Liên tiếp 3 người nhập viện do viêm não herpes chỉ trong 1 tháng

(PLO)- Trong hơn một tháng, Bệnh viện Thống Nhất tiếp nhận và điều trị liên tiếp ba ca viêm não do virus herpes.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 8-9, Bệnh viện (BV) Thống Nhất, TP.HCM tổ chức buổi cung cấp thông tin về chùm ba ca bệnh viêm não do virus herpes.

Tần suất nhập viện dày

BS chuyên khoa 2 Trần Thị Vân Anh, Trưởng khoa Nội nhiễm (BV Thống Nhất), cho biết trong hơn một tháng qua, khoa tiếp nhận và điều trị liên tiếp ba ca viêm não do virus herpes.

"Ước tính mỗi năm chỉ có 2-4 người bị nhiễm viêm não Herpes trên 200.000 dân. Trước đây 2-3 tháng BV Thống Nhất mới tiếp nhận một ca. Tuy nhiên hơn một tháng mà tiếp nhận liên tiếp 3 ca là tần suất khá dày" - BS Vân Anh nhận định.

Theo đó, các bệnh nhân đều là nữ, lần lượt nhập viện vào ngày 9-7, 5-8 và 19-8. Bệnh nhân 36 tuổi nhập viện khởi phát sốt, tiêu chảy, không có triệu chứng của hệ thần kinh. Sau hai ngày, bệnh nhân thay đổi nhận thức nhẹ, BS đã nghĩ có khả năng nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương. BS làm các xét nghiệm, kết quả huyết thanh chẩn đoán dương tính nên khẳng định bệnh nhân bị viêm não.

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân này diễn tiến có mê nhưng điều trị kịp thời nên tri giác hồi phục hoàn toàn, hiện đã xuất viện.

Ca thứ 2 là bệnh nhân 57 tuổi, trước đó có sốt, khám BV tư 2-3 ngày không đỡ. Khi bệnh nhân bị rối loạn tri giác, lơ mơ, được người nhà đưa vào nhập BV Thống Nhất. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt, lơ mơ. Kết quả chụp MRI không phát hiện tổn thương ở não.

BS tiến hành chọc dịch não tủy và xét nghiệm PCR herpes cho kết quả âm tính. Huyết thanh chẩn đoán ở vùng sáng, BS vẫn điều trị theo hướng viêm não herpes. Sau đó bệnh nhân hồi phục tri giác, tuy nhiên có tình trạng co giật nên khi ra viện vẫn phải uống thuốc chống co giật.

Bệnh nhân 80 tuổi nhập viện trong tình trạng sốt ngày thứ 3, lơ mơ. Kết quả chụp MRI nghi ngờ tổn thương thuỳ thái dương. Tuy nhiên huyết thanh chẩn đoán và PCR âm tính. BS vẫn quyết tâm điều trị theo hướng viêm não herpes.

Hiện bệnh nhân còn bị nhiễm trùng BV, dự kiến thứ 2 tuần tới sẽ được xuất viện.

Bác sĩ Trần Thị Vân Anh thăm khám cho bệnh nhân 80 tuổi mắc viêm não do virus herpes. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Bác sĩ Trần Thị Vân Anh thăm khám cho bệnh nhân 80 tuổi mắc viêm não do virus herpes. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Triệu chứng khó nhận biết

Theo BS Vân Anh, trong chẩn đoán viêm não herpes, thường sẽ dựa trên kết quả dịch não tủy, PCR, huyết thanh chẩn đoán và MRI. BS cho hay cả ba ca bệnh trên đều chỉ thỏa 1/4 tiêu chuẩn. Tuy nhiên các BS vẫn quyết tâm điều trị theo hướng viêm não herpes. May mắn cả ba đều đáp ứng điều trị tốt, tri giác cải thiện.

“Cả ba ca đều rối loạn tri giác, nhưng mỗi người có mức độ thay đổi khác nhau. Các bệnh nhân đều đi qua giai đoạn mê, sau đó tri giác hồi phục hoàn toàn, có kết quả tốt” - BS nói.

BS Vân Anh cho biết thêm, nguyên nhân của viêm não herpes thường do sự tái hoạt của virus herpes đã nằm sẵn trong cơ thể. 90% những người trưởng thành đều mang virus này trong cơ thể. Phải có những điều kiện thuận lợi mới khiến virus này bùng phát (sốt, phơi nắng, căng thẳng tâm lý, phẫu thuật, kinh nguyệt).

Virus này thường xâm nhập qua đường mũi, họng, đi theo dây thần kinh sinh ba vào nằm trong hạch. Nếu được kích hoạt, virus này sẽ đi ngược theo dây thần kinh khướu giác lên thùy thái dương trên não.

Khi virus tái hoạt, một số trường hợp đi kèm các tổn thương ở miệng, mắt, mũi với những nốt loét ở khóe miệng. Dấu hiệu rõ nhất là thay đổi tri giác, tính tình, cảm xúc, thói quen, phản ứng và nhận thức. Nếu bệnh nhân có các biểu hiện trên kèm hành vi bất thường, sốt lơ mơ, cần đưa đi khám để phát hiện, can thiệp sớm thuốc điều trị đặc hiệu.

“Dù người bệnh chỉ có một trong các dấu hiệu trên cũng không được bỏ qua chẩn đoán viêm não herpes. Cả ba ca bệnh này đều được chẩn đoán kịp thời, hồi phục ngoạn mục dù chỉ có một trong các dấu hiệu gợi ý bệnh” - BS nhấn mạnh.

Theo BS, ở người lớn tuổi, việc nhận biết nhiễm trùng khó hơn, dấu hiệu không rõ ràng như ở người trẻ, diễn biến bệnh xấu hơn. Trong ba bệnh nhân trên, cụ lớn tuổi nặng nhất, có nhiều rối loạn, hồi phục tri giác chậm hơn hai ca còn lại.

Bệnh hiếm gặp, tỉ lệ tử vong từ 10-15%

Đây là bệnh hiếm gặp, triệu chứng khó nhận biết, ban đầu vẫn có thể nhầm lẫn triệu chứng nhưng tỷ lệ thấp. Khi chụp MRI và làm các xét nghiệm sẽ chẩn đoán được bệnh.

Nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tổn thương não lan rộng từ thùy bên này sang thùy bên kia, di chứng nặng nề, hoại tử mô dẫn đến tử vong. Tỷ lệ tử vong của bệnh viêm não herpes là 10-15%, di chứng khoảng 30-40%.

BS chuyên khoa 2 Trần Thị Vân Anh, Trưởng khoa Nội nhiễm (BV Thống Nhất).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm