Ngay sau khi về hưu năm 2014, Lê Hoàng tham gia Hội Xuất bản, làm phó chủ tịch phụ trách phía Nam - đúng ngành nghề mà ông yêu thích. Từ đây Lê Hoàng toàn tâm thực hiện ý nguyện phát triển ngành xuất bản và văn hóa đọc đang trong thời kỳ bị văn hóa nghe nhìn lấn át.
Toàn tâm thực hiện ý nguyện phát triển ngành xuất bản
Xuất thân từ phong trào sinh viên học sinh Sài Gòn trước năm 1975. Sau ngày thống nhất đất nước, Lê Hoàng tham gia công tác Thành đoàn, rồi sang Campuchia làm chuyên gia giúp nước bạn. Cuối năm 1988 Lê Hoàng về nước, được Thành đoàn phân công làm phó giám đốc, năm sau là giám đốc NXB Trẻ - cơ sở xuất bản trực thuộc Thành đoàn.
Lê Hoàng tiếp quản điều hành NXB trong thời kỳ suy thoái, trì trệ nhưng với lòng yêu thích nghề xuất bản và tính cách cởi mở, quảng giao, ông đã thu hút được đông đảo cộng tác viên và những người cộng sự nhiệt tình thực hiện những kế hoạch ngắn và dài hạn hợp lý để vực dậy NXB Trẻ và đưa NXB này trở thành NXB hàng đầu cả nước. Năm 2003, Lê Hoàng được chuyển sang làm tổng biên tập báo Tuổi Trẻ. Năm 2008, hết nhiệm kỳ năm năm làm báo thì chuyển sang Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn làm chủ tịch HĐQT. Năm 2010, Lê Hoàng được Ủy ban Tổ chức của Hội thảo Xuất bản châu Á thường niên lần 4 trao tặng giải thưởng “Thành tựu trọn đời trong xuất bản” - công nhận những đóng góp của ông trong ngành xuất bản, báo chí, truyền thông và văn hóa trên các cương vị giám đốc NXB Trẻ, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ và chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn.
Sách in có thể trở thành kỷ vật...
. Pháp Luật TP.HCM: Thưa ông, với tư cách phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, xin ông cho một cái nhìn tổng quan về ngành xuất bản hiện nay.
+ Ông Lê Hoàng: Theo tôi, hoạt động xuất bản, phát hành sách của Việt Nam trong vài năm trở lại đây đã có những tín hiệu lạc quan, thể hiện qua thị trường xuất bản phẩm đang có những bước phát triển khá tốt. Các NXB và những công ty liên kết đều có sản lượng phát hành và doanh thu tăng. Mặt khác, mấy năm qua sách điện tử - ebook tuy có tăng nhưng đã chững lại, trong lúc sách in vẫn tiếp tục tăng. Thực tế cho thấy thói quen đọc sách in của độc giả vẫn không hề giảm bởi người mê đọc sách như bản thân tôi vẫn cảm thấy thú vị khi cầm trên tay cuốn sách in với mùi mực in, mùi giấy mới và có thể gạch dưới, ghi chú trên trang sách. Và nữa, sách in có thể trở thành kỷ vật trong cuộc đời, được lưu giữ lại trên kệ sách, điều mà sách điện tử - ebook không thể có.
Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Lê Hoàng (phải) cùng nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong một buổi giới thiệu sách tại đường sách. Ảnh: Nhân vật cung cấp
. Hội Xuất bản - một tổ chức nghề nghiệp và Cục Xuất bản - cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản có phối hợp với nhau để thúc đẩy phát triển ngành xuất bản đang trong thời kỳ phải đương đầu với văn hóa nghe nhìn đang lấn át? Có khi nào Hội và Cục đối đầu nhau do bất đồng quan điểm hay công tác quản lý chưa?
