'Luật sư bào chữa 100 trang nhưng bản án chỉ ghi một đến hai dòng'

(PLO)- Có luật sư phản ánh rằng "bài bào chữa dài 50 đến 100 trang nhưng trong bản án chỉ ghi được một đến hai dòng, thậm chí không được ghi nhận". Như thế liệu có thỏa đáng!

Hôm nay (25-8), Liên đoàn Luật sư (LS) Việt Nam tổ chức hội thảo sơ kết 5 năm thi hành Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, thực tiễn thi hành và giải pháp, kiến nghị.

Tham gia hội nghị, phía Liên đoàn Luật sư Việt Nam có TS.LS Phan Trung Hoài (Phó Chủ tịch Liên đoàn), LS Trương Xuân Tám (Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát, hỗ trợ luật sư), LS Hà Hải (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng pháp luật và Trợ giúp pháp lý) cùng các luật sư đại diện của các đoàn luật sư...

Hội nghị còn có sự tham gia của bà Nguyễn Thị Hà (Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM), Thượng tá Lê Đức Túy (Phó Chánh văn phòng cơ quan CSĐT Công an TP.HCM) và đại diện VKSND TP.HCM.

Luật sư Phan Trung Hoài (Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam) tại hội thảo. Ảnh: YC

Phát biểu khai mạc hội nghị, LS Phan Trung Hoài nêu rằng BLTTHS 2015 đã có những thành tựu nhất định, tạo điều kiện cho luật sư hành nghề. Tuy nhiên qua 5 năm thi hành, BLTTHS 2015 cũng bộc lộ những bất cập, vướng mắc.

Một phần nguyên nhân xuất phát từ việc quy định của pháp luật chưa đầy đủ, tạo nên các rào cản, làm cho luật sư tham gia các vụ án hình sự cũng gặp nhiều khó khăn...

LS Hoài mong muốn trên cơ sở thực tiễn, trải nghiệm của bản thân, các LS sẽ góp ý cho những bất cập của pháp luật.

Dẫn đề, LS Trương Xuân Tám cho rằng BLTTHS là một bộ luật lớn, đã được sửa đổi rất nhiều lần và lần đầu tiên BLTTHS năm 2015 đã thiết kế một chương riêng đó là chương 5 các quy định về bào chữa.

LS Tám cũng lưu ý các LS đến đây không phải để “kể khổ, kể khó” mà là nói lên được những bất cập và đưa ra những kiến nghị thiết thực.

LS Trương Xuân Tám (Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát, hỗ trợ luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: YC

Tại hội thảo, LS Tám nêu nhiều vấn đề để các LS thảo luận và góp ý. Trong đó, theo LS Tám, Điều 15 BLTTHS 2015 về xác định sự thật của vụ án đã quy định người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.

Vậy có cần bổ sung rõ quyền im lặng của người bị buộc tội, của bị can bị cáo hay không? Theo LS Tám, lâu nay trên báo chí truyền thông vẫn đề cập đến quyền im lặng của người bị buộc tội, của bị can bị cáo, nhưng thực tế trong BLTTHS chưa có điều nào nói rõ về quyền im lặng này.

Cạnh đó, LS Tám đặt vấn đề là có cần quy định rõ trong bản án phải ghi đầy đủ hoặc tóm tắt các nội dung bào chữa, quan điểm người bào chữa vào bản án hay không?

Theo LS Tám, các quan điểm, ý kiến của LS tại phiên tòa cũng là cơ sở để tòa phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm xem xét.

"Có LS phản ánh rằng LS tham gia bào chữa một vụ án cả năm trời, phiên tòa diễn ra cả tháng, bài bào chữa của LS phân tích rất sâu sắc và tâm huyết, dài 50-100 trang nhưng trong bản án chỉ ghi được một đến hai dòng, thậm chí không được ghi nhận" - LS Tám nêu.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: YC

Góp ý về sự chưa đồng bộ trong một số quy định, LS Phạm Đức Hùng (Phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Long An) nêu: "Về nguyên tắc suy đoán vô tội, Điều 13 BLTTHS 2015 quy định người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do BLTTHS và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, tại Điều 4 BLTTHS quy định người bị buộc tội gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, trong khi người bị tạm giữ thì chưa bị coi là có tội hay không"...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới