Làm gì để 'hạ nhiệt' giá vé máy bay lên giá tour du lịch?

(PLO)- Ngành hàng không và du lịch tìm cách bắt tay với nhau để tối ưu chi phí hạ nhiệt giá vé máy bay tránh ảnh hưởng đến tour du lịch nội địa.

Sáng 17-5, Báo Thanh Niên tổ chức hội thảo “hạ nhiệt” giá vé máy bay được không?Tại hội thảo, các hãng hàng không thừa nhận, giá vé máy bay từ đầu năm đến nay có tăng từ 15 - 20%. Tuy nhiên, mức tăng hiện nay còn rất xa so với mức giá trần mà Nhà nước quy định.

Ông Lê Tiến Dũng, Phó Tổng giám đốc Hãng hàng không Vietravel Airlines (VU) cho biết, hãng đang phải đối diện với thách thức lớn từ giá nhiên liệu tăng rất cao. Giá nhiên liệu tăng 1 USD kéo theo chi phí tăng khoảng 10%. Ngoài ra, tiền đồng mất giá khoảng 5%, giá vật tư, phụ tùng máy bay... thời gian qua đều tăng ảnh hưởng đến giá vé.

Đặc biệt hiện nay một số quy định đang bị trói buộc như chỉ cho phép mỗi hãng được 30% thuê ướt máy bay bổ sung, VU hiện có ba máy bay, muốn thuê thêm cũng chỉ được một máy bay trong khi đơn vị muốn thuê thêm máy bay để tăng tải, tăng cung ứng vào giai đoạn cao điểm.

Hội thảo “hạ nhiệt” giá vé máy bay được không? sáng ngày 17-5. Ảnh: TT.

Về phía hãng hàng không quốc Vietnam Airlines, ông Đặng Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc lại chỉ ra: Các xung đột chính trị, chuỗi cung ứng đứt gãy phát sinh nhiều chi phí như sửa chữa bảo hành một chiếc máy bay mất khoảng 150 ngày thì hiện tại đến 200 - 300 ngày; chi phí thuê máy bay hiện tại tăng gấp đôi nhưng cũng rất khó để thuê được..

"Ngành hàng không thế giới và Việt Nam chỉ có lãi khoảng 1 USD/khách, nếu gặp các yếu tố thời tiết bất lợi như mưa giông thì phải bay vòng một chút thì lợi nhuận 1 USD cũng bay theo". - ông Tuấn tính toán.

Từ những thách thức, chi phí tăng cao các hãng hàng không đề xuất chính sách hỗ trợ giảm thuế, phí trong điều hành, khai thác tại các sân bay.
Chính phủ, các cơ quan quản lý cũng cần xem xét hỗ trợ việc miễn, giảm các loại thuế, phí hiện hành, giảm thuế nhập khẩu xăng dầu; xây dựng các kế hoạch truyền thông đồng bộ và nhất quán để du khách quay trở lại với thói quen lên kế hoạch sớm, đặt vé xa ngày...

Giá vé máy bay chiếm khoảng 50% tổng giá một tour du lịch hiện nay. Ảnh: TT.

Ông Nguyễn Hữu Y Yên, Chủ tịch HĐTV Công ty Lữ hành Saigontourist khẳng định, giá tour nội địa của Việt Nam hiện không cao hơn giá tour nước ngoài như nhiều người nói. Sự trượt giá, khó khăn của ngành hàng không, các chi phí... thì giá vé máy bay tăng 20% và giá tour tăng 10% trong năm nay hợp lý.

“Theo tôi, các công ty lữ hành, hàng không, điểm đến, khách sạn, nhà hàng có thể ngồi lại với nhau để mức giá tour tăng 10% như hiện nay, có thể giảm xuống chỉ tăng 3 - 5%." - ông Yên nói.

Ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia cho rằng, các công ty lữ hành cần tối ưu hóa chương trình du lịch phù hợp với giá bay, giờ bay trong bối cảnh hiện nay. Đồng thời, công ty sử dụng nhiều phương tiện giao thông linh hoạt để đạt được giá thành tốt nhất. Các địa phương liên kết hợp tác sâu, thực chất, không hình thức và hời hợt.

Các địa phương chủ động hút khách đường bộ

Giá vé máy bay tăng cao ảnh hưởng đến tình hình du lịch của các địa phương, trong đó có tỉnh Phú Quốc. Ông Trần Văn Linh, Trưởng phòng Quản lý du lịch (Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang) cho rằng: Phú Quốc có giá vé máy bay tăng cao nhất đã làm giảm sự cạnh tranh của Phú Quốc. Hiện chỉ còn ba đường bay đến Phú Quốc là Hà Nội, TP.HCM và Hải Phòng.

Theo đó, bản thân địa phương và doanh nghiệp chủ động tìm cách tăng cường xúc tiến quảng bá thu hút khách đi bằng đường bộ thay vì chỉ ngồi chờ hạ nhiệt giá vé máy bay.

Tỉnh Quảng Nam cũng thực hiện giải pháp kích cầu, không phải giảm giá mà kích chất lượng, đa dạng sản phẩm, tăng chương trình phục vụ du khách. Quảng bá nội vùng cho khách đi bằng ô tô từ Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, hay Tây Nguyên… để lấp đầy khoảng trống của khách hàng không. Kích thích khách đi bằng tàu lửa, hình thành tour du lịch Huế - Đà Nẵng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới