Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có công văn hỏa tốc gửi 19 NH thương mại tham gia chương trình tín dụng 30.000 tỉ đồng. Theo đó, NHNN yêu cầu từ ngày 31-3 dừng ký hợp đồng mới với toàn bộ khách hàng của chương trình.
Lý giải nguyên nhân đưa ra quyết định trên, NHNN nêu rõ qua theo dõi về tình hình cho vay hỗ trợ nhà ở, đến nay số tiền cam kết cho vay của các NH đối với khách hàng đã đạt trên 30.000 tỉ đồng, tức gói tín dụng chính sách này đã tiêu thụ hết “quota”.
Cụ thể, theo ước tính của cơ quan chức năng, đến ngày 10-3 vừa qua, các NH đã cam kết cho vay 30.122 tỉ đồng đối với 46.246 khách hàng.
Thất vọng, lo lắng
Như vậy với quyết định trên của NHNN, từ ngày 1-4 sẽ không có thêm khách hàng mới nào được vay tiền từ gói 30.000 tỉ đồng. Điều này khiến nhiều người đang hy vọng được ký hợp đồng vay tiền mua nhà ở giá rẻ thất vọng vì không có cơ hội được vay vốn ưu đãi để mua nhà.
“Thông tin trên lại một lần nữa làm khách hàng đang vay và chuẩn bị ký hợp đồng mua nhà cùng các chủ đầu tư nhốn nháo. Sáng qua, khi NH nộp hồ sơ cho khách hàng thì chúng tôi mới được báo tin. Mới hôm trước nói hạn chót là 30-5-2016, giờ lại là 31-3-2016 khiến công ty lẫn khách hàng của chúng tôi cuống quýt, không biết đâu mà lần” - chủ tịch HĐQT một công ty địa ốc than thở.
Chị Trịnh Thị Hiếu, một công chức làm việc ở quận 3 (TP.HCM), cho hay cách đây một tuần chị có tìm hiểu về chương trình gói 30.000 tỉ đồng để chuẩn bị mua nhà tại dự án chung cư Hạnh Phúc trên đường Nguyễn Văn Linh, quận 7 của Tổng Công ty Xây dựng số 1 (Bộ Xây dựng).
“Tôi dự tính giữa tuần này sẽ đi làm hồ sơ, thủ tục nhưng nay có lệnh đột ngột dừng cho vay khiến tôi mất cơ hội vay tiền mua nhà với lãi suất rẻ. Trong khi đó nếu vay thương mại theo thị trường thì lãi suất cao (có thể cao gấp 1,5-2 lần cho vay ưu đãi), số tiền phải trả lãi hằng tháng lớn, gia đình tôi không đủ khả năng vì còn phải nuôi hai con nhỏ” - chị Hiếu chia sẻ.
Trong khi đó, với những khách hàng đã ký hợp đồng tín dụng vay gói 30.000 tỉ đồng, việc có được giải ngân với lãi suất ưu đãi sau ngày 1-6 tới hay không vẫn còn treo lơ lửng. Bởi hiện các tổ chức tín dụng mới giải ngân theo tiến độ được 21.321 tỉ đồng, tức hơn 71% hạn mức được cấp.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc những khách hàng đã được ký hợp đồng, đã được cam kết giải ngân…, dù vẫn được giải ngân nốt nhưng lãi suất của các khoản vay này vẫn chưa có câu trả lời từ phía cơ quan nhà nước.
Khách hàng tham quan tìm mua căn hộ tại dự án được vay gói 30.000 tỉ đồng. Ảnh: QUANG HUY
Kiến nghị không giới hạn ngày giải ngân
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về những thắc mắc của khách hàng, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, nói trong công văn của NHNN vừa ban hành có yêu cầu các NH phải tập trung giải ngân các hợp đồng tín dụng đã ký theo đúng quy định pháp luật.
Tuy nhiên, theo ông Minh, riêng về thời điểm dừng giải ngân tái cấp vốn của NHNN sẽ được thông báo bằng văn bản đến các NH, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và tình hình giải ngân thực tế của gói tín dụng 30.000 tỉ đồng.
