Chiều 18-4, HĐXX vụ án vi phạm đấu thầu ở Bệnh viện Tim Hà Nội đã nghe các luật sư trình bày quan điểm bào chữa cho các bị cáo.
Mở đầu, luật sư của bị cáo Nguyễn Quang Tuấn cho biết ông Tuấn nhận trách nhiệm, không đổ lỗi cho hoàn cảnh như: bản thân chuyên tâm vào công tác chuyên môn, khám chữa bệnh, nghiên cứu khoa học, giảng dạy nên trong công tác quản lý còn yếu…
Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: BT |
Luật sư này cũng thừa nhận tội danh VKS truy tố ông Tuấn nhưng đề nghị xem xét mức độ, hoàn cảnh, nguyên nhân của hành vi phạm tội.
BV quá thiếu vật tư
Ở gói thầu năm 2016, luật sư thừa nhận có sai phạm nhưng việc khám chữa bệnh cấp bách là có thật, do hết vật tư, hóa chất nên mới phải cho doanh nghiệp ký gửi để dùng cho bệnh nhân sau đó thanh toán bằng đấu thầu.
Ở 4 gói thầu năm 2017, BV đã có rất nhiều các văn bản gửi UBND TP Hà Nội; Sở Y tế; Sở Tài chính; Trung tâm mua sắm tài sản công Hà Nội báo cáo tình hình vật tư, hóa chất.
Trong đó, BV đề nghị được mua sắm khẩn cấp với thời gian dự kiến vật tư, hóa chất được mua khoảng 2-3 tháng/lần. Hết đợt 1 mà chưa có kết quả đấu thầu tập trung lại báo cáo, đề xuất mua đợt 2… do đó năm 2017 mới có việc tổ chức mua sắm khẩn cấp tới 4 lần.
Việc xin thực hiện hình thức chỉ định thầu khẩn cấp không phải chỉ để hợp thức thanh toán vật tư đã ứng trước mà còn vì thực tế đấu thầu tập trung chậm, không có vật tư sử dụng.
''Có thể biết mượn vật tư là không đúng; nhưng với y đức của người thầy thuốc, chữa bệnh, cứu người là trên hết nên họ phải chấp nhận làm sai và chịu rủi ro''- luật sư nói.
Luật sư Bùi Đình Ứng, bào chữa cho cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội. Ảnh: CTV |
Luật sư đề nghị HĐXX xem xét lại thiệt hại của vụ án. Ở các gói thầu năm 2017, thủ tục thực hiện là đúng; chỉ sai phần mượn trước, ứng trước, mặc dù có báo cáo cấp trên. Do đó, luật sư đề nghị chỉ nên tính phần sai và thiệt hại ở những vật tư ký gửi trước, ứng trước của hai công ty Hoàng Nga và Kim Hòa Phát.
Nếu chỉ tính những phần vật tư ứng trước, thì thiệt hại ở 4 gói thầu năm 2017 là gần 11 tỉ đồng, cộng với thiệt hại ở gói thầu năm 2016 thì tổng thiệt hại là hơn 33 tỉ đồng. Trong khi đó, theo cáo buộc của VKS thì tổng thiệt hại là hơn 53 tỉ đồng.
Về tình tiết giảm nhẹ, theo luật sư, ông Tuấn từng có thời gian tham gia quân đội, là giáo sư, tiến sỹ đầu ngành tim mạch Việt Nam, là người đầu tiên đưa kỹ thuật can thiệp tim mạch vào Việt Nam để chữa bệnh.
Ông Tuấn có nhiều thành tích trong công tác, được tặng thưởng huân chương, bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương,
“Chúng tôi không thể kể hết các thành tích trong học tập, công tác cũng như hoạt động xã hội khác của ông. Nhưng tài năng, uy tín của ông Tuấn đã được bạn bè, đồng nghiệp, cộng đồng ghi nhận và đặt cho biệt danh rất đỗi gần gũi, tình cảm, gói gọn trong 2 từ “ Tuấn Tim” và chúng ta thấy như thế là đã đủ nói lên tất cả” – luật sư của ông Nguyễn Quang Tuấn nói.
Luật sư cho biết ông Tuấn là giáo sư đầu ngành về tim mạch và nay chính mình lại mắc căn bệnh này, nên mong HĐXX cho ông Tuấn phán quyết nhân văn nhất, mức án VKS đề nghị quá cao và việc cách ly bị cáo ra khỏi xã hội là không cần thiết.
Luật sư: Các bị cáo (nhóm BV) không vụ lợi cá nhân
Bào chữa cho các bị cáo khác như Đào Trọng Bình, Nghiêm Tuấn Linh (Phó Trưởng phòng Vật tư y tế), Hoàng Thị Ngọc Hưởng (Phó giám đốc BV)… các luật sư đều nhìn nhận tội danh là đúng và đề nghị xem xét mức độ hành vi của các bị cáo khi lượng hình.
Các luật sư đề cập tình trạng thiếu vật tư có thật nên mới có chuyện ký gửi để BV dùng trước. Khi thực hiện các gói thầu, các bị cáo thực hiện chỉ đạo của cấp trên, không có mục đích hưởng lợi, không vụ lợi cá nhân.
Luật sư của bị cáo Nguyễn Thị Dung Hạnh, Kế toán trưởng BV đề nghị HĐXX xem xét cho bị cáo hưởng mức án đúng bằng thời gian tạm giam là 23 tháng 5 ngày để bị cáo có điều kiện chữa bệnh.
Luật sư của bị cáo Nguyễn Đức Đảng, Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàng Nga mong HĐXX khoan hồng cho bị cáo hưởng mức án treo bởi ở các quyết định trúng thầu năm 2017 là theo chủ trương của UBND TP Hà Nội, bị cáo không có vi phạm.
Theo cáo buộc, từ năm 2015, Bệnh viện có chủ trương cho doanh nghiệp ký gửi vật tư tiêu hao để sử dụng trước. Sau đó, Bệnh viện hợp thức thanh toán bằng hình thức đấu thầu.
Quá trình thanh toán vật tư ký gửi của hai công ty Hoàng Nga, Kim Hòa Phát, 12 bị cáo có nhiều sai phạm về đấu thầu, gây thiệt hại hơn 53 tỉ đồng cho Bệnh viện và Quỹ BHXH.