Bà Phụng cho biết dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học lần này cần có những thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế. “Nút thắt” của vấn đề là làm sao để đẩy mạnh tự chủ trong thời gian tới.
Theo bà Phụng, một quy định mới trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung lần này là trong các trường có thể có doanh nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ chuyển những kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thành hàng hóa để bán và ứng dụng vào trong thực tế.
“Đây là những thiết chế để phục vụ công tác đào tạo chứ không phải làm kinh doanh. Thực tế là các nhà khoa học không tự thương mại được các nghiên cứu của mình, nên rất cần các doanh nghiệp tham gia để phát triển các nghiên cứu đó ra thị trường…” – bà Phụng cho biết.
Cũng theo bà Phụng, dự thảo Luật sửa đổi lần này có 3 chính sách thay đổi quan trọng. Thứ nhất là mở rộng và nâng cao hiệu quả của tự chủ đại học. Theo đó, các trường sẽ tự chủ sâu rộng hơn cả về chuyên môn, cơ cấu tổ chức bộ máy và nhân sự; thứ hai là đổi mới quản lý đào tạo để tiệm cận với chuẩn quốc tế; và công tác quản lý chất lượng của Nhà nước cần phải thay đổi để không can thiệp quá sâu vào các cơ sở giáo dục nhưng vẫn đảm bảo chất lượng đào tạo…
Đại diện Vụ giáo dục Đại học chia sẻ nội dung dự thảo.
Bà Phụng nhấn mạnh: “Để đảm bảo chất lượng đào tạo, bên cạnh việc tự chủ thì các trường phải tự chịu trách nhiệm, tự công khai, minh bạch để đối tác, người học có đủ thông tin để chọn nơi học, nơi làm việc phù hợp. Nhà nước sẽ tăng cường hệ thống thanh kiểm tra chủ yếu bằng hệ thống hậu kiểm, xử phạt, làm sao để thay đổi, đáp ứng được yêu cầu đó” – bà Phụng nói.
Điểm mới nữa trong dự thảo lần này là cơ cấu tổ chức của các cơ sở đào tạo được nâng lên. Theo đó, Hội đồng trường sẽ là cơ quan hoạch định chính sách, được ban hành quy chế tài chính và quyết định cơ cấu tổ chức, có quyền bầu hiệu trưởng để cơ quan nhà nước công nhận. Trong đó thành viên bên ngoài chiếm tối thiểu 30%. Số giảng viên tham gia hội đồng trường là 25%...