Sáng 6-12, tại kỳ họp thứ 13, HĐND TP.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, UBND TP.HCM đã trình bày một số tờ trình đầu tư các dự án giao thông quan trọng. UBND TP đã trình quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường vành đai 2 TP.HCM; điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng cầu đường Nguyễn Khoái, quận 4 và quận 7 và nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Thị Định.
Có thể thấy chưa bao giờ lãnh đạo TP.HCM, sở, ngành và cả các địa phương quyết tâm khơi thông các công trình liên quan đến hạ tầng giao thông đến vậy. Một mặt, Sở GTVT TP.HCM chuẩn bị tờ trình, phương án đầu tư gửi Hội đồng thẩm định TP, mặt khác, các địa phương có dự án trọng điểm đi qua đã liên tục kiểm đếm, lên phương án bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) nhanh nhất có thể.
GPMB tại các đô thị, nhất là các đô thị lớn luôn là khó khăn lớn nhất của một dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Theo thời gian, khó khăn này sẽ ngày càng lớn hơn. Nguyên nhân là do chi phí liên quan đến đất ngày càng tăng cao so với chi phí thi công xây dựng.
Bên cạnh đó, sự phát triển của đô thị khiến mật độ công trình và mật độ cư dân ngày càng dày đặc, khi đó công tác bồi thường và tái định cư ngày càng phức tạp. Đối với người dân địa phương, giá trị thiệt hại khi GPMB và giá trị hưởng lợi từ các công trình kết cấu hạ tầng giao thông ngày càng lớn. Do đó, người dân luôn đòi hỏi cao về tính công khai, minh bạch, công bằng, hợp lý đối với công tác GPMB và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.
GPMB không chỉ là giá trị bồi thường và chất lượng tái định cư đối với người dân, mà còn là tính công bằng, hợp lý. Do đó, nguyên tắc để giải quyết “gốc rễ” của vấn đề GPMB là người hưởng lợi hoặc gây tác động tiêu cực phải chi trả tương xứng và người bị thiệt hại phải được bồi thường thỏa đáng.
Vì vậy, các chính sách điều tiết giá trị gia tăng từ đất là quan trọng. Việc này nhằm san sẻ lợi ích từ người hưởng lợi để bù cho người bị thiệt hại. Phát triển đô thị sẽ không bền vững nếu chi phí đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông ngày càng tăng và trở thành gánh nặng của ngân sách nhà nước mà không được thu hồi toàn phần hoặc một phần để tái đầu tư cho các dự án khác.
Trong khi đó, những người hưởng lợi - chủ thể sở hữu bất động sản có khả năng tiếp cận tốt đến công trình kết cấu hạ tầng giao thông mới được đầu tư xây dựng lại không đóng góp tương xứng vào chi phí này. Và những người bị thiệt hại - chủ thể có quyền sử dụng đất bị thu hồi và quyền sở hữu tài sản trên đất bị mất đi lại không được bồi thường thỏa đáng. Do vậy để khơi thông hạ tầng giao thông thì giải pháp là khâu GPMB cần đi trước một bước.