Một lãnh đạo NHNN cũng nói với những khách hàng đã ký hợp đồng, các NH phải tiếp tục giải ngân số tiền cho vay với lãi suất ưu đãi 5% năm cho đến 1-6-2016. Đối với những khách hàng đã ký hợp đồng vay nhưng giải ngân sau thời điểm trên, NHNN đang chờ ý kiến chỉ đạo của Chính phủ.
NHNN cũng cho hay trước đó ngày 22-3, cơ quan này đã có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét gia hạn giải ngân tái cấp vốn cho các đối tượng khách hàng, hộ gia đình vay tiền thuê, mua nhà hoặc cải tạo, với lãi suất ưu đãi của gói 30.000 tỉ đồng nếu việc giải ngân gói này đến ngày 1-6 chưa thực hiện xong.
Lý do là theo quy định của NHNN, đến ngày 1-6 tới đây, gói 30.000 tỉ đồng sẽ hết hiệu lực. Các khách hàng đã ký hợp đồng có thể sẽ phải tiếp tục giải ngân số tiền còn thiếu bằng lãi suất thương mại đã ký trong hợp đồng với các NH. Song đến nay Thủ tướng vẫn chưa có ý kiến trả lời cụ thể về vấn đề này.
Đã ký thì phải được hưởng
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia lĩnh vực tài chính NH, nêu quan điểm: “Không thể để cho người dân, người đã vay tiền mua nhà từ gói 30.000 tỉ đồng phải chịu bất lợi, thiệt thòi. Trên thực tế, một khi người dân đã ký hợp đồng với NH thì họ tin rằng sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi và NH phải chịu trách nhiệm thực hiện hợp đồng đó.
“Vì vậy tôi đề nghị những hợp đồng đã ký đến thời điểm này đều phải được giải ngân hết hợp đồng, nghĩa là những ai đã ký hợp đồng thì tiếp tục được hưởng lãi suất ưu đãi” - ông Hiếu nhấn mạnh.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), thì cho rằng giữa cam kết giải ngân và hợp đồng giải ngân có khoảng cách khác nhau. Điều này được thể hiện rõ khi cam kết giải ngân đã vượt mức 30.000 tỉ đồng nhưng thực tế mới chỉ giải ngân hơn 21.000 tỉ đồng.
“Từ thực tế này, tôi tin rằng Chính phủ sẽ chấp thuận đề nghị của NHNN gia hạn giải ngân đến hết 30.000 tỉ đồng. Có điều ngay khi đã giải ngân hết gói này thì vẫn có nhiều người đã ký hợp đồng vay vốn rồi nhưng chưa được giải ngân đồng nào hoặc mới chỉ được giải ngân một phần. Do vậy chúng tôi tiếp tục kiên trì đề nghị đối với những trường hợp trên tiếp tục được giải ngân đến hết hợp đồng” - ông Châu đề xuất.
Coi chừng gói 30.000 tỉ đồng bị trục lợi Nhiều ý kiến cho rằng cần kiểm soát chặt việc cho vay gói 30.000 tỉ đồng để tránh bị chủ đầu tư, môi giới trục lợi trong thời điểm này. Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành, cho hay hiện nay không ít chủ đầu tư, môi giới bất chính đã trục lợi bằng cách tách hợp đồng. Ví dụ, có trường hợp tại một dự án nhà ở thương mại, giá căn hộ trên 1,2 tỉ đồng, không đủ điều kiện vay gói 30.000 tỉ đồng. Thế nhưng, nhân viên môi giới cho biết có đủ điều kiện vay gói tín dụng này, bởi chủ đầu tư chuyển 1,2 tỉ đồng thành hai hợp đồng. Một hợp đồng bán căn hộ xây thô có giá chưa đến 1 tỉ đồng, một hợp đồng hoàn thiện nội thất… Như vậy, chỉ một thao tác đơn giản, căn hộ đã hoàn toàn nằm trong diện được vay gói tín dụng trên. Có nhiều nhà ở xã hội giá thấp Theo ông Trương Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, mặc dù gói tín dụng 30.000 tỉ đồng hết nhưng người mua nhà vẫn có cơ hội mua nhà ở xã hội với giá thấp. Hiện nay đang có hàng loạt nhà ở xã hội trên thị trường. Thông tư 25 của NHNN quy định lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội không được vượt quá 50% lãi suất cho vay bình quân của các NH trên thị trường trong cùng thời kỳ. |