Trong đó, khoản 3 Điều 32 luật này quy định luật sư thành lập hoặc tham gia thành lập tổ chức hành nghề luật sư phải có ít nhất hai năm hành nghề liên tục làm việc theo hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề luật sư hoặc hành nghề với tư cách cá nhân theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức.
Theo bà Trần Thị Thảo Trang (Phó Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp - Sở Tư pháp TP Cần Thơ), hiện lỗ hổng lớn nhất của cơ quan quản lý là không thể quản lý được hợp đồng lao động của luật sư. “Kiểm tra, tôi biết chắc chắn luật sư đó chưa hành nghề luật sư liên tục đúng hai năm để thành lập tổ chức hành nghề luật sư nhưng họ trưng ra được hai hợp đồng lao động họ đã ký kết với hai tổ chức hành nghề luật sư, đủ thời gian để họ mở văn phòng riêng. Khi đó, bắt buộc chúng tôi phải cấp giấy hành nghề cho họ dù tin rằng hợp đồng đó được ký khống”. Từ đó, bà Trang kiến nghị: “Trong thông tư hướng dẫn sắp tới phải có điều khoản để quy định các tổ chức hành nghề luật sư có nghĩa vụ báo cáo sáu tháng, hằng năm về số lượng luật sư được ký hợp đồng cho Sở Tư pháp và đoàn luật sư để hai cơ quan này cùng phối hợp, theo dõi, nắm được số lượng luật sư này có đủ điều kiện cấp phép thành lập tổ chức hành nghề luật sư theo luật định”.
Một vấn đề khác, khoản 3 Điều 14 luật này quy định người tập sự hành nghề luật sư không được đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng tại phiên tòa. Theo luật sư Vũ Anh Thao (Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), đây là quan hệ giữa khách hàng và tổ chức mà người tập sự đó tham gia tập sự. Nếu khách hàng đồng ý thì việc ủy quyền vẫn có thể thực hiện để người tập sự trải nghiệm với nghề chứ không nên áp đặt cấm hẳn. Luật sư Nguyễn Văn Dương (Đoàn Luật sư tỉnh Tiền Giang) cũng cho rằng quy định trên rất hạn chế cho các luật sư tập sự. Mặt khác, luật cấm nhưng lại chưa đưa ra tiêu chí xử lý cụ thể.