Đó là một trong những đánh giá mà tờ trình về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học mà Bộ GD-ĐT gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Ý kiến từ tờ trình thể hiện, Luật Giáo dục Đại học (GDĐH) ban hành năm 2012 là luật chuyên ngành đầu tiên trong lĩnh vực GDĐH. Tuy nhiên, sau gần 05 năm triển khai thực hiện, nó đã dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Những hạn chế cơ bản của Luật GDĐH 2012 đã trở thành những điểm nghẽn, nút thắt cản trở đổi mới căn bản, toàn diện GDĐH trên thực tiễn.
Tờ trình chỉ rõ, về tự chủ đại học và quản trị đại học, các quy định của Luật GDĐH hiện hành chưa quy định rõ ràng về trách nhiệm và quyền hạn giữa cơ quan chủ quản và cơ sở GDĐH công lập để thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tự chủ đại học trên cả ba phương diện: hoạt động chuyên môn, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính tài sản.
Cạnh đó, cơ sở GDĐH vẫn còn bị quản lý khá chặt chẽ của cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý ngành, địa phương và cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo. Điều này làm giảm tính chủ động, sáng tạo, kịp thời trong quản trị, quản lý và tổ chức thực hiện giáo dục đào tạo của cơ sở GDĐH nên thực hiện tự chủ đại học chưa hiệu quả.
Đặc biệt, các quy định của Luật chưa phân định rõ được chức năng quản trị và chức năng quản lý giữa Hội đồng trường và Hiệu trưởng trong mỗi cơ sở GDĐH. Việc bổ nhiệm Hiệu trưởng các cơ sở GDĐH còn do các cơ quan chủ quản chỉ đạo (bộ, ngành, địa phương) nên chức danh hiệu trưởng phụ thuộc vào hiện trạng cán bộ của từng cơ quan chủ quản, chưa được chuẩn hoá trên thực tế, chưa đáp ứng yêu cầu tự chủ về tổ chức, nhân sự của cơ sở GDĐH. Ngoài ra, Hội đồng trường chưa có thực quyền trong quyết định nhân sự hiệu trưởng và các vấn đề quan trọng của trường.
Các quy định về tài chính, tài sản đã trở nên không phù hợp với chủ trương thực hiện tự chủ đại học. Mức học phí chưa được tính theo cơ chế định giá dịch vụ phù hợp với chi phí đào tạo thực tế của các nhóm ngành, các bậc đào tạo và chất lượng của từng cơ sở đào tạo. Luật cũng chưa có quy định về huy động vốn từ các tổ chức tín dụng và các tổ chức, cá nhân khác đầu tư cho GDĐH theo khả năng, nhu cầu của các cơ sở GDĐH….
Theo đó, dự thảo luật được đề xuất sửa đổi 39/73 điều, chiếm 53% tổng số điều của Luật giáo dục đại học và bổ sung 2 điều.
Tuy nhiên, trong dự thảo báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án luật, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho biết, bên bên cạnh các ý kiến tán thành việc sửa đổi, bổ sung một số vấn đề như tờ trình Chính phủ, một số ý kiến đã đề nghị cân nhắc sửa đổi toàn diện luật nhưng lựa chọn một số vấn đề cốt lõi để sửa đổi, bổ sung như Tờ trình của Chính phủ. Sửa đổi bổ sung một số điều nhưng phải hướng đến việc giải quyết đồng bộ và khả thi những hạn chế, bất cập của thực tiễn và thể chế hóa được chủ trương đổi mới, đẩy mạnh hội nhập quốc tế bằng những quy định mang tính nguyên tắc đặt nền móng cho việc sửa đổi toàn diện Luật.
Lý do là vì số lượng điều khoản được lựa chọn sửa đổi, bổ sung lớn (sửa đổi 53% số lượng điều luật); nội dung sửa đổi liên quan đến hầu hết các vấn đề cơ bản, quan trọng của luật hiện hành. Hơn nữa, yêu cầu đổi mới giáo dục, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, đòi hỏi luật phải được sửa đổi một cách căn cơ, toàn diện hơn.