Tối qua (21-10), Liên hoan phim quốc tế Việt Nam (VNIFF) đầu tiên đã khép lại sau năm ngày tổ chức. Lần đầu tiên tổ chức, VNIFF đã thu hút được sự chú ý của các nhà làm phim, sản xuất phim quốc tế lẫn trong nước… Thế nhưng để những mùa VNIFF sau rộn rã hơn thì cần nhiều cải tiến.
Thiếu kết nối cho các nhà làm phim
VNIFF có đầy đủ các hoạt động cơ bản của bất cứ liên hoan phim (LHP) quốc tế nào trên thế giới, từ phim dự thi, phim công chiếu, các tọa đàm, hội thảo… VNIFF cũng đã mở ra cơ hội cho nhiều nhà làm phim, diễn viên trong nước có những dự án hợp tác với nước ngoài. Tuy nhiên, những nhà sản xuất phim Việt lần đầu tham dự một kỳ LHP quốc tế khá bỡ ngỡ, thậm chí lạc lõng do họ không có quan hệ với bạn bè nước ngoài. Ngoài các buổi tọa đàm hay buffet tối thì VNIFF thiếu những buổi nói chuyện thân mật mang tính kết nối cho các nhà làm phim trong và ngoài nước. Ngoài ra, VNIFF còn thiếu lịch trình cụ thể hoạt động của các khách mời để người làm phim, sản xuất phim trong nước có thể đến gặp, trao đổi.
Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, người từng có nhiều kinh nghiệm ở các kỳ LHP quốc tế, khi đến VNIFF vẫn phải tự đi tìm những nhà làm phim nước ngoài bên lề các cuộc tọa đàm, trong tiệc buffet để nói chuyện. Tuy nhiên, đạo diễn này cho rằng nhờ chính lực lượng diễn viên, nhà làm phim trẻ của Việt Nam có vốn ngoại ngữ khá tốt nên các khách mời nước ngoài đến tham dự ít cảm thấy lạc lõng tại VNIFF.
Ca sĩ, diễn viên Nhật Kim Anh nhận giải thưởng Nữ diễn viên xuất sắc. Ảnh: QT
Tặng vé xem phim nếu… xin chữ ký
Bất kỳ một LHP nào, ngoài việc là chỗ để các phim tranh tài, là nơi để các nhà làm phim giao lưu còn là dịp để công chúng có cái nhìn tổng quan về điện ảnh quốc gia, quốc tế. Có LHP công chúng mới biết được thế giới điện ảnh rộng lớn, phong phú như thế nào.
Theo đạo diễn Phan Đăng Di, ở các LHP quốc tế khác, công chúng có thể mua một thẻ để xem toàn bộ phim công chiếu suốt kỳ liên hoan đó. Những người muốn xem phim mà không có tiền thường đăng ký làm tình nguyện viên cho LHP. Tuy nhiên, những tình nguyện viên này cũng được sàng lọc khá kỹ. Họ phải là những công chúng yêu và hiểu biết điện ảnh thật sự.
Tại VNIFF, ngoài việc thiếu sự kết nối giữa các nhà làm phim trong và ngoài nước thì sợi dây kết nối giữa công chúng yêu điện ảnh và VNIFF vẫn còn mờ nhạt. Lượng tình nguyện viên khá quy mô (khoảng 300 thành viên là sinh viên các trường ĐH, CĐ trên địa bàn Hà Nội) này cũng chính là công chúng trẻ duy nhất của VNIFF.
Trong các hoạt động tọa đàm, hội thảo, giao lưu với diễn viên ở Nhà hát lớn Hà Nội, rất ít công chúng trẻ, công chúng yêu điện ảnh tham dự. Trong sự kiện giao lưu trên thảm đỏ của diễn viên, đoàn làm phim với công chúng vào chiều 19-10, ngoài lực lượng tình nguyện viên lấp các khoảng trống, chỉ có thêm lèo tèo vài chục sinh viên đến xin chữ ký diễn viên, nhà làm phim. Và các học sinh, sinh viên này cũng được nhà tổ chức “thuê” theo kiểu xin chữ ký sẽ nhận… vé xem phim.
VNIFF chưa tạo được không khí sôi động cho giới trẻ, cho công chúng yêu điện ảnh. “Trung tâm Hội nghị quốc gia, Nhà hát lớn Hà Nội - hai địa điểm diễn ra hầu hết các sự kiện của VNIFF - với sự kiểm soát khá kỹ đã làm công chúng và diễn viên, nhà làm phim bị tách rời” - đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn chia sẻ.
VNIFF vẫn chưa kết nối được cộng đồng bởi mới chỉ được tổ chức lần đầu nhưng những người yêu mến điện ảnh Việt vẫn mong những kỳ tới VNIFF sẽ sôi động hơn. Có tổ chức nhiều lần theo định kỳ thì VNIFF mới tạo được tiếng vang trong khu vực và tìm được chỗ đứng quen thuộc trong lòng công chúng.
Điện ảnh Singapore thắng lớn Ca sĩ Nhật Kim Anh và diễn viên Fiona Sit nhận đồng nữ diễn viên xuất sắc. Giải phim tài liệu hay nhất thuộc về Luôn ở bên con của đạo diễn Nguyễn Thị Kim Hải. Bộ phim Lâu đài cát (Sand Castle) của đạo diễn Boo Junfeng đến từ Singapore đã thắng lớn tại VNIFF, giành giải thưởng phim xuất sắc nhất và giải đạo diễn xuất sắc nhất - giải thưởng của NETPAC. Trong buổi họp báo sau khi công bố giải thưởng, ông Phillip Noyce (Úc), Chủ tịch Ban giám khảo VNIFF, cho biết: “Lâu đài cát là một cách kể thành công câu chuyện của chính mình, của lịch sử gia đình và dân tộc Singapore”. Nữ diễn viên Kang Su Yeon (Hàn Quốc) đánh giá: “Lâu đài cát là bộ phim có kịch bản, diễn viên và diễn xuất rất hài hòa”. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đạo diễn Boo Jungfeng cho biết: “Tôi thật sự bất ngờ khi VNIFF quyết định trao giải cho bộ phim đầu tay của một đạo diễn trẻ như tôi. Điều này sẽ khích lệ tôi hơn nữa trong con đường điện ảnh. Khi nhận cuộc gọi từ đồng nghiệp có mặt tại VNIFF rằng phải sang Việt Nam gấp, tôi chỉ biết ở Việt Nam sẽ có điều gì đó đặc biệt dành cho tôi. Tôi không nghĩ tôi nhận được nhiều niềm vui như vậy. Lâu đài cát là một phần câu chuyện cuộc đời tôi, tôi dựng phim với chính ký ức tuổi thơ mà tôi còn nhớ”. Diễn viên, ca sĩ Nhật Kim Anh trong phim Long Thành cầm giả ca và diễn viên Fiona Sit trong phim Câu lạc bộ chia tay đồng nhận giải thưởng nữ diễn viên xuất sắc nhất. Giải nam diễn viên xuất sắc nhất được trao cho nam diễn viên Ah Niu trong phim Kem Kacang và tình yêu trẻ con. Ah Niu cũng chính là đạo diễn bộ phim này. Giải phim tài liệu hay nhất thuộc về bộ phim Luôn ở bên con của đạo diễn Nguyễn Thị Kim Hải. |
QUỲNH TRANG