Làm đúng quy trình, dân bị hại: Đúng ở chỗ nào!

“Từ khi có thủy điện ở thượng nguồn, huyện phải gánh chịu những tổn thất to lớn. Riêng năm 2013, lũ lụt đã gây thiệt hại cho địa phương 274 tỉ đồng. Thủy điện xả lũ làm làng mạc bị bồi lấp, sạt lở nghiêm trọng, nhiều người dân mất nhà cửa và tài sản” - ông Nguyễn Văn Trúc, Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, báo cáo tại cuộc họp ngày 20-11 giữa Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải với lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, tỉnh Quảng Nam và các thủy điện tại “rốn lũ” Đại Lộc.

Cần xả cạn hồ trước mùa mưa

Ông Trúc đề nghị: Các thủy điện phải thông báo xả lũ trước từ năm đến sáu tiếng. Hiện nay, nhà máy chỉ thông báo trước hai tiếng, như vậy quá gấp khiến địa phương không kịp trở tay, vì chỉ trong vòng hai tiếng, nước sông đã nhảy vọt từ báo động 1 lên báo động 3. “Chính phủ cần yêu cầu các thủy điện xả cạn hồ trước mùa mưa để đón lũ. Thủy điện Đắk Mi 4, Sông Bung 4A phải xây dựng hệ thống cảnh báo lũ. Đồng thời, các thủy điện có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, hỗ trợ người dân vùng hạ du. Cùng một lúc các thủy điện xả 7.000-8.000 m3/giây thì không ai chịu nổi” - ông Trúc nói.

Làm đúng quy trình, dân bị hại: Đúng ở chỗ nào! ảnh 1

Trận lũ vừa qua khiến nhiều địa phương miền Trung ngập sâu. Dân phố cổ Hội An phải dùng xuồng để đi lại. Ảnh: L.PHI

Ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đồng tình: “Vừa qua, thủy điện Đắk Mi 4 xả quá gấp, có thời điểm lưu lượng xả đến 3.900 m3/giây. Rõ ràng trước thời điểm xảy ra lũ, các thủy điện chưa thực hiện tốt việc điều tiết để hạ mực nước hồ xuống cao trình đón lũ”.

Chủ đầu tư phải có trách nhiệm với dân

Theo đại diện Bộ NN&PTNT, hiện tại dung tích phòng lũ của các hồ thủy điện miền Trung không nhiều. Do vậy, các thủy điện phải hạ thấp mực nước trong hồ để đón lũ. Để làm được việc này, cần đầu tư cho việc dự báo thời tiết chính xác.

Ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho rằng: “Các thủy điện đã xả lũ đúng quy trình, có thông báo cụ thể. Vấn đề là thông tin đến với người dân không kịp thời. Vì vậy, các địa phương và chủ đầu tư cần phối hợp chặt chẽ hơn nhằm giảm lũ”. Theo ông Tuấn Anh, phải rút kinh nghiệm trong việc dự báo thời tiết lượng mưa sẽ về hồ. “Các chủ đầu tư cần phải có trách nhiệm với người dân, địa phương trong công tác phòng, chống lụt bão” - ông Tuấn Anh nói.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kết luận: Phải coi vấn đề xả lũ là chuyện bình thường, hồ thủy lợi, thủy điện khi đã đầy thì phải xả. Phó thủ tướng chỉ đạo: “Chỉ không bình thường là đã có quy trình nhưng các thủy điện lại làm sai. Nếu sai quy trình thì phải xử lý, còn nếu đã làm đúng mà vẫn thiệt hại thì phải xem xét lại quy trình đó. Miền Trung không thể không có hồ chứa thủy lợi, thủy điện, vấn đề là chúng ta phải quản lý có khoa học. Nếu mình điều hành thủy điện tốt thì lợi nhiều, điều hành kém thì hại nhiều”.

Ông Hải yêu cầu các chủ đầu tư thủy điện phải xây dựng hệ thống quan trắc, hoàn thiện hệ thống cảnh báo đến người dân. “Chúng ta phải quy định mức nước trước khi lũ về để phòng lũ. Phải có sự quản lý nghiêm ngặt về vấn đề này” - phó thủ tướng nói. Ông nhấn mạnh thêm: “Đề nghị Bộ Công Thương đánh giá lại và cho ra một hệ thống chuẩn về thông tin để thông tin đến với dân phải nhanh hơn lũ”.

Riêng năm 2013, người dân Đại Lộc phải ít nhất bốn lần chạy lũ vì thủy điện xả nước. Sau khi thủy điện sông Vu Gia sạt lở nghiêm trọng, từ 200 hộ dân bây giờ thôn chúng tôi chỉ còn 32 hộ. Người dân sống mà cứ phập phồng lo sợ thủy điện. Khẩn thiết đề nghị phó thủ tướng chỉ đạo các thủy điện phải có trách nhiệm với người dân trong việc xả lũ.

Ông LƯƠNG VĂN DƯƠNG, Bí thư Chi bộ thôn Mỹ Hảo, xã Đại Phong, huyện Đại Lộc

Quy trình vận hành liên hồ phải tính lại việc thông báo giờ xả lũ cho dân. Một nguyên nhân khác là việc dự báo của chúng ta chưa chính xác, dẫn đến các thủy điện không dám xả nước trước để đón lũ vì sợ không có nước để phát điện. Chính vì thế, từ ngày 13-11, khi chúng tôi yêu cầu các thủy điện đưa về mực nước đón lũ thì họ đều chần chừ.

Ông VÕ VĂN ĐIỀM, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam

Ông Nguyễn Văn Lân, Chủ tịch UBND huyện Kon Plông (Kon Tum), cho biết hơn ba ngày qua khoảng 2.000 người dân thuộc xã Đăk Nên bị lũ cô lập song người dân không bị đói khát nhờ có kho lương thực dự trữ tại chỗ. Huyện Kon Plông đã chủ động duy trì và đảm bảo lương thực tại kho ở các xã vùng sâu như Đăk Nên, Đăk Ring, Măng Buk, Ngọk Tem, đề phòng xảy ra mưa lũ chia cắt.

T.NGỌC

LÊ PHI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm