Trong tuần qua, những thông tin trên bài viết “Nhà ở xã hội giá cao, làm sao người lao động với tới!” đã thu hút nhiều sự quan tâm của bạn đọc.
Trước đó, khi trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã thừa nhận thực tế giá nhà ở xã hội (NƠXH) đang cao so với thu nhập của người dân, người lao động.
Nhiều bạn đọc bày tỏ mong muốn được sở hữu một căn NƠXH vừa với túi tiền. Đồng thời, một số bạn đọc cũng bày tỏ nên có chính sách hợp lý để NƠXH thật sự đến tay người lao động có thu nhập thấp.
Mong được sở hữu căn nhà của riêng mình
Anh Nguyễn Văn Hoàng, 40 tuổi, là công nhân may tại một công ty ở TP Thủ Đức, cho biết năm 20 tuổi, anh rời quê hương Quảng Nam vào TP.HCM lập nghiệp. Sau bao năm, anh Hoàng luôn khao khát có được một căn nhà ở TP này để ổn định cuộc sống.
Thế nhưng, với mức lương chưa đến 10 triệu đồng/tháng, trong khi giá cả nhà đất ngày càng tăng, đã có lúc anh thôi không nghĩ về một ngôi nhà của riêng mình.
Anh Hoàng chia sẻ: “Thu nhập của tôi và vợ khoảng 20 triệu đồng/tháng. Với số tiền này, nếu trừ tiền thuê trọ, sinh hoạt hằng ngày, chi phí con đi học thì hằng tháng vợ chồng tôi còn dư khoảng 6 triệu đồng. Trước đây, tôi nghe thông tin sẽ có hàng trăm căn NƠXH với giá chỉ từ 300 triệu đến 950 triệu đồng. Nếu đúng vậy, tôi rất mừng và kỳ vọng vào một ngày mình sẽ có nhà ở TP.HCM”.
Công nhân trong Khu công nghiệp Bình Tân giờ tan ca. Ảnh: NGUYỆT NHI |
Cùng hoàn cảnh, chị Phạm Thanh Hà (35 tuổi, quê Cà Mau) cũng cho rằng việc những NƠXH với giá phải chăng sẽ giúp cho nhiều người lao động có thu nhập thấp sở hữu nhà của riêng mình.
“Với một căn chung cư hạng thấp hiện nay cũng có giá hơn cả tỉ đồng. Còn nhà ở mặt đất có giá cao chót vót, rất nhiều người sẽ không với tới được. Những người làm công ăn lương mỗi tháng chưa đến chục triệu đồng thì không bao giờ có thể với tới ước mơ sở hữu nhà ở các đô thị lớn cả. Vì thế, việc nhiều doanh nghiệp đầu tư NƠXH cùng với những chính sách ưu đãi sẽ giúp người lao động có hy vọng về nơi an cư lạc nghiệp, không phải đi thuê trọ hằng tháng” - chị Hà chia sẻ.
Để NƠXH thực sự đến với người lao động
Bên cạnh mong ước về một căn nhà của người lao động, một số bạn đọc còn mong muốn Nhà nước nên đưa ra những chính sách, quy định chặt chẽ để NƠXH thật sự đến tay người có thu nhập thấp.
Bạn đọc Trần Khải bình luận: “Để NƠXH có giá tốt thì không nên tập trung phát triển thêm ở trung tâm các TP, vì quỹ đất ở những nơi đây không còn nhiều và rất khó có thể có nhà giá rẻ”.
Bạn đọc Quang Minh nêu ý kiến: “Để NƠXH dành cho đúng đối tượng là người lao động có thu nhập thấp, cần quy định chặt chẽ về chính sách mua. Ví dụ, những người mua cần đáp ứng những điều kiện về kinh tế (phải chứng minh là người có thu nhập thấp), người mua nhà chỉ được chuyển nhượng NƠXH sau năm năm kể từ ngày có sổ, mua để ở chứ không được cho người khác thuê… Có như thế các đối tượng đầu cơ sẽ không tìm thấy cơ hội và như thế NƠXH mới thật sự đến tay người cần mua”.
Năm vướng mắc cần tháo gỡ để phát triển NƠXH
Theo Bộ Xây dựng, hiện có năm nhóm vấn đề cần phải sửa đổi Luật Nhà ở và các luật khác liên quan để “gỡ vướng” cho việc phát triển NƠXH, nhà ở công nhân.
Thứ nhất, trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, mua - bán NƠXH còn phức tạp và kéo dài.
Thứ hai, việc xác định giá trước khi thực hiện bán, cho thuê, cho thuê mua đối với NƠXH đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách phải được cơ quan nhà nước cấp tỉnh thẩm định cũng kéo dài, gây tốn kém cho doanh nghiệp.
Thứ ba, các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án NƠXH, nhà ở công nhân đã ban hành chưa đủ hấp dẫn… Cùng với đó, ưu đãi thuế đối với chủ đầu tư dự án NƠXH, nhà ở công nhân chỉ để cho thuê, không thực hiện được do pháp luật về thuế không có quy định, không thu hút, khuyến khích chủ đầu tư.
Thứ tư, quy định các dự án NƠXH phải dành tối thiểu 20% diện tích NƠXH trong dự án để cho thuê và chủ đầu tư chỉ được bán sau năm năm đưa vào sử dụng cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Thứ năm, Luật Nhà ở hiện hành chưa có quy định cho phép tổ chức doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc đối tượng được mua, thuê, thuê mua NƠXH.
TRỌNG PHÚ