Lộ diện ngân hàng được cấp 'room' kịch trần

(PLO)- Lãnh đạo ngân hàng BIDV vừa cho biết ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận điều chỉnh tỉ lệ tăng trưởng tín dụng tối đa lên 14% năm 2023.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo đó, đầu tháng 7 vừa qua, BIDV được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận điều chỉnh tỉ lệ tăng trưởng tín dụng tối đa lên 14% năm 2023. Ngay lập tức, BIDV đã phân bổ giới hạn này trên toàn hệ thống nhằm đảm bảo cung ứng kịp thời nhu cầu vốn cho doanh nghiệp.

Ngoài BIDV, ngân hàng VietinBank cũng được nới room tín dụng lên đến 14%. Trong khi đó, Vietcombank và Agribank không đề nghị nới room tín dụng lần này.

Lãnh đạo ngân hàng Agribank cho biết: “Sang đến quý II, tín dụng đã có dấu hiệu tăng trở lại. Tuy nhiên, hiện room tín dụng của ngân hàng vẫn còn nhiều nên chưa xin bổ sung thêm chỉ tiêu.”

Được biết, trong đợt cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng lần 1 hồi đầu năm, NHNN giao cho Vietcombank là 9,8%, Agribank là 7,4%.

Trong nửa đầu năm nay, toàn hệ thống BIDV đạt mức tăng trưởng tín dụng gần 7%

Trong nửa đầu năm nay, toàn hệ thống BIDV đạt mức tăng trưởng tín dụng gần 7%

Lãnh đạo BIDV cho biết, với việc triển khai các giải pháp đồng bộ, trong nửa đầu năm nay, toàn hệ thống BIDV đạt mức tăng trưởng tín dụng gần 7% (cao hơn mức chung toàn ngành ngân hàng 4,73%), tương ứng dư nợ khoảng 1,6 triệu tỉ đồng.

Trong đó tín dụng doanh nghiệp tăng trưởng 7,3%, tương ứng với mức tăng tuyệt đối 60.000 tỉ đồng. Dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỉ trọng 40% tổng dư nợ khách hàng doanh nghiệp, tăng 7,2% so với cuối năm 2022.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, BIDV điều chỉnh giảm sàn lãi suất cho vay 4 lần với mức giảm từ 1,1-1,3%/năm. Đồng thời, chủ động thiết kế và ban hành nhiều gói tín dụng ngắn hạn, trung dài hạn với lãi suất ưu đãi từ 0,5-2%/năm, quy mô lên tới 253.000 tỉ đồng nhằm hỗ trợ khách hàng phục hồi, duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh.

Nhằm cung ứng vốn cho nền kinh tế, vào ngày 10-7, NHNN cũng đã chính thức điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các tổ chức tín dụng với mức giao toàn hệ thống là 14%.

Trước đó, vào cuối tháng 2, NHNN đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng với tỉ lệ khoảng 11%.

Đến ngày 30-6, tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,49 triệu tỉ đồng, chỉ tăng 4,73% so với cuối năm 2022. Đây là mức tăng trưởng tương đối thấp so với cả giai đoạn 2018-2022 và chỉ tương đương với cùng kỳ của năm 2020.

Nhiều chuyên gia cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến việc tín dụng nửa đầu năm nay tăng trưởng chậm chủ yếu là do các doanh nghiệp thiếu đơn hàng để sản xuất, trong khi chi phí sản xuất tăng cao khiến hiệu quả hoạt động suy giảm.

Nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, thu hẹp sản xuất, thậm chí phải đóng cửa, ngừng hoạt động vì thua lỗ, dẫn tới nhu cầu vốn vay giảm...

Khi đơn hàng giảm, sức cầu giảm thì các doanh nghiệp cũng không có nhu cầu vay vốn hoặc có nhu cầu vay nhưng phương án kinh doanh đầu tư không khả thi khiến cho việc tiếp cận tín dụng cũng trở nên khó khăn hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm