Chiều 15-3-2023, sau một thời gian bệnh nặng, luật sư Nguyễn Ngọc Bích đã chia tay gia đình và những người yêu quý anh để đi về cõi khác.
Nhớ anh Nguyễn Ngọc Bích là nhớ một trong những người Việt Nam đầu tiên học luật ở ĐH Harvard. Nhớ anh là nhớ người mở văn phòng luật sư Việt Nam phục vụ đầu tư nước ngoài đầu tiên ở Việt Nam trước 1975. Nhớ anh là nhớ một trọng tài viên nổi tiếng của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam.
Từ trái: vợ chồng ông Trương Tấn Sang, nhà văn Lê Thành Chơn, tác giả Nguyễn Thế Thanh và LS-ĐBQH Trương Trọng Nghĩa, vợ chồng luật sư Nguyễn Ngọc Bích và con gái Nguyễn Ngọc Hương Thảo. Ảnh chụp tháng 6-1994 |
Nhớ anh Bích là nhớ một người thầy rất đáng kính trọng về sự uyên thâm của kiến thức và sự hấp dẫn trong phong cách luật sư đối với các thế hệ luật sư ở phía Nam sau năm 1975. Nhớ anh là nhớ một cộng tác viên báo chí (Phụ Nữ, Thời báo Kinh tế Sài Gòn...) nhiệt huyết, am tường pháp luật, không tránh né những vấn đề gai góc với một thái độ chính trực và điềm tĩnh.
Nhớ anh là nhớ một trí thức tử tế, nhân hậu, luôn nói điều tốt cho người khác, tất nhiên là những điều tốt có thật; trong khi bản thân anh sau năm 1975 từng mang nặng nỗi buồn suốt thời gian dài mà sau đó anh không hé lời oán trách ai! Có người hỏi: "Sao phải im lặng?", anh chỉ hiền lành đáp: "Chẳng để làm gì. Mỗi người đều có lựa chọn riêng".
Lựa chọn của anh là tạo lập công ty luật để góp phần đáp ứng nhu cầu pháp lý ngày càng lớn của xã hội; là giảng dạy bằng nhiều hình thức để góp phần đào tạo ra các luật sư thực thụ; là tham gia các diễn đàn khi cần để góp phần làm sáng tỏ các góc khuất do sự hiểu biết pháp luật chưa chạm tới được.
Với anh Bích, càng nhiều người cần đến pháp luật, hiểu biết pháp luật và có khả năng bảo vệ pháp luật thì xã hội sẽ ngày càng tốt hơn về mọi nhẽ.
Luật sư Nguyễn Ngọc Bích: Lòng biết ơn, sự khiêm nhường và sự tử tế
Hay tin luật sư Nguyễn Ngọc Bích qua đời, tâm trạng tôi rất rối bời. Những người từng học, từng tiếp xúc với ông đều dễ cảm nhận sự khiêm cung, hiền hậu, thẳng thắn, sẵn sàng chia sẻ.
Tôi nhớ ông với cảm xúc của người từng là học trò, luật sư cộng sự với lòng tôn kính.
Luật sư Nguyễn Ngọc Bích và vợ. ẢNH GIA ĐÌNH CUNG CẤP |
Điều quý giá thầy Bích truyền lại cho thế hệ học trò khoá 1 của Học viện Tư pháp: Đó là năng lượng tích sự, sự sáng tạo, và cách nhìn, cách tiếp cận sự việc rất khoa học và hiện đại. Phát hiện bản chất là gì? Giải quyết vấn đề liên quan sự việc như thế nào? Câu hỏi chủ chốt ra sao?
Chính phương pháp dạy học khác biệt đã đào tạo ra nhiều thế hệ luật sư có tư duy đổi mới, sáng tạo, giải quyết vấn đề vượt qua tư duy trường lớp, sách vở. Chính tư duy mới này giúp cho việc trang bị kiến thức hành nghề, kỹ năng thực chiến của luật sư rất tốt.
Thầy Nguyễn Ngọc Bích đã có nhiều đóng góp trong lĩnh vực luật kinh tế, liên quan đến doanh nghiệp. Rất nhiều tổng công ty, doanh nghiệp tốt lên sau khi được luật sư Bích tư vấn, phân tích, tìm giải pháp áp dụng vào cho từng doanh nghiệp vượt qua nhưng tranh chấp trong kinh doanh.
Bởi với khối lượng kiến thức, kinh nghiệp rất uyên bác của mình, luật sư Bích còn tài tình vận dụng luật pháp quốc tế phù hợp trong bối cảnh cho các doanh nghiệp làm ăn, kinh doanh trong nước.
LS PHẠM NGỌC HƯNG,nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM
Với riêng vợ chồng chúng tôi (tác giả - Nguyễn Thế Thanh và chồng - LS-ĐBQH Trương Trọng Nghĩa), anh Bích là một người ân về tinh thần. Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, anh luôn khuyên chồng tôi đừng bỏ phí những kiến thức luật đã thu lượm được ở bậc đại học tại Đức, nên tìm cách tiếp tục học thêm về luật để chuẩn bị cho thời kỳ hoạt động luật sư thật sự phát triển hơn ở Việt Nam sau Pháp lệnh Luật sư ban hành năm 1987. Chính anh và luật sư Triệu Quốc Mạnh đã giới thiệu để chồng tôi đi dự tuyển học bổng Fulbright.
Khi biết chồng tôi đã trúng tuyển và sẽ đi học thạc sĩ luật ở Mỹ, anh mừng lắm, mừng như thể chính anh trúng tuyển học bổng uy tín này lần thứ hai. Trước khi chồng tôi lên đường đi học, chúng tôi đã tổ chức một bữa cơm thân mật với một vài người bạn: vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Bích và bé Hương Thảo, nhà văn Lê Thành Chơn (giám đốc Khách sạn Sài Gòn) và vợ chồng anh Trương Tấn Sang (lúc đó là chủ tịch UBND TP.HCM).
Sau này, khi chồng tôi làm công chức và cả khi đã xin nghỉ việc trước tuổi hưu 5 năm để chuyển hẳn sang làm nghề luật sư, anh Bích và chúng tôi thỉnh thoảng vẫn gặp nhau, vẫn có rất nhiều điều hợp ý để chia sẻ. Anh vẫn sôi nổi và hiền lành, chân thật, không thay đổi.
Trong lần gặp cách đây vài năm trước dịch COVID (một buổi tiếp tân do Lãnh sự quán Mỹ tổ chức), tôi có nói với anh rằng, tôi nghe những luật sư trẻ từng bảo "Ai chưa biết anh là thiệt thòi, ai đã biết anh là vinh dự", anh cười ồ và gạt đi: "Bà tin làm gì, họ cứ nói quá lên".
Anh Bích là như vậy, rất uyên bác (như các học trò của anh nói về thầy của mình) nhưng cũng rất khiêm nhường, thật sự khiêm nhường.
Tạm biệt anh, anh Bích nhé! Xin gửi theo anh một lần nữa lời cảm ơn tận đáy lòng của vợ chồng em. Xin chia buồn sâu sắc cùng chị và các cháu.
Luật sư Nguyễn Ngọc Bích: "Sự học không ngừng giúp tôi đóng góp cho xã hội một tấm lòng"
Tin tức về sự ra đi của Luật sư Nguyễn Ngọc Bích như một hồi chuông vang lớn, có lẽ không chỉ đối với tôi, mà còn đối với các thế hệ luật sư, các lứa sinh viên luật, và những người biết đến thầy, để lại trong chúng tôi cảm xúc đan xen, như ánh sáng chiếu rọi con đường chúng tôi đã đi và sẽ đi phía trước.
Luật sư Nguyễn Ngọc Bích trong một chuyến dã ngoại cùng học trò. Ảnh gia đình cung cấp |
Nhiều người nhớ đến Luật sư Nguyễn Ngọc Bích với cảm xúc của người từng là học trò, luật sư cộng sự... với lòng tôn kính. Ảnh gia đình cung cấp |
Ít ai biết thầy đã nếm trải đủ mùi cay đắng của cuộc đời cùng mặc cảm khuyết tật… trước khi trở thành điểm tựa tinh thần của bao người, hoặc cũng có thể thầy trở thành điểm tựa của các thế hệ chính vì những đắng cay đã nếm trải.
Bất kể hoàn cảnh đưa đẩy, thầy vẫn kiên định trong tâm, sáng trong trí để sự tìm tòi, khao khát về bản ngã, cuộc sống, con người xung quanh, về tôn giáo và nhân sinh quan, được kích thích trỗi dậy.
Thầy chia sẻ: “Tôi là người không ghen tỵ, nhờ thế nhìn người khác rõ hơn. Sống tốt cho người ta sự lạc quan. Khi tâm tĩnh thì trí sáng, khi trí sáng thì càng kích thích sự tìm tòi, khao khát”. Sau năm 1975, thầy tham gia nhóm nhân sĩ tư vấn cho Chính phủ và đồng hành cùng đất nước.
Và khi đất nước đổi mới, thì thầy đã có sẵn những cái “mới” đó bằng trí tuệ và kiến thức học được từ những ngày ở Harvard. Thầy góp phần giúp lãnh đạo Việt Nam đổi mới, giúp các thế hệ luật sư hiểu như thế nào là pháp quyền, như thế nào là kinh tế thị trường, bằng cách nào để quản trị một công ty đúng cách.
Sách của luật sư Nguyễn Ngọc Bích là những tài liệu quý giá cho giới luật sư Việt Nam |
Thầy là chuyên gia về luật doanh nghiệp, góp phần xây dựng Luật doanh nghiệp. Thầy đóng góp cho đời không chỉ bằng lời, bằng sách, mà còn đóng góp bằng tinh thần pháp luật.
Trên từng bước chân hành nghề, thầy dùng sự chính trực của cuộc đời của mình để dạy người khác, luôn dùng lập luận của người luật sư đê giải quyết vấn đề phức tạp một cách dễ hiểu.
Di sản của thầy là kiến thức cho các thế hệ, từ phong cách luật sư, đến tư tưởng, tư duy sống và làm việc, phương châm “luật là phải dễ hiểu cho tất cả mọi người”, đến những quyển sách và kiến thức uyên thâm.
Sách do thầy viết là những tài liệu quý giá cho Luật sư Việt Nam, được tái bản nhiều lần như: Suy nghĩ của Luật sư, Tài ba của Luật sư, Tư duy pháp lý của Luật sư, Công ty: vốn, quản lý và tranh chấp (đồng tác giả với Nguyễn Đình Cung), "Khơi dòng chảy cho đồng vốn"; "Buôn bán với Mỹ"... Cách chia sẻ của thầy trong sách thực tế, đơn giản, pha chút phóng khoáng, hóm hỉnh, như câu chuyện bên tách trà chiều, giản dị, chân thật, dễ thấu.
Thầy từng nói: “Sự công chính là mộc che đỡ, cộng với sự học không ngừng đã giúp tôi đóng góp cho xã hội một tấm lòng. Tôi biết tôi ở đâu, và phải làm gì để xứng đáng với nhân phẩm của mình”
Thầy đã ra đi trong sự tiếc thương và tri ân của nhiều người. Thế nhưng tiếc thương lại không phải là cách người công giáo như thầy mong đợi, mà phải làm sao cho di sản của thầy đồng hành cùng với các thế hệ luật sư tương lai, cùng đất nước.
Chúng tôi đang chuẩn bị cho việc lập quỹ từ thiện và giải thưởng Nguyễn Ngọc Bích, với mục đích vinh danh đạo đức, tôn chỉ của thầy với tư cách là một luật sư, và lưu truyền phương châm sống và học tập của thầy sống mãi với các thế hệ sau, qua đó chúng ta có thể hiểu rõ hơn về vai trò của người luật sư công chính.
TS LÊ NẾT - HẢI GIANG