Làm sao để biết mình có bao nhiêu tài khoản, thẻ ngân hàng?

(PLO)- Chủ tài khoản dù không sử dụng nếu không chủ động đóng tài khoản tại một số ngân hàng sẽ vẫn bị tính phí duy trì tài khoản đều đặn hàng tháng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 19-3, trao đổi với Pháp luật TP.HCM, chị Tâm Anh (quận Tân Bình) cho biết, chị đã xin nghỉ làm nửa ngày để ra ngân hàng làm thủ tục đóng tài khoản do ngân hàng PVCombank phát hành.

Ráo riết chạy đi đóng tài khoản

Chị Tâm Anh chia sẻ: Sau vụ việc giữa Eximbank và vị khách bỗng dưng mắc nợ 8,8 tỉ đồng vì mở thẻ tín dụng gây rúng động trên mạng xã hội trong vài ngày gần đây, không riêng gì bản thân tôi mà nhiều bạn bè, người thân cũng giật mình, rốt ráo kiểm tra lại các loại tài khoản, thẻ ngân hàng mà mình đang sở hữu. Nếu thấy tài khoản hay thẻ nào không sử dụng, thậm chí ít sử dụng cũng ra ngân hàng để làm thủ tục đóng/hủy.

Riêng cá nhân tôi có 2 thẻ tín dụng và 1 thẻ ATM, 1 tài khoản. Thẻ ATM tôi nhận lương qua tài khoản của ngân hàng Agribank còn tài khoản còn lại tôi mở tại ngân hàng PVCombank từ tháng 7-2023 để phục vụ cho nhu cầu vay tiền nhưng sau đó tôi không vay nữa. Rồi tôi quên luôn tài khoản này.

Đến khi vụ việc liên quan ngân hàng Eximbank, tôi giật mình và ra ngân hàng làm thủ tục đóng thẻ. Lúc này tôi mới biết mình đang nợ 6 tháng tiền phí duy trì tài khoản, với mức phí là 22.000 đồng/tháng. Nếu muốn đóng tài khoản này, ngoài việc nộp đủ số tiền phí duy trì tài khoản đang nợ, tôi còn phải nộp thêm phí đóng tài khoản là 55.000 đồng.

Nhân viên ngân này nói thêm: Dù khách hàng không còn nhu cầu sử dụng tài khoản nhưng chúng tôi không có quyền tự ý huỷ số tài khoản mà khách hàng đã được cấp khi đăng ký mở thẻ. Do đó, hàng tháng ngân hàng vẫn thu phí duy trì tài khoản này. Nếu tài khoản còn tiền nhưng không đủ để cấn trừ thì khoản phí này sẽ "ghi nợ" 22.000 đồng/tháng và sẽ cộng dồn cho đến khi khách hàng có phát sinh giao dịch sẽ cấn trừ. Trường hợp tài khoản bằng 0, khoản phí cũng sẽ cộng dồn tương tự nhưng mức phí duy trì tài khoản còn 11.000 đồng/tháng.

Khi nào chủ tài khoản ra ngân hàng thanh toán toàn bộ số phí còn nợ và làm thủ tục đóng tài khoản thì việc thu phí mới dừng lại.

huỷ thẻ ATM.jpg

Khách hàng vội vàng đi đóng tài khoản mình không có nhu cầu dùng tại một ngân hàng. Ảnh. NVCC

Tương tự, ông Nguyễn Tấn Phát, chủ một doanh nghiệp dệt may cho biết: Tôi hiện đang có 4 thẻ tín dụng, mỗi thẻ có hạn mức từ 300-500 triệu đồng. Những khoản vay từ thẻ tín dụng được miễn lãi từ 45-55 ngày, nên nhiều khi giúp ích rất nhiều nhất là vào thời điểm dòng tiền lưu động đang bị kẹt. Tuy nhiên, sau sự việc của Eximbank thì tôi đã kiểm tra lại một loạt thẻ ngân hàng mà mình đang có trong tay.

Ngay trong ngày hôm qua, tôi đã đi đóng 4 thẻ ATM tại 4 ngân hàng khác nhau. Và trong mỗi thẻ đều còn sót lại vài trăm ngàn đồng hoặc vài triệu đồng. Thậm chí, có một thẻ ATM của tôi có số dư tới tận 16 triệu đồng. Rút tiền của chính mình mà vui như nhặt được vàng. Từ nay đến cuối năm, tôi cũng tính toán để cân đối dòng tiền, tránh phụ thuộc vào thẻ tín dụng, để làm sao tiến tới “cai” thẻ tín dụng luôn. Chứ sợ lắm rồi! Suốt ngày lảng vảng trong đầu âm thanh của chữ trả nợ ngân hàng, nào là trả nợ lãi vay, trả nợ thẻ tín dụng. Cảm giác bị vướng nợ với doanh nghiệp thật sự không hề vui vẻ chút nào.

Làm sao để biết thẻ còn tiền hay không khi quên mật khẩu?

Ông Lê Hoàng Tùng, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho biết: Muốn biết mình đang sử dụng những loại thẻ nào (thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng…), bao nhiêu tài khoản hoặc khách hàng đang có nhiều thẻ ATM nhưng lại không biết số dư trong thẻ là bao nhiêu, còn tiền hay hết tiền… thì chỉ có cách khách hàng liên hệ với số tổng đài của ngân hàng mà bạn đang mở thẻ. Sau đó nhân viên ngân hàng sẽ yêu cầu bạn khai báo các thông tin cá nhân để xác minh giữa người yêu cầu tra soát thông tin thẻ và chủ thẻ có trùng khớp với nhau hay không. Khi các yêu cầu về việc khai báo thông tin được hoàn tất, khách hàng hoàn toàn có thể biết được số tiền còn dư trong thẻ ATM hoặc những loại thẻ mà bạn đang sử dụng tại ngân hàng đó.

Trong trường hợp, các thông tin yêu cầu khai báo không đầy đủ, dù thiếu chỉ một thông tin thôi thì khách hàng sẽ phải ra các chi nhánh hoặc phòng giao dịch của ngân hàng đã phát hành thẻ để làm các thủ tục cần thiết khác. Do đó, khách hàng muốn tra cứu thông tin tài khoản mà lại không nhớ bất cứ thông tin gì, thậm chí nhớ “hình như” đã mở thẻ ở ngân hàng nào đó thì chỉ có thể gọi đến từng ngân hàng rồi khai báo như những gì mà phía ngân hàng yêu cầu để nhờ họ kiểm tra. Bởi lẽ, thông tin của khách hàng là tuyệt mật, nên không thể kiểm tra thông tin về tài khoản thanh toán, về các loại thẻ khách hàng đã mở một cách dễ dàng như vậy được.

Nếu không gọi tổng đài, khách hàng có thể đến trực tiếp chi nhánh ngân hàng đó để kiểm tra.

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước cập nhật đến cuối quý 3-2023, số lượng thẻ nội địa (thẻ ATM) đang lưu hành lên đến 102,15 triệu thẻ. Nếu loại trừ trẻ em và những người già, có thể một người bình thường đang sở hữu ít nhất từ 2-3 thẻ ATM. Nhưng rất nhiều người trong số đó không thể biết mình đã từng mở bao nhiêu thẻ ngân hàng bởi lẽ có thẻ còn giữ trong ví, nhưng cũng có thể đã bị thất lạc từ bao giờ mà không biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm