Ngày 5-4, Tổng cục Hải quan đã tổ chức hội thảo về bảo lãnh thông quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK).
Ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cho biết bảo lãnh thông quan là hình thức cam kết bảo lãnh về mặt tài chính mà cơ quan hải quan yêu cầu đối với doanh nghiệp XNK khi chưa hoàn thành thủ tục hải quan theo quy định, nhưng mong muốn được giải phóng hàng hóa, thông quan hàng hóa.
Thực tế, để được thông quan hàng hóa XNK, ngoài việc chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, chứng từ, doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ bắt buộc liên quan đến hàng hóa. Nhưng do nhu cầu thị trường hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp chưa đủ điều kiện mà mong muốn được thông quan sau đó sẽ hoàn thành các thủ tục tiếp theo. Bảo lãnh thông quan sẽ là một trong những giải pháp giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn.
Theo Tổng cục Hải quan, bảo lãnh thông quan sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp và cơ quan chức năng. Ảnh minh họa: Internet
Theo Tổng cục Hải quan, bảo lãnh thông quan sẽ giúp cho cơ quan hải quan nâng cao năng lực quản lý, đảm bảo nguồn thu nộp ngân sách, ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại, vi phạm pháp luật hải quan.
Đối với các cơ quan quản lý chuyên ngành, đây là công cụ hỗ trợ cho cơ quan quản lý chuyên ngành trong việc kiểm soát việc tuân thủ các quy định về pháp luật kiểm tra chuyên ngành của doanh nghiệp thông qua tổ chức bảo hiểm, họ sẽ đảm bảo hàng hóa XNK phải đáp ứng các quy định về quản lý và kiểm tra chuyên ngành trước khi đưa vào sản xuất hoặc đưa ra lưu thông trên thị trường, thậm chí là khi đến tay người tiêu dùng.
Việc sử dụng bảo lãnh thông quan cũng sẽ giúp các cơ quan quản lý chuyên ngành tiết kiệm được nguồn nhân lực, giảm chi phí hành chính, đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính của các Bộ, ngành.
Đối với doanh nghiệp, bảo lãnh thông quan sẽ rút ngắn thời gian thông quan, giải phóng hàng, giảm chi phí, sớm đưa hàng hóa vào sản xuất, có thêm sự lựa chọn đơn vị bảo lãnh nộp thuế ngoài các ngân hàng thương mại như hiện nay, đồng thời cũng góp phần nâng cao tính tự giác tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.
Đối với các tổ chức kinh doanh bảo hiểm, bảo lãnh thông quan sẽ bổ sung một phương thức kinh doanh mới, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh, phát triển thị trường bảo hiểm tại Việt Nam.
Đánh giá của các chuyên gia GATF tại Hoa Kỳ cho thấy bảo lãnh thông quan sẽ giảm chi phí hành chính từ 0,1-0,5%, giảm chi phí thông quan từ 0,5-0,8% trị giá lô hàng, tăng cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu khoảng 1%.
Hiện nay, trên thế giới đã có rất nhiều quốc gia thực hiện việc bảo lãnh hải quan. Trong đó, tại Hoa Kỳ và khu vực châu Âu, bảo lãnh thông quan đã được mở rộng và phát triển vượt bậc để trở thành một công cụ hữu hiệu trong tạo thuận lợi thương mại XNK, thúc đẩy các dịch vụ liên quan trong thương mại, cũng như các hoạt động thương mại chuyên biệt như kho ngoại quan, khu ngoại thương hay khu thương mại tự do và các cơ sở sản xuất, gia công.
Tại Việt Nam, việc bảo lãnh thông quan chỉ được sử dụng trong trường hợp người khai hải quan đã hoàn thành thủ tục hải quan nhưng được tổ chức tín dụng bảo lãnh về số tiền thuế phải nộp (bao gồm hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng chịu thuế và hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất) hoặc tiền phạt theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hải quan.
Phạm vi bảo lãnh ở Việt Nam còn rất hạn chế so với các nước, mới chỉ áp dụng trong việc bảo lãnh nộp tiền thuế, tiền phạt và chỉ có các ngân hàng thương mại được đứng ra bảo lãnh; việc áp dụng mô hình bảo lãnh tương tự như Hoa Kỳ, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ,… sẽ đáp ứng các yêu cầu về tạo thuận lợi thương mại, đơn giản hoá thủ tục, cắt giảm kiểm tra chuyên ngành, đẩy nhanh tốc độ thông quan, giải phóng hàng hoá, đồng thời nhằm nâng cao tính tuân thủ pháp luật về thương mại, hạn chế rủi ro cho cơ quan quản lý, tránh thất thu ngân sách.
Cũng theo Tổng cục Hải quan, để tránh ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, quy trình thủ tục hải quan và chính sách quản lý của các Bộ, ngành, việc triển khai dự kiến chia thành ba giai đoạn: thí điểm (dự kiến 02 năm 2021-2022), mở rộng (2022-2023) và chính thức (dự kiến từ 2024).
Ngoài ra, để có thể triển khai được cơ chế bảo lãnh thông quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu cần phải rà soát, sửa đổi một số văn bản luật để tạo cơ sở pháp lý khi thực hiện.