+ Hội Xuất bản hiện nay là một hội chính trị - xã hội - nghề nghiệp. Hội Xuất bản và Cục Xuất bản là hai tổ chức tuy có chức năng khác nhau nhưng vẫn đồng hành, phối hợp và thúc đẩy hoạt động xuất bản ngày càng phát triển tốt hơn qua các cuộc hội thảo, hội nghị thường kỳ để nhận định, đánh giá và thúc đẩy công tác xuất bản. Cục Xuất bản có trách nhiệm tham mưu cho Bộ TT&TT về quản lý xuất bản, trong khi Hội Xuất bản đại diện cho tiếng nói hội viên nên cũng có sự khác nhau, thậm chí có khi Hội phản biện Cục để bảo vệ quyền lợi hội viên. Như vừa qua, khi Cục Xuất bản ban hành dự thảo thông tư về dán tem trên sách in thì tôi với tư cách phó chủ tịch Hội đã lên tiếng không đồng tình việc dán tem. Tôi cho rằng việc dán tem sẽ không hiệu quả vì sẽ có tem giả, rồi ai lo việc kiểm soát tem thật, tem giả. Sách họ in giả được thì tem cũng sẽ in giả được. Đó là chưa nói đến tốn kém, phiền phức phát sinh cho người làm sách. Một phần ý kiến của tôi đã được Cục Xuất bản ghi nhận và thôi không tiến hành thực thi dự thảo đó nữa.
Kiến nghị xử lý hình sự tội in lậu
. Hiện nay tình trạng vi phạm bản quyền trong xuất bản vẫn trầm trọng như ăn cắp bản quyền, in lậu, in nối bản, sao chép hoặc “xào nấu” các tác phẩm bán chạy... Hội Xuất bản có phối hợp với các cơ quan khác đưa ra những biện pháp gì ngăn chặn tệ trạng nói trên để bảo vệ các tác gia và những người làm sách chân chính không?
+ Đúng là tình trạng vi phạm bản quyền hiện rất trầm trọng, một phần do hiện nay các biện pháp chế tài chủ yếu xử phạt hành chính chưa đủ sức răn đe. Hội Xuất bản đã có văn bản kiến nghị bổ sung vào Điều 344 của Bộ luật Hình sự năm 2015 tội in lậu như tội làm hàng giả để xử lý hình sự tội này. Ngày 1-8 vừa qua, Văn phòng phía Nam của Hội Xuất bản đã tổ chức một cuộc họp giữa các đơn vị có sách bị vi phạm (sách bị sao chép, sách điện tử, sách nói, app điện thoại... với trên 100 tên miền website, diễn đàn, tài khoản trên YouTube, app điện thoại...) với các cơ quan chức năng: Đại diện Bộ TT&TT, Cục Bản quyền tác giả tại TP.HCM, Cục An ninh thông tin truyền thông (A87), Phòng An ninh chính trị nội bộ (PA83), Sở TT&TT. Sau đó, Văn phòng phía Nam đã đề nghị Thường vụ Hội làm kiến nghị gửi thủ trưởng các bộ TT&TT, VH-TT&DL, Công an để chỉ đạo các cơ quan chức năng bảo vệ pháp luật vào cuộc.
. Là người khởi xướng dự án thành lập đường sách, xin ông cho biết khó khăn và thuận lợi trong quá trình thành lập đường sách, từ lúc phác thảo, chọn địa điểm, xin ý kiến lãnh đạo TP đến việc vận động các đơn vị làm sách tham gia.
+ Đường sách TP.HCM trên đường Nguyễn Văn Bình ra đời từ những ý tưởng của những người có trách nhiệm, trong đó có Hội Xuất bản mà tôi đại diện. Hội Xuất bản phối hợp với Sở TT&TT TP.HCM. Mọi người cùng ngồi lại để lập kế hoạch, đề án xin phép UBND TP, vận động các NXB, công ty sách tham gia... Chúng tôi muốn tạo ra một không gian văn hóa đọc - một không gian nhân văn. Sự thành công bước đầu của đường sách bởi gặp rất nhiều thuận lợi từ chủ trương đồng thuận của lãnh đạo TP, sự tham gia nhiệt tình của các đơn vị làm xuất bản, là công sức của nhiều người, trong đó cũng có một phần nhỏ đóng góp của tôi.
