Trong phòng có trên chục người như nó nhưng chỉ nó là có LS. Tôi hỏi có biết LS làm gì không, nó trả lời sẽ giúp những kẻ như nó.
Là LS nhưng từ lâu tôi đã tự tách mình khỏi các vụ án cướp, giết, hiếp để không phải khó xử khi đối diện với các đối tượng mà mình... ghét, nhất là cướp. Nhưng từ sự đề nghị rất chân tình của một người và sự thuyết phục của bà cô nó, tôi đã phải nhận lời bào chữa cho nó.
Lý lịch trích ngang của nó: 21 tuổi, đã có hai con; đứa đầu sinh ra khi nó 18 tuổi, vợ 19 tuổi (nên có kết hôn gì đâu); liền đó là đứa thứ hai. Phụ hồ rồi lên thợ sau bảy năm phụ, tức đứa thứ hai đã sáu tháng tuổi thì thu nhập mới tăng chút đỉnh, 300.000 đồng/ngày cho vai thợ. Nghề thợ hồ làm ngày nào ăn ngày đó. Thực ra là ăn từ trước, làm về trả nợ nên thâm lạm hoài, nói chi tới dành dụm. Vợ nó là thợ may mà hai đứa con lít nhít nối nhau vậy nên rốt cuộc chỉ có nó đi làm, cộng thêm sự hỗ trợ của nội ngoại hai bên mới đủ nuôi con.
Không biết vợ chồng nó “canh” làm sao mà sinh nhật hai đứa con chỉ cách nhau vài ngày. Gần tới sinh nhật con mà công trình vừa đổ bê tông nên nó phải nghỉ, chờ bê tông khô. Nghỉ thì không có tiền. Hai ngày không có đồng nào thì cái túi rỗng không. Gặp thằng bạn “trời đánh” qua chở, nói vô hẻm gặp thằng bạn khác để mượn tiền (thằng bạn “trời đánh” cũng đang rỗng túi mà!).
Lướt qua con đường nhỏ, thấy có phụ nữ đứng coi thợ sơn cửa, có sợi dây chuyền trên cổ, chắc là hớ hênh. Thằng kia nói: “Giựt đi”. Nó nói: “Không biết giựt”. Thằng kia nói: “Tao quay xe lại sát rồi mày lấy tay trái giựt thôi”. Thoáng nỗi lo sợ nhưng đường trống quá, lại muốn có chút quà cho hai con ngày sinh nhật, cũng thêm chút đắp đổi qua ngày nhàn bất đắc dĩ này, thế là nó quyết.
Sợi dây chuyền nhỏ xíu, nó lại không có “nghề” nên tay nó đụng vô là rớt xuống đường. Thằng lái thì non tay mà nhanh chân nên xe vừa ngã xuống (do bị hại kéo tay lại) thì thằng kia lập tức chạy thoát. Còn nó vừa chạy được vài bước thì bị đám đông vây và tóm gọn. Rồi bị đấm, bị đá túi bụi, rồi địu về chỗ gây án. Nó lạy lục van xin: “Cho con về để làm nuôi hai con còn nhỏ”. Đã có người đồng ý nhưng vẫn có cú điện thoại của ai đó nên thoắt cái thì công an tới dẫn về đồn...
Hỏi nó: “Vô đây (tức trại tạm giam) có sợ không?”. Nhìn mắt nó và nghe câu trả lời, tôi tin là nó sợ thật. “Sợ lắm! Trong này phức tạp lắm!” - nó nói. Tôi bảo: “Một lần thì sợ chứ vài lần thì... quen chớ gì!”. Nó nói: “Không dám! Có cho vàng cũng không dám nữa...”.
Cướp giật, tôi ghét vô cùng “thể loại” này. Hành nghề, cũng biết được có người này kia nhưng tôi vẫn cứ ghét cướp. Nhìn cho thấu thì bần cùng sinh đạo tặc cho trường hợp này. Đừng biện minh, có thể làm việc khác để kiếm tiền chân chính, đàng hoàng mà! Cách nghĩ ấy thuộc về người có đủ suy nghĩ và được trưởng thành ở cái “lò” bình thường. Đằng này… cha nó thì còn nhỏ tuổi hơn mình, sinh ra nó khi cũng vừa ngoài 20 tuổi, nay chạy xe ôm; mẹ nó thì bán bông. Nó mới học tới lớp 7, vợ mới lớp 3. Nhìn nét chữ của nó chắc phải thiệt lâu mới cầm cây viết. Mà nó cũng đã cân phân, nghĩ suy đó chớ nhưng trong cảnh túng bấn, nó đã không thắng sự cám dỗ trước lời rủ rê…
Tài sản chưa giật được nhưng giá trị của nó cũng gần chục triệu đồng, lại dùng xe máy để cướp giật nên thuộc trường hợp “dùng thủ đoạn nguy hiểm”, rơi vào khoản 2 của điều luật bị khởi tố. Khung hình phạt 3-10 năm tù, tòa chiếu cố cách mấy cũng khó có thể xử dưới khung, nói gì đến án treo này nọ. Vậy cũng đủ “chết” hai đứa con thơ dại rồi… Từ khi nó vào trại, hai đứa con phải tách ra, đứa thì bên nội, đứa thì nhà ngoại cưu mang.
Tôi ghét chuyện cướp giật nhưng đứa bần cùng này thì không thể không thương, dù không phải là không giận…