Hôm nay, 23-12, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Theo đó, thời gian lấy ý kiến Nhân dân là từ ngày 3-1 đến 15-3-2023.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: PHẠM THẮNG |
Nghị quyết yêu cầu việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân phải được tiến hành dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch, thực chất, bảo đảm tiến độ, chất lượng và tiết kiệm.
Phạm vi lấy ý kiến Nhân dân là toàn diện, toàn bộ Luật Đất đai (sửa đổi) nhưng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số nội dung, chính sách lớn, các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp được dư luận quan tâm.
Ý kiến đóng góp của Nhân dân phải được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác, khách quan và được nghiên cứu, tiếp thu, giải trình nghiêm túc để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)...
Đối tượng lấy ý kiến là các tầng lớp Nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương; MTTQ Việt Nam các cấp cùng các tổ chức chính trị - xã hội thành viên; các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các tổ chức kinh tế khác; các viện nghiên cứu, trường đại học và chuyên gia, nhà khoa học.
Các nội dung trọng tâm sẽ do Chính phủ xác định phù hợp với từng nhóm đối tượng lấy ý kiến.
Hình thức lấy ý kiến là góp ý trực tiếp bằng văn bản; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thông qua các cổng thông tin điện tử của Quốc hội, Chính phủ, Bộ TN&MT, các phương tiện thông tin đại chúng...
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ xây dựng kế hoạch, xác định nội dung trọng tâm lấy ý kiến và tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); chủ trì tổng hợp ý kiến và xây dựng báo cáo kết quả lấy ý kiến Nhân dân.
TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Kiểm toán Nhà nước tổ chức lấy ý trong đơn vị, tổ chức, hệ thống mình.
Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên tổ chức lấy ý kiến đối với nội dung có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, quyền và trách nhiệm của tổ chức mình.
UBND cấp tỉnh chủ trì, phối hợp HĐND, Đoàn ĐBQH, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên cùng cấp tổ chức lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn.
Các cơ quan trên có trách nhiệm tổng hợp, xây dựng báo cáo kết quả lấy ý kiến và gửi Chính phủ (qua Bộ TN&MT) để tổng hợp, đồng thời gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội (qua Ủy ban Kinh tế của Quốc hội) để theo dõi.