Buông tay khi lái ô tô, vẽ bậy trên tường hay nơi công cộng, câu cá do chính quyền thả trên kênh rạch là những hành vi gây nhức mắt và sai rõ ràng nhưng hiện không xử lý được vì không có quy định.
Nhiều hành vi xốn mắt
Trên mạng xã hội vừa lan truyền một đoạn clip ghi lại cảnh Nam Em (tốp 8 Hoa hậu Trái đất năm 2016) đang lái xe nhưng buông hai tay ra khỏi vô lăng, nhún nhảy “phiêu” theo nhạc. Nhiều người bức xúc vì cho rằng hành vi của Nam Em có thể gây nguy hiểm đến tính mạng không chỉ của bản thân mà còn cho những người khác.
Hành vi đang diễn ra ngày càng nhiều là nạn vẽ bậy trên những bức tường, hàng rào của khu dân cư, trung tâm thương mại, các trạm biến điện, trạm chờ xe buýt, bảng quảng cáo công cộng… Những hình vẽ nguệch ngoạc này thường theo phong cách graffiti - một môn nghệ thuật được các bạn trẻ yêu thích, dùng sơn xịt lên tường để vẽ ra những bức tranh, hình ảnh hay những chữ viết. Nhưng việc này thực tế lại hóa thành bôi bẩn, ảnh hưởng đến tài sản của người khác.
Hành vi khác cũng gây xốn mắt tại TP.HCM là việc nhiều người thản nhiên câu cá trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè bất chấp các biển báo cấm. Việc chính quyền thả hàng chục tấn cá xuống sông là để tạo cảnh quan, cân bằng sinh thái, giúp môi trường trong sạch đẹp hơn. Ý nghĩa là thế nhưng người câu vẫn tụ tập đến đây câu trong khi cơ quan có thẩm quyền không lập biên bản xử lý được, vì không có quy định nào cấm việc câu cá trên kênh rạch. Việc tuyên truyền, nhắc nhở chưa đem lại kết quả, chưa kể người câu cá còn phản kháng, chửi bới, hành hung… người nhắc nhở.
Biển cấm câu cá bên bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh: MQ
Không xử lý được
Theo luật sư (LS) Trịnh Văn Hiệp (Phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Quảng Nam), điểm a khoản 9 Điều 6 Nghị định 46/2016 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt thì người điều khiển mô tô, xe máy (kể cả xe máy điện) nếu có hành vi buông cả hai tay, dùng chân lái xe, nằm trên yên xe, quay người về phía sau hoặc bịt mắt khi điều khiển xe thì bị xử phạt 5-7 triệu đồng. Nhưng Nghị định 46 lại bỏ ngỏ hành vi buông cả hai tay khi đang lái ô tô.
Về việc vẽ bậy trên tường, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một phó chủ tịch phường ở quận 1, TP.HCM (nơi có nhiều hình vẽ) cho rằng có thể xử phạt hành chính theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 7 Nghị định 167/2013 của Chính phủ vì đã có hành vi đổ, ném chất thải, chất bẩn hoặc các chất khác làm hoen bẩn nhà ở, cơ quan, trụ sở làm việc, nơi sản xuất, kinh doanh của người khác. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia áp dụng quy định trên để xử lý những người xịt sơn vẽ lên tường là không đúng.
Cụ thể, LS Nguyễn Đức Thắng Ý (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng hành vi của những người vẽ bậy là xịt sơn lên tường, không phải là đổ sơn hay ném sơn nên không thể áp dụng quy định trên để xử lý. Còn nếu áp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định 167 của Chính phủ về gây thiệt hại đến tài sản của người khác để phạt cũng không đúng. Bởi hành vi hủy hoại là làm mất giá trị của tài sản, cố ý làm hư hỏng là làm giảm giá trị của tài sản. Nhưng hành vi xịt sơn lên tường, trạm xe buýt… chỉ làm xấu chứ không làm mất giá trị tài sản. “Vì vậy, có thể nói đến nay chưa quy định nào xử lý hành vi vẽ bậy nêu trên” - LS Ý nói.
Hành vi câu cá trên kênh Nhiêu Lộc, theo LS Nguyễn Đức Chánh (Đoàn LS TP.HCM), TP đã đưa ra một số biện pháp như tịch thu cần câu. Tuy nhiên, về mặt pháp lý thì biện pháp này không đúng vì chưa có căn cứ pháp luật. Nghị định 103/2013 của Chính phủ (xử phạt hành chính trong lĩnh vực hoạt động thủy sản) không quy định việc xử phạt hành vi câu cá trên kênh rạch ở đô thị. Chỉ có thể áp dụng các biện pháp liên quan khác như xử phạt người câu để phương tiện ở lòng đường đô thị, hè phố... Nhưng đây chỉ là biện pháp tạm thời, về lâu dài nên có quy định riêng để xử phạt hành vi câu cá trên kênh rạch ở đô thị.
Luật không nên quá tỉ mỉ
Theo hai LS Trịnh Văn Hiệp và Nguyễn Đức Thắng Ý, những hành vi trên dù người vi phạm sai rành rành ra nhưng chúng ta chỉ biết đứng nhìn và phàn nàn với nhau.
LS Hiệp cho rằng khi luật quy định chung chung quá thì rõ là khó áp dụng nhưng trong trường hợp này nếu quy định quá chi tiết theo kiểu liệt kê tỉ mỉ thì cũng không hay. Bởi những văn bản pháp luật dù có liên tục sửa đổi cũng không thể dự liệu hết những tình huống phát sinh trong thực tế đời sống.
“Nếu nhà làm luật không quy định chi tiết đến mức liệt kê cụ thể hành vi đổ, ném chất thải, chất bẩn hoặc các chất khác mà quy định các hành vi đổ, ném, vứt... và các hành vi tương tự thì chúng ta đã có thể xử phạt được việc vẽ bậy lên tường” - LS Hiệp nói.
LS Ý đồng tình cho rằng việc luật quy định chi tiết thì sẽ dễ áp dụng nhưng nếu quá chi tiết, tỉ mỉ theo kiểu liệt kê hết thảy thì dễ dẫn đến những thiếu sót. Điều này làm chúng ta phải bó tay đối với những hành vi tương tự, tương đồng với các hành vi được liệt kê. Còn đối với những hành vi luật chưa quy định thì nhà làm luật cần sớm có những quy định để có cơ sở xử lý.
Vẽ graffiti ở nước ngoài bị phạt ra sao? Ở Hàn Quốc, những ai phá hoại cơ sở công cộng bằng vẽ graffiti có thể đối mặt ba năm tù và mức tiền phạt tối đa 5 triệu won (4.470 USD). Theo luật pháp Thái Lan, hình phạt cho tội phá hoại là khoản tiền phạt tối đa 5.000 baht (150 USD). Chính phủ Indonesia quy định cá nhân hoặc tổ chức nào viết, vẽ, dán các áp phích, biển quảng cáo lên tường ở những nơi công cộng bị phạt tối đa sáu tháng tù hoặc số tiền 20 triệu rupiah (tương đương 2.105 USD). Hình phạt tối đa cho tội phá hoại ở Singapore là khoản tiền phạt 2.000 đôla Singapore (1.461 USD) và tới ba năm tù giam, thêm vào đó là bị đánh từ ba đến tám roi. NGỌC NHƯ |