Các đường sách sẽ nở rộ
. Nghe nói TP dự kiến sẽ mở thêm mấy đường sách nữa ở vài quận/huyện, Công ty Đường Sách có tham gia các dự án này không?
+ TP có chủ trương mở thêm các không gian sách ở các cửa ngõ TP. Cả bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. UBND quận 7 đề xuất và đã được TP chấp nhận làm đường sách ở trung tâm quận. UBND quận 5 đề xuất làm một “công viên sách” ở ngay Công viên Văn Lang - một địa điểm đẹp, một ý tưởng hay, TP đang xem xét. UBND quận Gò Vấp chính thức đề nghị tôi giúp ý kiến, nghiệp vụ thành lập đường sách ở trung tâm quận... Phía Công ty Đường Sách tiếp cận, hướng dẫn các nơi này xây dựng đề án, các văn bản pháp lý, làm tờ trình, chọn địa điểm để tổ chức những không gian sách. Cả việc hướng dẫn mô hình phù hợp, quản lý thuận lợi và vận động các đơn vị xuất bản và những công ty sách tích cực tham gia. Đây là thế mạnh của Công ty Đường Sách nhưng công ty không trực tiếp tham gia điều hành.
. Một câu hỏi có tính cách riêng tư: Một số đồng nghiệp thân thiết trong ngành xuất bản gọi đùa một cách yêu quý ông là “người yêu sách”. Ông có thể giải thích thêm đôi điều về chuyện “yêu sách”của mình? Ông đã nghỉ hưu nhưng vẫn tiếp tục tham gia công tác ở Hội Xuất bản, lại vừa lo cho Công ty Đường Sách, việc chồng việc, ông chưa cảm thấy mệt mỏi sao?
+ Phải nói sách là một phần cuộc sống của tôi. Từ thời còn rất trẻ, tôi rất mê đọc sách. Trước năm 1975 là những cuốn sách có hơi hướm thiên tả và khuynh hướng dấn thân, cách mạng như Một vòng hoa cho người cách mạng của nhà văn Nam Phi Peter Abrahams, hoặc Sông Đông êm đềm của nhà văn Xô Viết Solokov... Sau năm 1975, tôi đọc ngấu nghiến những tác phẩm của các nhà văn Liên Xô như Con đường đau khổ của Alexis Tolstoi, Thép đã tôi thế đấy của Nikolai Ostrovsky... và các tác phẩm văn học cách mạng Việt Nam như Mẫn và tôi của Phan Tứ, Hòn đất của Anh Đức, Sống như ông của Trần Đình Vân... Sau này khi về NXB Trẻ, toàn tâm toàn ý với công việc xuất bản, làm “bà đỡ” cho nhiều tác phẩm, tôi cảm nhận được những thông điệp tốt đẹp từ sách đến với người đọc. Sách làm cho con người tốt hơn trong cuộc sống.
Hơn 10 năm rời ngành xuất bản nhưng tôi vẫn thường xuyên theo dõi và gặp gỡ bạn bè trong giới xuất bản để hỏi thăm tình hình hoạt động của ngành. Và sau khi nghỉ hưu, tôi quyết định quay lại với ngành nghề mà tôi yêu thích. Tôi tham gia Hội Xuất bản và tôi lại tìm thấy niềm vui trong cuộc sống khi phát huy sở trường để đóng góp cho ngành xuất bản.
. Xin cám ơn ông.
Ông Lê Hoàng, nguyên Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ, nguyên Giám đốc NXB Trẻ, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn, hiện nay là phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam phụ trách phía Nam. Ông đã cùng Sở TT&TT TP.HCM lập đề án xin phép TP và vận động các đơn vị làm sách tham gia thành lập đường sách TP.HCM - con đường sách đầu tiên trong cả nước. Công ty Đường Sách ra đời và ông Lê Hoàng làm giám đốc quản lý, điều hành con đường sách này. |