Lá phiếu tín nhiệm để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền

(PLO)- Lá phiếu tín nhiệm giúp cho từng cá nhân tự soi tự sửa, nhằm nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, trung tâm là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành Trung ương...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hội nghị Trung ương 7 khai mạc hôm qua (15-5) nhấn mạnh tính chất hội nghị giữa nhiệm kỳ, như tiêu đề phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “đánh giá một cách khách quan và toàn diện tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư từ đầu nhiệm kỳ tới nay”.

Một cách tổng quát, tình hình thế giới, trong nước từ Đại hội XIII đến nay có thể tóm tắt như nhận định của Tổng Bí thư. Đó là “những diễn biến nhanh chóng, bất thường và có nhiều khó khăn, phức tạp hơn so với dự báo cũng như so với cùng thời điểm các nhiệm kỳ trước”.

Những diễn biến bất thường ấy đến từ đại dịch COVID-19 bùng phát ngay trong hơn năm đầu sau đại hội để lại những hậu quả mà cho đến thời điểm này vẫn chưa thể đong đếm hết.

Cạnh tranh các nước lớn gay gắt những năm gần đây giờ trở nên khó đoán định trong bối cảnh Nga - Ukraine căng thẳng đã làm đảo lộn thế giới vào lúc đại dịch còn chưa kết thúc.

Những yếu tố khách quan trên đã tác động trực tiếp tới nước ta mà khó khăn kinh tế, đời sống nhân dân sang năm 2023 này mới cảm nhận sâu sắc ở hầu hết lĩnh vực.

Và lo lắng hơn là tình trạng đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý xảy ra ở nhiều nơi, đến mức lần đầu tiên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải gọi tên, tìm cách chấn chỉnh.

Tất cả diễn biến, thách thức, biểu hiện nêu trên xuất hiện ở một giai đoạn Đảng đang đẩy mạnh công cuộc tự xây dựng, chỉnh đốn. Công cuộc ấy đã đi đến những sinh hoạt chính trị cấp cao, mà mới đầu năm nay thôi, lần đầu tiên trong lịch sử, lần lượt hai phó thủ tướng rồi chủ tịch nước từ chức vì lý do trách nhiệm…

Đây là bối cảnh của công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng như việc thực hiện nhiệm vụ, chức trách của từng thành viên; cũng là bối cảnh của sinh hoạt chính trị cấp cao ở hội nghị trung ương này: Lấy phiếu tín nhiệm với các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Xuyên suốt từ khi bắt đầu triển khai từ năm 2013 đến nay, mục đích của lấy phiếu tín nhiệm với ba mức tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp vẫn là để những người được lấy phiếu “tự soi”, “tự sửa”, tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện.

Với tính chất ấy, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc, việc lấy phiếu tín nhiệm ở hội nghị trung ương này đòi hỏi tinh thần trách nhiệm, xây dựng của các ủy viên trung ương, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, trong sự tôn trọng quyền báo cáo, giải trình của từng ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Lá phiếu tín nhiệm như vậy sẽ nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, trung tâm là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành Trung ương, hướng tới hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu nửa nhiệm kỳ còn lại của Đại hội XIII...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm