Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Võ Trung Trực, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, đã nêu nhiều giải pháp để giải quyết những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (TĐC) cho các dự án đầu tư công.
Ưu tiên vốn cho bồi thường, giải phóng mặt bằng
Theo ông Trực, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công cho các dự án, các địa phương cần chủ động rà soát quy hoạch trên địa bàn đối với các dự án sắp triển khai. Sau đó đề xuất thực hiện dự án bồi thường độc lập, đúng quy hoạch, hạn chế tình trạng hộ dân bị thu hồi đất nhiều lần ở nhiều dự án khác nhau. Trường hợp nguồn vốn đầu tư công không đủ để thực hiện dự án thì cần ưu tiên vốn cho công tác bồi thường, việc xây lắp sẽ triển khai sau khi đã hoàn tất việc bồi thường.
Ông Trực cho biết Sở TN&MT TP cũng đã kiến nghị UBND TP chỉ đạo UBND các địa phương khẩn trương, chủ động thực hiện việc phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, TĐC theo thẩm quyền. Vì vậy, các địa phương cần hoàn tất việc phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất của các dự án được giao vốn để bồi thường trong năm 2023.
Đồng thời kiến nghị UBND TP giao Sở QH-KT có giải pháp rút ngắn thời gian thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch, khẩn trương giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh. Cạnh đó, lãnh đạo UBND các địa phương cần quyết liệt, tích cực, chủ động giải quyết các công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để đẩy nhanh công tác bồi thường, hỗ trợ, TĐC và thu hồi đất của các dự án đầu tư công.
Chậm giải ngân đầu tư công, giám đốc sở chịu trách nhiệm với chủ tịch TP.HCM
UBND TP.HCM vừa có văn bản khẩn chỉ đạo về các dự án, công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn TP. Theo đó, chủ tịch UBND TP.HCM đã giao các sở, ngành, đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ chủ động giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan các dự án, công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn TP; báo cáo định kỳ, đảm bảo chất lượng, tiến độ.
Đáng chú ý, thủ trưởng các sở, ngành và đơn vị liên quan phải chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND TP đối với việc chậm trễ thực hiện nhiệm vụ, làm chậm tiến độ dự án và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của các dự án, công trình trọng điểm... L.THOA
Đôn đốc tiến độ sau mỗi 10 ngày
“Từ tháng 6-2022, khi được giao nhiệm vụ làm tổ trưởng Tổ công tác rà soát, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, TĐC để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, Sở TN&MT đã tổ chức họp giao ban định kỳ hằng tháng, hằng tuần. Cạnh đó, sở cũng trực tiếp làm việc tại cơ sở với các đơn vị được giao vốn bồi thường lớn hoặc các đơn vị giải ngân chậm” - ông Trực nói.
Theo ông Trực, thời gian qua, cơ bản Sở TN&MT TP đã tháo gỡ hết các khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, TĐC của các địa phương. Từ nay đến hết năm 2023, Sở TN&MT sẽ tiếp tục làm việc trực tiếp với các địa phương để tháo gỡ những vướng mắc phát sinh mới. Đồng thời thực hiện việc kiểm tra, rà soát và đôn đốc tiến độ thực hiện của từng dự án sau mỗi 10 ngày.
Đối với việc khái toán chi phí bồi thường, hỗ trợ, TĐC chưa chính xác, Sở TN&MT đề nghị chủ đầu tư dự án ngay từ bước khảo sát, nghiên cứu lập dự án tiền khả thi phải phối hợp chặt chẽ với các địa phương để có khái toán tương đối chính xác (sai lệch nằm trong khoảng 10% phí dự phòng). Cạnh đó, lãnh đạo UBND các địa phương cần quan tâm công tác trên, không giao khoán cho các phòng, ban trực thuộc.
“Sở cũng kiến nghị UBND TP giao Sở KH&ĐT thực hiện việc điều hòa vốn. Qua thống kê, Sở TN&MT TP nhận thấy có 27 dự án cần điều chỉnh giảm vốn với tổng số tiền cần giảm là 751,594 tỉ đồng. Đồng thời có sáu dự án cần điều chỉnh tăng vốn với số tiền 687,9 tỉ đồng” - ông Trực nói.•
Kinh nghiệm từ những dự án làm tốt
Hiện nay, tiến độ thực hiện công tác bồi thường của dự án đường vành đai 3 TP.HCM và dự án mở rộng đường Dương Quảng Hàm (quận Gò Vấp) rất tốt. Việc này chủ yếu do các địa phương thực hiện tốt công tác chuẩn bị, chủ động, mạnh dạn giải quyết những phần việc thuộc chức năng, nhiệm vụ. Đối với các khó khăn, vướng mắc phát sinh thì các địa phương kịp thời báo cáo, kiến nghị để được hướng dẫn thực hiện.
Sở TN&MT sẽ rà soát, đúc kết các kinh nghiệm thực hiện của các dự án này và triển khai, quán triệt cách thức tổ chức thực hiện đến các địa phương để áp dụng thống nhất cho tất cả dự án được ghi vốn bồi thường.
Tính đến ngày 3-10, đường vành đai 3 TP.HCM đã giải ngân được 6.309,84/14.751 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 42,77%. Dự án mở rộng đường Dương Quảng Hàm (đoạn từ quận Bình Thạnh đến Công viên Văn hóa) với số vốn được giao năm 2023 là 1.750 tỉ đồng, chiếm 88,03% tổng số vốn được giao trên toàn địa bàn quận Gò Vấp. Đây là dự án có số vốn bồi thường được giao trong năm 2023 lớn thứ hai của TP, sau dự án đường vành đai 3 trên địa bàn TP Thủ Đức.
Tính đến ngày 3-10, UBND quận Gò vấp đã chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho 331/425 hộ bị ảnh hưởng bởi dự án mở rộng đường Dương Quảng Hàm với số tiền 981,461 tỉ đồng (đạt tỉ lệ giải ngân 56,08%) và có 115 hộ đã bàn giao mặt bằng.
Ông VÕ TRUNG TRỰC, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM