Làng ca trù cổ ở Quảng Bình

Ngôi làng nhỏ bên bờ sông Gianh này còn có một gia tài vô giá: làn điệu ca trù với lối hát đứng độc nhất vô nhị.

Không biết tự bao giờ rặng trâm bầu có mặt ở thôn Đông Dương, xã Quảng Phương (Quảng Trạch, Quảng Bình) với mật độ dày đặc, thuần chủng cả trăm hecta cạnh ngôi làng nhỏ nép mình bên bến sông Gianh. Người dân ở đây luôn nâng niu, giữ gìn rừng trâm bầu cổ thụ như giữ báu vật của làng. Người quê tâm niệm bảo vệ rừng chính là bảo vệ nguồn nước quanh năm mát rượi, ngọt lành của những giếng Chăm hơn 2.000 năm, cũng như giữ gìn gia tài ca trù hát đứng độc đáo của làng.

“Bát ngát xa trông những rặng trâm bầu…”

Rừng Quảng Phương gồm hai đặc sản lớn: trâm bầu và dẻ nguyên sơ. Nhưng trâm bầu là khu rừng đặc biệt hơn cả. Đó là khu rừng cổ thụ với những gốc cây sần sùi, nhiều xoắn ốc rất kỳ dị trên cát. Nhìn những thớ thịt gỗ xoắn lại với nhau, những gốc cây to mập, nhiều mắt, sần sùi đùn lên từ cát thật choáng ngợp, kỳ vĩ.

Một cụ già nói rằng nếu Cồn Nền 3.500 năm, hay giếng cổ 2.500 năm thì rừng trâm bầu ấy phải có mặt trước những thứ đó. Bởi cái lý của cụ, rừng thường xuất hiện trước khi có con người hoặc có trước khi con người đến định cư. Hàng ngàn, hàng vạn cây trâm bầu mọc lên um tùm, xum xuê lá giữa những triền cát bỏng cháy.

Làng ca trù cổ ở Quảng Bình ảnh 1

Một gốc trâm bầu hùng vĩ ở Quảng Phương.

Đi giữa rừng trâm bầu, tôi lại nhớ bài hát Rặng trâm bầu của nhạc sĩ Thái Ca: “Cho em hỏi rằng có ở nơi đâu/ Bát ngát xa trông những rặng trâm bầu/ Rặng trâm bầu như nơi quê hương em yêu dấu...”. Theo các cụ già, ai từng ở Quảng Phương lớn lên mà không biết rừng cây đó, những thuở chăn trâu cắt cỏ ven rừng, những ngày thơ bé đuổi nhông, bắt chim đều để lại một ký ức trong veo, đầy ắp tiếng cười. Cứ thế, người bảo người phải giữ gìn di sản làng cho muôn đời sau.

Nay để giữ gìn mạch xanh cho làng bên triền đất sông Gianh, người của các làng quanh khu rừng đều tự nguyện góp mỗi sào ruộng 2 kg/mỗi vụ mùa. Họ đóng thóc cho trưởng thôn để chi phí cho bảy người chăm sóc trâm bầu. Ông Dương Công Định, người có hai chục năm giữ rừng trâm bầu, cho biết: “Bọn tui giữ rừng được dân nuôi, mỗi tháng tính thóc thành tiền nhỉnh hơn 300.000 đồng, không đủ chi phí này kia. Nhưng nói thật, trâm bầu là máu thịt của làng, mất cành nào dân cũng xót, huống chi là đội giữ rừng như tui. Có giữ được trâm bầu thì mạch nước mới giữ tốt để các làng, các xóm có khí đất trồng trọt, có nguồn nước chăm bẵm cuộc sống”.

Người Quảng Phương cho rằng giữ được rừng trâm bầu quý giá thì mỗi phận dân lớn lên như có trách nhiệm da diết với gia tài cha ông để lại.

Làng ca trù cổ ở Quảng Bình ảnh 2

Giếng Chăm cổ bên rặng trâm bầu.

Sắn khoai nuôi dưỡng ca trù

Vùng quê của những rặng trâm bầu cổ còn sở hữu một báu vật của quốc gia: làn điệu ca trù, một di sản phi vật thể của nhân loại được UNESCO công nhận. Nơi đây có lẽ là “vùng đất cực Nam” nhất mà làn điệu ca trù cổ kính này di chuyển từ miền Bắc vào. Chính tại đây, ca trù đã cắm rễ và sản sinh ra một hình thức mới mẻ, phù hợp với con người và mảnh đất miền Trung nghèo khó, quanh năm hứng chịu nhiều thiên tai bão bùng.

Người làng Đông Dương vẫn còn lưu truyền chuyện kể về nghệ nhân ca trù đáng kính Hồ Thị Thứu. Chuyện kể rằng một sáng mùa đông năm 2009, thay vì nằm sưởi ấm bên bếp than hồng như mọi ngày, cụ Thứu lại ngồi dậy, cơi thêm mấy viên than hồng, xong cụ gọi con cháu lại bảo đi mời lớp kép thứ đến nhà “có chuyện”. Lớp kép thứ - cũng tóc bạc gần bằng cụ, chống gậy đến. Và cụ Thứu bắt đầu kể và hát nhiều bài ca trù cổ cho lớp đàn em nghe. Dường như mọi ngõ ngách trong trí nhớ một cụ bà 90 tuổi đều hoạt động hết công suất. Cứ thế, cụ hát và kể xuất xứ từng bài ca trù cổ, hết bài này đến bài khác. Có người nhanh tay lấy giấy bút ra vừa nghe vừa chép lại. Chép đến hết một ngày, lan cả sang đêm, không hề ngưng nghỉ. Đến 4 giờ sáng hôm sau, cụ Thứu thở hắt một hơi dài rồi ra đi thanh thản, nhẹ nhàng…

Từ đó, người làng không ai bảo ai, tự nguyện cùng nhau hát lấy những lời điệu của cụ Thứu để lại. Ngọn lửa ca trù bùng cháy khắp xóm làng Đông Dương. Nay đội ca trù chuyên nghiệp của làng Đông Dương đã lên đến 19 người, đã có 50 chuyến lưu diễn trong và ngoài tỉnh. Làng đã sưu tầm được gần 200 bài ca trù cổ như hát văn, hát phú, hát mở, hát khế…

Làng ca trù cổ ở Quảng Bình ảnh 3

Ca trù hát đứng ở đình làng Đông Dương, Quảng Phương (Quảng Trạch, Quảng Bình). Ảnh trong bài: M.QUÊ

Đi trên đường làng, ngang qua ngõ nhỏ dưới đụn cát quê, nghe tiếng phách, tiếng nhạc hòa hợp khó tả. Thì ra đấy là màn tập dạo đầu của hát mở đang diễn ra ở nhà chủ nhiệm câu lạc bộ Ca trù Đông Dương, ông Lê Tấn Đạt. Năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng ông Đạt vẫn cố tập cho lớp kép sau và các cháu ca nương nhỏ tuổi của làng nhằm giữ gìn phong hóa quê hương. Cụ nói: “Ca trù tiến vào Nam xa nhất là vùng Đông Dương này, không vượt sông Gianh để đi xa nữa. Đến đây, ca trù đặc biệt ở chỗ là hát đứng, độc nhất vô nhị, không như ca trù ở miền Bắc hát ngồi”.

Người làng ở đây giải thích thời Nam-Bắc phân tranh, chiến tranh liên miên, các buổi thưởng thức văn hóa văn nghệ thường diễn ở đình chợ hay đồn lính, phải diễn nhanh để tránh hòn tên mũi đạn. Có lẽ vì thế mà hát (ca trù) đứng ra đời, để khi có biến thì người hát - người nghe cùng nhau cuốn gói chạy cho lẹ.

Và cũng như chuyện giữ rặng trâm bầu, điều đặc biệt của ca trù ở đây là không sống bằng kinh phí Nhà nước mà bằng sự chắt chiu khoai, lúa của người dân góp lại dưỡng nuôi. Cứ đến mùa khoai, lúa, mỗi nhà mang ít lúa, ít khoai đến nhà kép lớn góp nuôi ca trù, phụ thêm cho đào kép, ca nương. Từ sản vật quê mùa đó, họ bán đi để duy trì sức kép bằng nước nôi, rau quả, duy trì những áo mão, cân đai của đội hát, mua sắm trống, sanh, phách, nhịp… cho cuộc giữ gìn gia tài tinh thần để dạy bảo cháu con biết hồn cốt, rường cột của làng.

Chủ tịch xã Quảng Phương, ông Hồ Viết Lâm, nói: “Rừng giữ bền lòng dân, lòng dân chung thủy với rừng. Người làng sống trên vùng đất văn hóa, tuy nghèo nhưng giàu vốn sống. Chính cái đó mà giữ chặt câu hò điệu hát cha ông để lại, đó cũng là cách để truyền dạy cho cháu con sau này biết cội nguồn để tự hào, sống tốt với đời”.

Di chỉ Cồn Nền là năm giếng cổ gồm bốn cái ở làng Pháp Kệ, một cái ở Đông Dương. Các bậc cao niên kể rằng Pháp Kệ có bốn xóm, ngày xưa mỗi xóm có bốn cái giếng hình vuông do người Chăm để lại. Nước giếng tốt, mát rượi muôn đời, được người làng bảo quản như báu vật truyền đời. Trong các cái giếng cổ đó, giếng cổ ở xóm Nam nổi danh hơn cả về vẻ đẹp và cả dòng nước mát lành của nó. Các bậc trưởng thượng nói giếng này không bao giờ cạn, kể cả những năm hạn hán khốc liệt. Giếng như một báu vật nuôi dưỡng bao tâm hồn dân làng khiến ai đi xa cũng đều ức vọng, nhớ về.

MINH QUÊ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm