Luật sư bị làm khó: Đấu tranh hay thỏa hiệp?

Trong hai ngày 3 và 4-11, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch, Thụy Điển tổ chức hội thảo quốc tế về vai trò của luật sư. Tại diễn đàn này, nhiều luật sư Việt Nam một lần nữa bày tỏ bức xúc lớn nhất của họ hiện nay vẫn là môi trường hành nghề.

Thiếu cơ chế nên bị làm khó?

Theo quy định, luật sư Việt Nam phải xin giấy chứng nhận người bào chữa đối với từng vụ việc một. Luật sư Dương Quốc Thành (Công ty Luật Baker & McKenzie tại Hà Nội), người từng 10 năm làm thẩm phán, bình luận: “Các cơ quan công quyền dường như có một sự lo lắng nào đó nên ngay từ đầu đã đặt ra những thủ tục rất chặt chẽ”. Ông Thành cũng dẫn ý kiến nói rằng ở Việt Nam dường như có sự phân biệt giữa các cơ quan nhà nước (khu vực công) với phần còn lại (khu vực tư).

Bà Hanne Rahbaek, thành viên Ban chấp hành Đoàn luật sư Đan Mạch, nhận xét: “Tập quán đó của các bạn đang có vấn đề và không phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Khi luật sư đã có chứng chỉ hành nghề thì không phải xuất trình bất cứ một thứ giấy tờ nào khác”.

Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ, Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội, quan tâm hơn tới yếu tố công khai và minh bạch hóa trong hoạt động xét xử: “Trong dân sự, có hiện tượng thẩm phán “xử miệng” chứ không có văn bản. Đây là yếu tố rất dễ dẫn đến tiêu cực. Có những trường hợp mới nhận đơn đã bảo không được vì quá hạn nhưng lần sau nộp đơn có kèm phong bì lại bảo được”...

Luật sư Nguyễn Sơn lại dẫn những vụ báo chí nêu về thẩm phán, thư ký tòa vòi vĩnh luật sư, khuyên đương sự đừng thuê luật sư... Ông Sơn nói cần phải đặt vấn đề chống tham nhũng để tạo môi trường trong sạch cho luật sư hành nghề. Đồng tình, luật sư Dương Quốc Thành cho rằng cần kiện toàn hơn hệ thống tòa án vì tòa có mạnh và độc lập thì luật sư mới có đất dụng võ, mới có chỗ dựa tốt để hành nghề.

Ở một khía cạch khác, luật sư Nguyễn Chiến cho rằng việc luật sư bị gây khó dễ khi hành nghề là do cơ chế pháp lý chưa đầy đủ. Thực tế, cơ quan tố tụng không phải chịu bất cứ chế tài nào nếu họ không tạo điều kiện cho luật sư theo quy định pháp luật.

Quyền Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp Lê Hồng Sơn phản biện: “Trách cơ chế nhưng cũng phải tự trách chính mình. Khi luật sư bị làm khó, luật sư tuân thủ luật pháp hay cũng thỏa hiệp, cốt sao cho xong việc của mình? Các luật sư có thể với danh nghĩa cá nhân hoặc thông qua các đoàn luật sư phải có một tiếng nói chính thức phản ánh vấn đề này tới cơ quan chức năng”.

Luật sư tập sự được hưởng lương!

Theo số liệu của Bộ Tư pháp, Việt Nam hiện mới chỉ có hơn 4.000 luật sư trên tổng số hơn 80 triệu dân. Trong khi đó, Đan Mạch là 5.000 luật sư/năm triệu dân; Thụy Điển 4.500 luật sư/10 triệu dân. Hiện nay, mục tiêu đặt ra đối với nước ta là phải phát triển đội ngũ luật sư cả về số lượng lẫn chất lượng; đồng thời cũng phải cân đối được số lượng luật sư ở các vùng miền bởi các vùng sâu, vùng xa đang trong tình trạng thiếu luật sư trầm trọng.

Phó Chủ tịch Hội đồng lâm thời Luật sư toàn quốc Nguyễn Văn Thảo nói số lượng luật sư cần tăng lên bao nhiêu sẽ do nhu cầu xã hội quyết định. Vấn đề ông Thảo lo ngại là tình trạng thiếu luật sư ở những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. “Bộ Tư pháp đã có nhiều biện pháp như miễn học phí cho người vùng sâu, vùng xa khi theo học các lớp đào tạo luật sư nhưng oái oăm là học xong, họ lại “chạy” về thành phố. Tới khi Bộ Tư pháp yêu cầu ký biên bản cam kết phải quay trở lại địa phương làm việc thì không ai đi học nữa!” - ông Thảo cho biết.

Theo ông Henrik Rothe, Tổng Thư ký Đoàn luật sư Đan Mạch, trở ngại lớn nhất trong việc phát triển đội ngũ luật sư ở Việt Nam chính là quy định 18 tháng thực tập không được hưởng lương, thậm chí luật sư tập sự còn phải trả tiền cho tổ chức hành nghề luật sư. “Ở nước chúng tôi, thời gian tập sự có thể kéo dài hơn nhưng người tập sự hành nghề luật sư được hưởng lương, được giao những công việc phù hợp để tạo thu nhập” - ông Henrik nói.

Trong khi đó, bà Anne Ramberg, Tổng Thư ký Đoàn luật sư Thụy Điển, khuyến nghị Việt Nam cần bổ sung những quy định của luật pháp về yếu tố bảo mật. “Đó là giá trị cốt lõi của nghề luật sư. Nếu luật sư không có nghĩa vụ bảo mật thì làm sao người ta có thể tin tưởng mà chia sẻ với luật sư được!” - bà Anne chia sẻ.

ĐỨC MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm