Sáng 13-4, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Sở Tư pháp TP.HCM tổ chức tọa đàm về thực tiễn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) 2012 tại TP.HCM với gần 40 đại biểu tham dự. TS Nguyễn Văn Cương (Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp) và bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP) chủ trì buổi tọa đàm.
Một hành vi vi phạm chỉ bị lập biên bản một lần?
Tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Kim Liên (Trưởng phòng Công tác thi hành pháp luật và quản lý XLVPHC, Sở Tư pháp TP) cho biết bên cạnh kết quả tích cực, quá trình thi hành Luật XLVPHC 2012 vẫn còn những hạn chế. Có nhiều quy định của Luật XLVPHC 2012 chưa phù hợp thực tiễn, gây khó khăn, lúng túng trong quá trình thi hành.
Chẳng hạn, theo điểm d khoản 1 Điều 3 Luật XLVPHC 2012, một hành vi VPHC chỉ bị xử phạt một lần. Nghị định số 81/2013 của Chính phủ cũng hướng dẫn một hành vi VPHC chỉ bị lập biên bản vi phạm và ban hành quyết định xử phạt một lần. Tuy nhiên, các quy định này đang có nhiều cách hiểu khác nhau, gây lúng túng cho cơ quan thực thi.
Cách hiểu thứ nhất, hành vi VPHC có thể bị lập biên bản nhiều lần nhưng chỉ được ban hành quyết định xử phạt một lần hoặc quyết định khắc phục hậu quả một lần. Ví dụ: Hành vi vi phạm trước đây đã bị lập biên bản nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà chưa ban hành quyết định xử phạt (hay khắc phục hậu quả), nay có thể lập biên bản khác để ban hành quyết định xử phạt (hay khắc phục hậu quả).
Cách hiểu thứ hai, hành vi VPHC đã bị lập biên bản vi phạm thì phải căn cứ vào biên bản đó để ban hành quyết định xử phạt hoặc khắc phục hậu quả, cho dù biên bản đó được lập cách đây vài năm chứ không được lập biên bản vi phạm mới.
Theo bà Liên, nếu áp dụng theo cách hiểu thứ hai thì rất khó khăn cho người có thẩm quyền xử phạt vì trong quá trình lập biên bản VPHC có thể có sai sót hoặc có nhiều cơ quan có thẩm quyền lập biên bản nhưng chưa xử lý. Nay muốn xử lý thì sẽ lúng túng trong việc xác định vụ việc đó đã bị lập biên bản chưa, cơ quan nào lập, lưu giữ biên bản...
Bà Nguyễn Thị Kim Liên, Trưởng phòng Công tác thi hành pháp luật và quản lý xử phạt vi phạm hành chính, Sở Tư pháp TP.HCM, nêu vướng mắc tại tọa đàm. Ảnh: KP
Câu cá trên kênh rạch, phạt ra sao?
Theo Luật XLVPHC 2012, chỉ Chính phủ mới có thẩm quyền quy định hành vi nào là vi phạm, hình thức phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả. Quy định này đáp ứng được yêu cầu bảo đảm tính thống nhất trong áp dụng pháp luật. Tuy nhiên, mỗi địa phương có những đặc thù riêng về điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, quy mô và đặc điểm dân số, điều kiện tự nhiên… Do đó, tùy từng địa phương mà có các hành vi vi phạm khác nhau, tính chất và mức độ của vi phạm cũng khác nhau.
Bà Nguyễn Thị Kim Liên dẫn chứng: Ở TP.HCM thời gian qua phát sinh một số hành vi mang tính đặc thù như câu cá trên kênh rạch thuộc khu vực nội thành, sử dụng container làm nhà ở, vi phạm các quy định về hoạt động của thừa phát lại… Các hành vi này gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến công tác quản lý chung trên địa bàn nhưng lại chưa được quy định hoặc quy định không rõ trong các nghị định xử phạt VPHC nên khó xử lý hoặc không xử lý được.
Bên cạnh đó, Luật XLVPHC 2012 quy định cụ thể từng chức danh có thẩm quyền xử phạt cũng như phạm vi thẩm quyền xử phạt. Tuy nhiên, thẩm quyền phạt tiền, áp dụng hình thức phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả của nhiều chức danh, đặc biệt là các chức danh có thẩm quyền phạt chung (chủ tịch UBND) hoặc các chức danh có thẩm quyền phạt đa ngành, đa lĩnh vực (lực lượng công an…) còn thấp, không tương xứng với trách nhiệm, vai trò quản lý ở địa phương.
Cụ thể, chủ tịch UBND cấp xã chỉ được phạt tối đa và tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm có giá trị đến 5 triệu đồng; trưởng công an cấp xã chỉ được phạt tối đa và tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm có giá trị đến 2,5 triệu đồng (chủ tịch UBND cấp huyện và giám đốc công an cấp tỉnh là 50 triệu đồng). Điều này dẫn đến thực tế là số lượng hành vi mà các chức danh quản lý ở cơ sở có thẩm quyền xử phạt ngày càng ít. Các hành vi vi phạm đơn giản, diễn ra phổ biến ở địa bàn như vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị… đều phải chuyển các cơ quan có thẩm quyền cấp trên.
Ngoài ra, mức tiền phạt tối đa trong một số lĩnh vực như an ninh trật tự, an toàn xã hội, giao thông đường bộ (40 triệu đồng); hôn nhân gia đình, bạo lực gia đình, tôn giáo (30 triệu đồng)… trong Luật XLVPHC 2012 đã không còn phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội hiện nay, nhất là ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM. Hệ quả là mức phạt không đủ sức răn đe người vi phạm, không có tác dụng ngăn ngừa vi phạm.
Từ các vướng mắc trên, đại diện Sở Tư pháp TP đề xuất cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định không còn phù hợp thực tiễn, chưa thống nhất, còn chồng chéo… của Luật XLVPHC 2012. Tăng cường phân cấp cho chính quyền địa phương trong việc quy định hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả. Tăng thẩm quyền xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả của một số chức danh, đặc biệt là chủ tịch UBND cấp xã, cấp huyện, trưởng công an các cấp...
Cho cấp trưởng ủy quyền cho cấp phó? Theo Luật XLVPHC 2012 và các nghị định quy định về chế độ áp dụng các biện pháp XLVPHC, quá trình tham gia lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm đều đòi hỏi sự tham gia của thủ trưởng các cơ quan (chủ tịch UBND cấp xã, trưởng công an, trưởng phòng Tư pháp, trưởng phòng LĐ-TB&XH). Đại diện Công an TP.HCM nhận xét việc quy định hiện hành không cho cấp trưởng giao quyền hay ủy quyền cấp phó trong quá trình lập hồ sơ, xử lý VPHC đã gây khó khăn cho địa phương vì không phải lúc nào cấp trưởng cũng có mặt tại cơ quan để xử lý. Hơn nữa, với khối lượng công việc ngày càng gia tăng thì cấp trưởng không thể trực tiếp xử lý tất cả công việc. Sở Tư pháp TP đồng tình và kiến nghị mở rộng phạm vi giao quyền, quy định các cơ chế để người có thẩm quyền thực hiện ủy quyền, cho phép ủy quyền trong các trường hợp xử phạt VPHC, áp dụng biện pháp xử lý hành chính... |