Thomson Reuters, một tổ chức chuyên về phân tích và thu thập dữ liệu khoa học uy tín trên thế giới, vừa công bố trên trang web highlycited.com danh sách 3.126 nhà khoa học có công trình được trích dẫn nhiều nhất trong các nghiên cứu khoa học trên thế giới. Trong đó có bốn người Việt Nam.
Bốn người Việt “ảnh hưởng nhất thế giới” là thầy giáo
Theo danh sách mà Thomson Reuters công bố, danh sách “các nhà khoa học được trích dẫn lại nhiều nhất” (tạm dịch từ gốc tiếng Anh: Highly Cited Researchers - HCR) của năm 2015 tập trung vào các thành tựu nghiên cứu đương đại, được công bố trong giai đoạn 2003-2013. Hiểu một cách nôm na đây là những nhà khoa học có công trình nghiên cứu, bài viết khoa học được trích dẫn lại (người nghiên cứu sau thừa hưởng lại), hàm ý chỉ sự ảnh hưởng của họ đối với 21 ngành, lĩnh vực.
Mặt khác, theo tác giả Phạm Hiệp viết trên Vietnamnet, bản danh sách này còn cho thấy những người có tên trong danh sách lần này đã tích cực nghiên cứu và có ảnh hưởng trong khoảng thời gian gần nhất (cụ thể trong vòng 13 năm, ví dụ 2003-2015 đối với 2015). Điều này cũng lý giải tại sao một số nhà khoa học có tên tuổi nhưng đứng tuổi không có trong danh sách.
Trong danh sách này, bốn người Việt Nam được vinh danh là những cái tên không mấy xa lạ trong giới khoa học bao gồm: GS Nguyễn Sơn Bình thuộc ĐH Northwestern (Hoa Kỳ), GS Nguyễn Thục Quyên thuộc ĐH California Santa Barbara (Hoa Kỳ), GS Võ Văn Ánh thuộc ĐH Công nghệ Queensland (Australia) và PGS Nguyễn Xuân Hùng thuộc ĐH Y khoa CMU (Đài Loan). Điểm chung của cả bốn cá nhân người Việt là đều làm việc tại các trường đại học, làm công tác nghiên cứu song song giảng dạy. Trong đó, PGS Nguyễn Xuân Hùng thuộc ĐH Y khoa CMU hiện còn là giảng viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) tại Việt Nam.
GS Ngô Bảo Châu, công tác nghiên cứu và giảng dạy tại ĐH Chicago (Hoa Kỳ). Ảnh: INTERNET
GS Nguyễn Sơn Bình (ĐH Northwestern, Hoa Kỳ) trở thành một trong bốn người Việt có tên trong danh sách những nhà khoa học có công trình được trích dẫn nhiều nhất thế giới. Ảnh: VOV
“Thầy giỏi” Việt giảng dạy khắp thế giới
Nếu bình tĩnh điểm lại, những cái tên người Việt Nam ảnh hưởng đến nền khoa học thế giới đang tham gia giảng dạy tại các trường đại học ở các nước không phải là hiếm. Trong đó phải kể đến TS Võ Đình Tuấn, tiến sĩ vật lý gốc Việt, Viện trưởng Viện Fitzpatrick của ĐH Duke (Bắc Carolina, Mỹ), được công ty tư vấn và kinh doanh toàn cầu Creator Synectics bình chọn là một trong “100 thiên tài đương thời thế giới”. Hay như TS Chu Hoàng Long, chủ nhân giải thưởng Eureka 2011, làm việc tại Trường Kinh tế quản trị Crawford của ĐH Quốc gia Úc.
Hoặc như GS Nguyễn Văn Tuấn, giáo sư thỉnh giảng tại ĐH New South Wales (Úc), người đứng đầu nhóm nghiên cứu về loãng xương và di truyền học ở Viện Nghiên cứu y khoa Garvan (TP Sydney, tiểu bang New South Wales, Úc). Đó là chưa nói đến GS Ngô Bảo Châu, công tác tại ĐH Chicago (Hoa Kỳ), nhà toán học nổi tiếng với công trình chứng minh Bổ đề cơ bản, giúp ông trở thành người Việt Nam đầu tiên giành được huy chương Fields. Cùng với bốn cá nhân trong danh sách của Thomson Reuters, trên đây là những gương mặt tiêu biểu trong rất nhiều người thầy Việt đang giảng dạy khắp nơi trên thế giới. Họ được đánh giá như trụ cột và xương sống của nền giáo dục, đóng góp trực tiếp trong việc đào tạo nên những nhà khoa học thế hệ kế cận phục vụ nhiều quốc gia.
Khoa học muốn mạnh phải có thầy giỏi
Nansi Ellis, chuyên gia giáo dục làm việc tại Hiệp hội Giảng viên (Anh), dẫn lại các nghiên cứu của Hội đồng Tuyển chọn giáo dục (Anh), cho biết thầy giỏi đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng và đào tạo ra những học viên giỏi, đóng góp thiết thực cho xã hội. Trong khi nhiều ý kiến cho rằng cốt lõi của giáo dục và việc ứng dụng các phương tiện công nghệ, phương pháp dạy học mới thì phần lớn các nền giáo dục phát triển đều tập trung đào tạo và cho ra đời một đội ngũ giảng viên không chỉ lành nghề về kỹ năng và phương pháp dạy mà còn có năng lực nghiên cứu khoa học bài bản.
