Lửa và khói

Không tính đến đoạn xe lửa dừng lại ở nhà ga tên Frankfurt có gắn thêm cái “đuôi” Hauptbahnhof (viết tắt là Hbf), báo hiệu đây là ga đầu mối, ga trung tâm của một thành phố của Đức, với lối kiến trúc Hbf đặc trưng: mái vòm, dàn khung thép đen “lộ thiên” trong một không gian mở, không có tường vách bao quanh… Nơi chúng tôi chạm đến thành phố Frankfurt chính là cửa nhà ga Frankfurt West, có một tiệm vừa bán cà phê vừa bán kebap buổi sớm. Lúc này, phố bên nhà ga còn “mờ mờ nhân ảnh” vì nhiều sương và vắng người. Phía đằng xa là một tòa tháp cao hiện ra trong sương khói, thường được gọi là tháp Bút Chì, biểu tượng của trung tâm hội chợ Frankfurt nổi tiếng toàn cầu. Dưới chân tòa tháp này lại có một tượng 2D khổng lồ bằng sắt, đen sì, tạo dáng người phụ nữ một tay cầm búa cứ gõ đều đặn từng nhịp lên xuống, hết ngày này qua tháng khác, không ngừng nghỉ…

Sau một hồi trò chuyện bằng “tay-chân-miệng” với bà chủ quán người Đức, nhà báo Lưu Đình Triều (Tuổi Trẻ) thất vọng khi biết mình không thể nào tìm được một ly cà phê đá giữa đất này. Để bù lại, anh chiêu đãi mỗi chúng tôi một cốc cà phê giá 2 euro bên chiếc bàn ngay trên lề đường. Trong cái lạnh vài độ C buổi sáng, chúng tôi tận hưởng cảm giác lần đầu tiên đặt chân lên đất châu Âu trong khói của cà phê, khói của hơi thở, khói của lời mình… Không có lửa mà vẫn có khói!

2. Tháng 4 năm 2006.

Đường lên Cửu Trại Câu, một thiên đường mà thượng đế ban tặng cho hạ giới bằng vô vàn những suối và hồ, thác và núi, đá và tuyết, trúc và thông, rêu và cỏ … Rời Quảng Nguyên (quê hương của Võ Tắc Thiên), xe xuyên qua huyện Bình Vũ theo hướng tây bắc Tứ Xuyên, ghé vào Giang Du thăm Lý Bạch cố cư; qua Bắc Xuyên Giới nhìn động Hầu Vương trên núi cao; ăn bữa trưa ở Nam Bá Trấn với những hàng bạch dương trên phố; viếng cảnh, lạy Phật và xin xăm, giải xăm tại chùa Báo Ân; ngắm khu bảo tồn thiên nhiên từ cổng Bạch Mã thôn trại của người tộc Tạng…

Từ đây, xe bắt đầu vượt dốc lên núi cao theo nhiệt độ thấp dần đều dẫn đến một thế giới chưa từng thấy. Núi lúc này chưa tan hết băng. Băng có lúc như những dòng sông treo mình trên hẻm núi, có lúc như bạc trắng được dát lên chóp cao. Suối cạn, suối chạy trên những bậc thang khi đá đen nhiều hơn nước nhảy. Và cây, nhìn từ xa thấy rõ cành nhưng lá lại mờ chìm trong sương như những đám rêu khổng lồ đính vào vách đá. Đặc biệt, tuyết như muối của trời rắc xuống trần, như đường của đất trộn lên men, như kem sữa của vị thần đầu bếp quết lên chiếc bánh kem nhiều tầng, cảnh tuyết làm chúng tôi ngây ngất như say, như tỉnh.

Và rồi tất cả như phát sốt lên, như bốc khói cả lên giữa trời tuyết lạnh. Chúng tôi nhảy ngay xuống xe dù đường lên Cửu Trại Câu vẫn còn xa. Chúng tôi vỗ tay, cười nói, la hét, chạy nhảy, ném tuyết vào nhau, ngã vào người nhau... Nhà văn Phan Thị Vàng Anh (NXB Trẻ) thốt lên trong hơi thở đầy khói: Không có lửa mà vẫn có khói!

3. Không có lửa làm sao có khói!

Câu nói ngàn đời này là chân lý dân gian hay là mệnh đề của suy diễn, áp đặt, quy chụp, phán xét?

Chuyện kể là lần nọ Khổng Tử dắt đám học trò đi du thuyết, từ Lỗ sang Tề, trong cảnh đói cơm thiếu áo. Thời may vừa đến đất Tề đã có một hào phú biếu cho một ít gạo thóc. Khổng Tử quyết định giao cho Nhan Hồi công việc nấu cơm trong khi cho các đệ tử khác vào rừng kiếm củi, hái rau… Đang nằm đọc sách ở nhà trên, chỉ cách nhà bếp một vuông sân, Khổng Tử bỗng nghe một tiếng động nhỏ, ngừng đọc, ông nhìn xuống và thấy Nhan Hồi đang mở vung, xới cơm vào tay nắm lại, liếc nhìn xung quanh rồi cho cơm vào miệng! Khổng Tử thở dài, ngửa mặt lên trời mà than rằng: Chao ôi! Học trò nhất của ta mà lại đi ăn vụng thầy, vụng bạn, đốn mạt như thế này ư? Bao nhiêu kỳ vọng ta đặt vào nó thế là tan thành mây khói! Rồi ngài nằm im trong đau khổ. Đến bữa, khi cơm rau đã dọn lên xong, Khổng Tử mới bảo: Thầy muốn xới một bát cơm để cúng cha mẹ thầy, các con thấy có nên chăng? Lúc này Nhan Hồi bèn thưa: Khi con mở vung ra xem thử cơm đã chín đều chưa, chẳng may một cơn gió tràn vào, bồ hóng và bụi rơi xuống làm bẩn cả nồi cơm. Con đã nhanh tay đậy vung lại nhưng không kịp. Con liền xới lớp cơm bẩn ra, định vứt đi. Nhưng lại nghĩ cơm thì ít, anh em lại đông, nếu bỏ lớp cơm bẩn này thì anh em hẳn phải ăn ít lại. Vì thế con đã mạn phép ăn trước phần cơm bẩn ấy, còn phần cơm sạch để dâng thầy và tất cả anh em. Như vậy con đã ăn phần cơm của con rồi. Cơm đã ăn rồi không thể dâng cúng được nữa. Nghe xong, Khổng Tử lại ngửa mặt lên trời mà than rằng: Chao ôi! Thế ra trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật! Suýt tí nữa là Khổng Tử này đã trở thành kẻ hồ đồ mất rồi!

Bao nhiêu người trong chúng ta, hằng ngày, đã và đang làm kẻ hồ đồ, khi trò chuyện, khi phát biểu, khi viết lách, khi tranh luận, khi chỉ thấy khói đã xác quyết là có lửa? Không phải vô lý khi trong Nghệ thuật nói chuyện trước công chúng (The Art of Public Speaking) của Stephen E. Lucas, được dùng làm giáo trình cho các trường đại học trên toàn nước Mỹ, liền sau phần nói về tầm quan trọng của Nói chuyện trước công chúng, về Đạo đức của việc nói chuyện trước công chúng là một chương nói ngay về việc Lắng nghe.

Chỉ có lắng nghe thật sự mới có thể giúp ta hiểu đúng và hiểu đủ, đồng cảm và thấu hiểu, tôn trọng và cầu thị. Cho nên có một cao nhân đã nói: Chính lắng nghe là bậc thầy của sự minh triết!

DUYÊN TRƯỜNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm