Hiện nhiều người dân đang có ý định vay vốn mua nhà lo lắng trước thông tin gói 30.000 tỉ đồng sắp đóng lại và nếu giải ngân sau ngày 1-6 hết được hưởng ưu đãi lãi suất mức 5%/năm.
Sau ngày 1-6 phải trả lãi suất thương mại
Chị Lê Thị Phượng làm biên tập tại một ngành xuất bản tại quận 1 (TP.HCM) cho biết hai vợ chồng đang tính vay vốn ưu đãi của “gói 30.000 tỉ” để mua nhà song sau khi nghe thông tin trên khá lo lắng. “Vay lãi suất thương mại bình thường thì mức tiền gốc và lãi hằng tháng sẽ quá mức, chúng tôi không kham nổi. Bây giờ dù có vắt chân lên cổ chạy cũng không kịp để mua vay ưu đãi mua nhà” - chị Phượng lo lắng.
Anh Nguyễn Thành Trung mua một căn hộ ở quận 9 thuộc dự án của Thuduc House cho hay dự kiến đến giữa năm 2016 mới giao nhà, song không biết chủ đầu tư giao kịp không. “Vốn được giải ngân theo tiến độ nên nếu không kịp giao nhà thì số tiền giải ngân sau thời hạn này sẽ phải chịu lãi suất thương mại, làm ảnh hưởng đến kế hoạch tài chính của gia đình” - anh Trung nói.
Tại một số ngân hàng ở TP.HCM, như một chi nhánh BIDV cho hay đơn vị thực hiện theo quy định về thời hạn giải ngân gói 30.000 tỉ đồng. Vì vậy, ngân hàng thông báo để khách hàng biết và có thời gian chuẩn bị.
Cụ thể, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, gói tín dụng ưu đãi này bắt đầu giải ngân từ ngày 1-6-2013 và đến ngày 1-6-2016 thì kết thúc (xem thêm trong box). Điều này có thể hiểu rằng một người vay 700 triệu đồng để mua căn nhà 1 tỉ đồng mà đến ngày 1-6 chỉ mới giải ngân được 600 triệu thì số tiền này trong suốt thời gian vay (là 10 hay 15 năm) lãi suất ưu đãi vẫn giữ nguyên. Song 100 triệu đồng giải ngân sau ngày 1-6-2016 sẽ chịu lãi suất thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng.
Người mua nhà đang tìm hiểu thông tin gói vay 30.000 tỉ tại một chương trình tư vấn ở TP.HCM. Ảnh: HTD
Nhà ở xã hội thì không lo
Mới đây thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản trả lời Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM khẳng định việc gia hạn thời hạn giải ngân gói 30.000 tỉ đồng sẽ không xảy ra.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho biết hiệp hội đã kiến nghị gia hạn thời gian thực hiện gói 30.000 tỉ đồng đến ngày 31-5-2018 nhưng không được chấp thuận. “Đối với nhà thương mại giá dưới 1 tỉ đồng thì chỉ có duy nhất gói 30.000 tỉ đồng này. Vì vậy, tôi kiến nghị giải ngân hết gói 30.000 tỉ đồng này rồi kết thúc luôn. Nếu vẫn không được chấp thuận thì chúng tôi kiến nghị với những trường hợp đã vay gói 30.000 tỉ đồng đã giải ngân được một phần và phần còn lại giải ngân sau ngày 1-6 vẫn được hưởng lãi suất ưu đãi như phần đã giải ngân (là 5%/năm - NV).
Riêng với nhà ở xã hội (NƠXH), theo ông Châu không đáng lo vì sẽ được thực hiện theo quy định riêng của NƠXH. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội đảm bảo cho vay. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng chọn thêm Ngân hàng Vietcombank, Agribank, BIDV và Vietinbank cùng cho vay.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, cũng khẳng định việc mua NƠXH sẽ giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay nên không đáng lo ngại.
Ngoài ra, trước đó trả lời các đại biểu Quốc hội, ông Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, cho biết Luật Nhà ở đã quy định Nhà nước có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho những doanh nghiệp xây dựng NƠXH. Người dân mua NƠXH được vay vốn với lãi suất ưu đãi. Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ định các tổ chức tín dụng và Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện việc này.
Theo Thông tư số 11/2013 của Ngân hàng Nhà nước việc giải ngân cho vay hỗ trợ nhà ở từ nguồn tái cấp vốn kết thúc khi Ngân hàng Nhà nước giải ngân hết số tiền tái cấp vốn nhưng tối đa là 36 tháng. Gói tín dụng ưu đãi này bắt đầu giải ngân từ ngày 1-6-2013 nên đến ngày 1-6-2016 kết thúc. Số tiền đã giải ngân trong khoảng thời gian nêu trên thì được cố định lãi suất (5%/năm - PV) sẽ cố định trong suốt thời gian vay theo quy định. Sau ngày 1-6-2016, số tiền giải ngân sẽ được tính theo thương mại. Chủ đầu tư có “kế sách” Ông N. (quận Tân Bình, TP.HCM) đang vay gói 30.000 tỉ đồng để mua một căn hộ ở quận Tân Phú cho biết từ đầu năm 2016, chủ đầu tư của dự án này đã có kế hoạch “ứng phó” khi không kịp. Theo đó, chủ đầu tư thông báo theo tiến độ của dự án, nhiều khách hàng sẽ không kịp giải ngân hết phần vốn vay theo lãi suất ưu đãi trong hạn định. Vì vậy, nếu khách hàng nào có nhu cầu thì làm văn bản đề nghị để chủ đầu tư thông báo cho ngân hàng hỗ trợ, giải ngân tất cả số vốn vay trước ngày 1-6. Trường hợp khách hàng làm theo hướng dẫn thì sẽ phải trả một khoản tiền lãi vay sớm so với nhu cầu thật sự. Tuy nhiên, về tổng thể, khách hàng vẫn được lợi vì làm vậy thì tổng số vốn vay đều được hưởng mức lãi suất ưu đãi là 5%/năm trong suốt thời hạn vay (10 hoặc 15 năm). Tính đến cuối năm 2015, số tiền các ngân hàng cam kết cho vay theo gói 30.000 tỉ đồng đã là 27.000 tỉ đồng nhưng số tiền đã giải ngân chỉ gần 18.000 tỉ đồng, đạt 59%. (Theo Bộ Xây dựng) |