Với tốc độ mở rộng này, LienVietPostBank tiếp tục là một trong những ngân hàng TMCP dẫn đầu về mạng lưới giao dịch. Trước đó, năm 2019, LienVietPostBank đã mở mới 3 chi nhánh và nâng cấp 147 phòng giao dịch bưu điện thành phòng giao dịch Ngân hàng.
Nhờ mạng lưới giao dịch rộng lớn nên đã giúp LienVietPostBank tiếp cận được nhiều đối tượng, nhiều phân khúc khách hàng ở những vùng miền khác nhau trên cả nước, đặc biệt là bộ phận người dân sinh sống ở vùng nông thôn, những người không có cơ hội tiếp cận hoặc tiếp cận rất ít với dịch vụ tài chính ngân hàng, mang lại tiềm năng và lợi thế bán lẻ rất lớn cho LienVietPostBank.
Khách hàng giao dịch tại LienVietPostBank
Cũng nhờ lợi thế này, LienVietPostBank đã thu hút được lượng lớn nguồn tiền gửi dài hạn, ổn định, phần lớn là từ các khách hàng cá nhân nhỏ lẻ, đưa cơ cấu tiền gửi từ dân cư chiếm tỷ trọng trên 70% huy động vốn, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của ngân hàng. Bên cạnh đó, mạng lưới giao dịch lớn nên LienVietPostBank triển khai hiệu quả các hoạt động dịch vụ của ngân hàng như:
(i) Chi trả bảo hiểm xã hội cho các đối tượng hưu trí trên toàn quốc thông qua hệ thống các điểm giao dịch đặt tại trung tâm địa bàn cấp huyện;
(ii) Triển khai dịch vụ bảo hiểm - một trong những hoạt động đang mang lại nguồn thu lớn nhất trong tổng thu dịch vụ của các ngân hàng thương mại hiện nay;
(iii) Phát triển các dịch vụ thu hộ, chi hộ tiền điện, tiền nước, truyền hình…
Đồng thời, thông qua tiếp cận và phát triển các khách hàng khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa LienVietPostBank đã mang đến các kênh cung ứng vốn tín dụng chính thức để người dân tiếp cận với các dịch vụ tài chính lành mạnh; thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ mang dịch vụ tài chính vi mô của Ngân hàng đến với khu vực vùng sâu, vùng xa, góp phần tích cực vào việc cải thiện đời sống kinh tế, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn, chung tay đẩy lùi “tín dụng đen”.