Nội tạng động vật là món ăn quen thuộc của nhiều người đặc biệt là nội tạng của heo được nhiều người ưa thích. Những món ăn đến được chế biến từ nội tạng động vật chứa nhiều dinh dưỡng, thế nhưng kèm theo đó món ăn này cũng mang đến những nguy cơ tiềm ẩn gây hại cho sức khỏe.
Nội tạng động vật gồm thận, dạ dày, ruột, tim, lưỡi, và gan có chứa lượng chất béo bão hòa và cholesterol cao hơn so với thịt và nếu tiêu thụ nhiều sẽ làm tăng mỡ máu có hại cho tim mạch. Đặc biệt đối với người cao tuổi, người béo phì, người bệnh tiểu đường, người mắc bệnh gút nên hạn chế những món ăn được chế biến từ nội tạng động vật.
Ăn nhiều nội tạng động vật dễ gây mắc bệnh gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ. Ảnh: Internet.
Để ăn món ăn được chế biến từ nội tạng động vật không gây hại cho sức khỏe thì người ăn cần nên lưu ý để không mắc phải những sai lầm sau đây:
Không dùng nội tạng động vật để qua đêm
Nội tạng động vật dễ bị nhiễm khuẩn trở lại dù đã được làm sạch và cẩn thận đến mức nào nếu để qua đêm mà không bảo quản phù hợp. Hơn nữa, lòng lợn để qua đêm dễ bị ôi thiu, hay có mùi hôi khó chịu. Cách tốt nhất là không nên để lại những thức ăn thừa được chế biến từ nội tạng động vật.
Không nên ăn quá nhiều món ăn chế biến từ nội tạng động vật
Các chuyên gia dinh dưỡng đã khuyến cáo, mỗi người chỉ nên ăn 2-3 lần/tuần, mỗi lần ăn khoảng 50-70g đối với người lớn; 30-50g đối với trẻ nhỏ. Những người mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao, tim mạch tuyệt đối không nên ăn nội tạng động vật, vì chúng dễ khiến tình trạng bệnh xấu hơn. Bởi nội tạng động vật chứa nhiều chất béo bão hòa và cholesterol dễ gây ra bệnh gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ.
Lòng lợn và nội tạng hấp luộc là món ăn quen thuộc với người dân Việt Nam. Ảnh: Internet.
Nói không với nội tạng động vật không rõ nguồn gốc
Cục An toàn thực phẩm (VFA), Bộ Y tế cũng chỉ ra ăn các nội tạng động vật không rõ nguồn gốc tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm vi khuẩn, virut, ký sinh trùng (giun, sán) lây bệnh sang người. Một số ruột động vật có lượng rất lớn vi khuẩn E. Coli và các vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn… cho người khi ăn phải lòng, nội tạng nấu không rõ nguồn gốc hoặc ô nhiễm chéo sang các thức ăn nước uống khác trong quá trình chế biến. Nội tạng có thể là nguồn lây các bệnh nhiễm khuẩn khác như lao, thận, lợn đóng dấu.
Bà bầu không nên ăn lòng
Trước những mối đe dọa từ những món ăn được chế biến từ nội tạng động vật, vì thế phụ nữ đang mang thai nên hạn chế tối đa những món ăn như lòng lợn, tiết canh…Hoặc nếu muốn ăn những món ăn từ nội tạng động vật thì bà bầu nên chế biến thật kỹ để tránh mắc phải những mối nguy hại từ nội tạng động vật. Nếu chẳng may mắc phải những chứng bệnh từ nội tạng động vật sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe bà bầu và thai nhi.
Lưu ý với lòng lợn có màu sắc trắng sáng được bán ngoài chợ vì có khả năng cao đã qua tẩy rửa bằng thuốc tẩy. Ảnh: Internet.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện sinh học- công nghệ thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội), cho biết sử dụng nội tạng động vật không rõ nguồn gốc, bốc mùi hoặc không đảm bảo chất lượng rất có thể người dùng sẽ bị nhiễm các loại vi khuẩn có hại như Salmonella, E.coli, Listeria monocytogenes hay đặc biệt tụ cầu trùng... Những loại vi khuẩn này gây hại cho cơ thể như ngộ độc thực phẩm, nôn ói.
Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cũng cho biết những món ăn được chế biến từ nội tạng động vật được kiểm tra rất nghiêm ngặt tại các nước phát triển. Nội tạng động vật hại nhiều hơn lợi thế nên người tiêu dùng ở những nước này từ lâu đã hạn chế hoặc từ bỏ ăn nội tạng động vật.