Lỗ hổng xác định tỉ lệ thương tật trong giám định pháp y

“Trước đây, người giám định tư pháp sẽ dùng hai khái niệm tỉ lệ thương tật tạm thời và tỉ lệ thương tật vĩnh viễn trong kết luận giám định. Nhưng từ khi Thông tư 20/2014 của Bộ Y tế được ban hành (quy định về tỉ lệ tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, có hiệu lực từ ngày 15-8-2014), hai khái niệm trên đã được bỏ, thay vào đó gọi chung là giám định theo thời điểm”.

Theo BS Hiếu và nhiều giám định viên khác tham gia tọa đàm, nếu chỉ dựa vào tỉ lệ % thương tật được xác định tại thời điểm giám định để phục vụ công tác tố tụng thì có khi cơ quan tố tụng sẽ phải bồi thường oan. Đó là bởi thông thường theo thời gian, thương tích của người bị hại sẽ giảm dần, phục hồi (trường hợp bị nặng hơn rất hi hữu). Vụ án càng kéo dài thì càng có lợi cho bị can, bị cáo bởi nếu họ yêu cầu giám định lại hay giám định bổ sung và được chấp nhận, có khi tỉ lệ thương tật của nạn nhân chỉ còn 0%.

Vấn đề đặt ra là lúc đó thì trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo ra sao? Chẳng lẽ họ sẽ thoát tội chỉ vì theo thời gian nạn nhân đã phục hồi hoàn toàn? Như vậy liệu có công bằng với nạn nhân, có đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật? Rồi trách nhiệm của cơ quan tố tụng, trách nhiệm của tổ chức giám định đã cho ra kết quả giám định để cơ quan tố tụng dựa vào đó xử lý hình sự bị can, bị cáo ra sao?

BS Hiếu kể có vụ án trung tâm của ông giám định, nạn nhân là gãy xương sống mũi, bị một cái sẹo ở mặt. Tại thời điểm giám định lúc đó, kết luận tỉ lệ thương tật của nạn nhân là 11% nên CQĐT đã bắt tạm giam bị can. Tuy nhiên, sau đó khi được trưng cầu giám định bổ sung, lúc này kết luận giám định bổ sung về tỉ lệ thương tật của nạn nhân chỉ còn 0% vì nạn nhân đã hồi phục hoàn toàn. VKS lại căn cứ vào kết luận giám định bổ sung để thả bị can ra.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều chuyên gia cũng cho rằng các cơ quan có thẩm quyền cần ngồi lại thống nhất hướng xử lý hình sự phù hợp đối với người có hành vi gây thương tích trong trường hợp giám định bổ sung, giám định lại mà thương tật của nạn nhân giảm dần hay phục hồi nhờ quá trình điều trị theo thời gian.

PHAN THƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm