng, sinh động. Nên nghiên cứu cải sửa theo hướng liệt kê nhưng bao quát hơn bằng cụm từ: “Và các hành vi vi phạm tương tự” hoặc quy định theo nhóm hành vi” - Nguyễn Thanh. |