Điển hình như Phần Lan - quốc gia được coi là “thiên đường giáo dục”. Ở Phần Lan, giáo viên mầm non phải có một tấm bằng tương đương cử nhân chuyên về giáo dục, trong khi những ai muốn giảng dạy ở cấp bậc tiểu học thì phải có bằng thạc sĩ. Quốc gia này quan niệm rất rõ ràng rằng muốn đào tạo ra một công dân tốt phải cho họ hiểu giá trị của giáo dục. Đó là lý do tại sao Phần Lan luôn chiếm thế thượng phong trong các nghiên cứu so sánh quốc tế của Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế (PISA) của OECD. Điểm khác biệt đưa hệ thống giáo dục Phần Lan xếp tốp bảng xếp hạng quốc tế chính là đào tạo sinh viên sư phạm đạt trình độ cao. Ngay như các quốc gia từng “quặn mình” vì chiến tranh như Đức, Pháp, Nhật Bản; hay các nước có tuổi đời rất trẻ như Singapore, Hoa Kỳ,… công tác đào tạo và tìm kiếm thầy giỏi về giảng dạy luôn được tập trung phát triển mạnh.
PGS-TS Vũ Hải Quân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, trong một bài viết hồi 2014 đăng trên một tờ báo có dẫn lời GS Gene Block, Hiệu trưởng Trường ĐH California, Los Angeles (UCLA), đại học công lập đứng thứ hai của Mỹ, cho rằng: “Một nền khoa học xuất sắc được kiến tạo bởi các nhà khoa học xuất sắc. Nhà khoa học xuất sắc sẽ đào tạo ra các nhà khoa học xuất sắc. Việc đào tạo nên được thực hiện theo phương pháp truyền nghề”.
Làm thế nào “săn” thầy giỏi về nhà?
GS Gene Block gợi ý rằng với những yêu cầu của một nền khoa học xuất sắc, Việt Nam cần áp dụng mô hình hợp tác mới, mang tính toàn cầu nhằm đào tạo ra những nhà khoa học xuất sắc, trở về nước công tác và tạo ra kết nối toàn cầu. Hay nói cách khác, cần biến đổi hiện tượng chảy máu chất xám (brain drain) thành tuần hoàn chất xám (brain circulation) để phát triển bền vững hơn.
Khái niệm “tuần hoàn chất xám” mà GS Gene Block gợi ý hiểu một cách nôm na trong bối cảnh Việt Nam là việc tạo môi trường giảng dạy thuận lợi để những thầy giáo giỏi, có trình độ cao di chuyển thường xuyên giữa các quốc gia để làm việc hoặc trở về quốc gia gốc sau một thời gian định cư ở nước ngoài. Trong bối cảnh “thế giới phẳng”, việc thầy giỏi “bay đi bay lại” để giảng dạy hoặc giảng dạy thông qua các diễn đàn Internet không phải là không thể làm được.
Nhìn ở châu Âu, việc một giảng viên giảng dạy tại nhiều nước một lúc không phải là hiếm nếu không muốn nói là rất phổ biến. Tình hình này tương tự ở Hoa Kỳ, Canada và các nước Bắc Mỹ. Các nước ở đây có mối liên hệ phụ thuộc vào nhau ngày càng mạnh về kinh tế, xã hội lẫn giáo dục. Họ tìm cách giảm thiểu rào cản kỹ thuật nhập cư, tức là các điều kiện nhập cư được nới lỏng hơn. Các nước còn đưa ra các chính sách đa quốc tịch hoặc cho phép người nước ngoài giảng dạy tại đất nước của họ dễ dàng hơn. Từ đó tạo ra trào lưu làm việc, giảng dạy đa quốc gia, kích thích thầy giáo giỏi di chuyển.
Trong bài viết của Nansi Ellis trên tờ The Guardian, chuyên gia này dẫn lại đề xuất “chính phủ cần có những hỗ trợ tốt nhất cho giáo viên hoàn thành nhiệm vụ của họ, đặc biệt là về vấn đề tinh thần: Sự thoải mái khi đứng trên giảng đường, khả năng sáng tạo khi giảng dạy, sự độc lập tương đối về phương pháp và nội dung giảng dạy. Mặt khác, cần tạo diễn đàn để “thầy ngoại” và “thầy nội” có thể giao lưu, trao đổi phương pháp giảng dạy, cùng xây dựng chương trình nghiên cứu, cùng chia sẻ tài nguyên phục vụ nghiên cứu để quay lại phục vụ việc đào tạo con người.
Thời cơ để Việt Nam “mời thầy giỏi” Việc một giảng viên đang làm việc tại một trường đại học ở Việt Nam nằm trong danh sách những nhà khoa học có công trình được trích dẫn nhiều nhất cho hai tín hiệu mừng: Một là môi trường nghiên cứu ở Việt Nam không phải là không thể giúp người học phát huy; hai là người Việt giỏi sẵn sàng về nước để phụng sự quốc gia. Cùng với sự ra đời của Cộng đồng ASEAN (AC), trong đó có sự phát triển của Hệ thống Mạng lưới các trường đại học ASEAN (AUN) và việc giảm tải rào cản di chuyển, thu hẹp khoảng cách các nền kinh tế, Việt Nam nên tận dụng cơ hội này để hòa nhập nền giáo dục với khu vực. Một trong những giải pháp là tăng cường hoạt động kêu gọi giảng viên giỏi về nước giảng dạy theo kiểu thỉnh giảng nhằm tận dụng nguồn chất xám bấy lâu nay Việt Nam vẫn gọi là “chảy máu”. |