Hội nghị do Bộ TT&TT cùng Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, sáng 26-12.
Ông Trương Minh Tuấn cho biết Bộ TT&TT đang yêu cầu Cục Báo chí phối hợp với Sở TT&TT TP.HCM kiểm tra trường hợp Văn phòng đại diện của một cơ quan báo chí cấp thẻ hoạt động cho cả chủ vựa phế liệu, chủ quán nhậu “để làm ăn”.
Ông Trương Minh Tuấn trao đổi với Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng tại hội nghị. Ảnh: TÁ LÂM
"Hiện Bộ TT&TT đã chỉnh sửa quy định, giao quyền cho địa phương xử lý các vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí trên địa bàn mình quản lý" - ông Tuấn nói.
Tuy nhiên, ông Tuấn không cho biết đó là cơ quan báo chí cụ thể nào.
Thông tin ông Tuấn đưa ra trong bối cảnh ông Võ Văn Long - Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM đang phát biểu về vấn đề quản lý báo chí trên địa bàn.
Theo ông Võ Văn Long, có 38 cơ quan báo chí và 142 văn phòng đại diện hoạt động trên địa bàn TP.HCM. “Có văn phòng đưa nhiều thông tin không chuẩn mực, không chính xác, nhạy cảm, không phù hợp với lợi ích của đất nước và của dân tộc” - ông Long nói.
Ông Long cho biết thêm có hiện tượng phóng viên thường trú vi phạm do cơ quan chủ quản buông lỏng, thậm chí giao khoán về tài chính dẫn đến những vụ việc không thể lường trước. Có nhiều sai phạm dù đã được chấn chỉnh nhưng vẫn lặp đi lặp lại.
“Đặc điểm của TP.HCM là hằng tuần chúng tôi họp giao ban báo chí một lần. Sở TT&TT đều tổng hợp những mặt được và chưa được của các cơ quan báo chí của thành phố và các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương khác. Những điều chưa được Sở đều phản ánh đến các đồng chí cơ quan chủ quản, đến Cục Báo chí” - ông Long nói.
Để tăng cường công tác quản lý văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, ông Long cho rằng nên cho phép địa phương được quyền xử lý các cơ quan báo chí không đăng ký văn phòng đại diện khi hoạt động. Ông cũng kiến nghị Bộ TT&TT có quy chế ủy quyền cho Sở TT&TT TP.HCM xử lý các sai phạm của Văn phòng đại diện xảy ra trên địa bàn, có như vậy mới kịp thời.