Thông tin trên được đưa ra tại “Hội nghị đối thoại, kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn TP.HCM” do NHNN chi nhánh TP.HCM, Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM phối hợp với Agribank tổ chức sáng nay, ngày 17-10.
Lãi suất cho vay đã chạm sàn
Tính đến thời điểm hiện tại, xét trên địa bàn thành phố, chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp đã giải ngân được 490.138 tỉ đồng cho 153.151 khách hàng, đạt 96,13% tổng số gói tín dụng các ngân hàng đã đăng ký từ đầu năm.
Trong đó, riêng hệ thống Agribank tại TP.HCM hiện đã giải ngân cho vay với số tiền 4.302 tỉ đồng, đạt 99% số tiền đã đăng ký gói tín dụng từ đầu năm của hệ thống Agribank trên địa bàn.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh TP.HCM, tổng dư nợ cho vay phát triển lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn trên địa bàn thành phố hiện đạt 345.581 tỷ đồng, cho 2,01 triệu khách hàng vay vốn, tăng 2% so với cuối năm và tăng 14,5% so với cùng kỳ. Trong đó, cho vay cá nhân, hộ gia đình sản xuất kinh doanh đạt 115.991 tỉ đồng, chiếm 33,5% tổng dư nợ tín dụng lĩnh vực này.
Với vai trò là một doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp xanh, bà Phạm Thị Thu Hà, Giám đốc HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Vũ Hưng Trường (quận Bình Tân) cho biết: Lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực nông nghiệp sạch luôn được ưu đãi, nhưng để đến được với nguồn vốn giá rẻ này không hề dễ dàng.
"Ngoài ra, quy mô nguồn vốn giá rẻ này cũng chưa thực sự rộng mở. Do đó, những doanh nghiệp như chúng tôi rất mong muốn được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này tại Agribank".
Tương tự, đại diện công ty xuất khẩu thủy hải sản và chế biến đồ hộp cho biết thêm: Do doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, nên vốn vay tại Agribank chủ yếu là vay bằng ngoại tệ.
"Mỗi năm, nguồn ngoại tệ của doanh nghiệp “chảy về” chi nhánh Agribank mà chúng tôi có quan hệ tín dụng là khoảng 16 triệu USD. Với nguồn ngoại tệ như vậy, nhưng ưu đãi lãi suất vay ngoại tệ chưa thực sự hấp dẫn. Thậm chí có những thời điểm do ảnh hưởng bởi biến động tỉ giá, càng đẩy gắng nặng lên chi phí tài chính cho doanh nghiệp. Do đó, tôi rất mong Agribank cần có những chính sách ưu đãi lãi suất tốt hơn nữa đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu như chúng tôi”, đại diện công ty nói.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp khác cũng cho rằng sau đại dịch covid-19, nền kinh tế trong nước bị tác động bởi nhiều yếu tố từ thị trường quốc tế khiến tiềm lực của các doanh nghiệp cũng suy giảm theo. Giờ đây, công ty không còn tài sản để thế chấp, do đó rất mong ngân hàng cần đẩy mạnh cho vay tín chấp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, duy trì hoạt động sản xuất.
Khi ngân hàng ngồi cùng thuyền với doanh nghiệp
Ông Hoàng Minh Ngọc, Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết: Có đến 70% khách hàng được vay theo chính sách tín dụng của Nghị định 55 là vay tín chấp, không có tài sản bảo đảm. Trong đó, khách hàng phải tích cực phối hợp với ngân hàng trong việc đưa dòng vốn sử dụng một cách hiệu quả, đảm bảo an toàn vốn vay.
Liên quan đến tín dụng thương mại, cũng có rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất gạo, chế biến thủy hải sản trên địa bàn TP.HCM đã được vay tín chấp. Một khoản vay chất lượng tốt không chỉ dựa vào tài sản thế chấp mà còn phải xem dòng tiền của họ ra sao, có khả năng trả nợ hay không.
"Khi chúng tôi cho doanh nghiệp vay, có thể hiểu là chúng tôi đang góp vốn đầu tư vào doanh nghiệp, cùng với doanh nghiệp đó phát triển lớn mạnh hơn. Do đó, khi cho vay bất kỳ một khách hàng nào chúng tôi cũng phải đánh giá xem doanh nghiệp có đủ điều kiện vay không. Chính vì vậy, những doanh nghiệp có phương án kinh doanh hiệu quả tốt thì chắc chắn sẽ được Agribank săn đón”-ông Ngọc nói.
Được biết, ngành ngân hàng luôn xác định nông nghiệp, nông thôn là một trong các lĩnh vực ưu tiên cần tập trung vốn tín dụng. Theo đó, ngành ngân hàng thường xuyên rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động ngân hàng, đặc biệt là các quy định về hoạt động cấp tín dụng. Điều hành chính sách tiền tệ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Đồng thời, NHNN cũng chỉ đạo tổ chức triển khai các chính sách tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, yêu cầu hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng.