Đây quả là thắng lợi lớn của một quá trình “đấu tranh” giữa hai luồng quan điểm: Một bên muốn được như quy định mới vừa nói, một bên muốn giữ như quy định cũ - tòa huyện xử án hành chính mà người bị kiện là UBND và chủ tịch UBND cấp huyện.
Trước nay, người dân khi kiện hành chính hầu như họ rất ít tin vào kết quả thắng kiện ở phiên sơ thẩm. Bởi họ nghĩ tòa huyện xử quan huyện, tòa tỉnh xử quan tỉnh thì làm gì mà tránh khỏi chuyện “phủ bênh phủ, huyện bênh huyện”. Họ chỉ còn biết trông chờ vào phán quyết của cấp phúc thẩm, vì họ biết ở cấp này, thẩm phán mới thật sự “độc lập xét xử và chỉ tuân theo pháp luật” mà không bị chi phối bởi áp lực nào.
Về phía các thẩm phán cũng thế. Khi xét xử ông quan đồng cấp (mà thực ra là cao hơn ấy chứ, vì đâu phải thẩm phán nào cũng là chánh án, người được coi là “bằng vai phải lứa” với ông chủ tịch huyện), thẩm phán nếu không bị chi phối thì cũng chịu áp lực lớn, chí ít là “vuốt mặt phải nể mũi”. Vì vậy, phán quyết khách quan, công bằng là điều hiếm thấy. Đến nỗi một thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM (nay là TAND cấp cao tại TP.HCM) từng nhận xét: Thẩm phán cấp dưới biết rõ quyết định của UBND sai lè từ hình thức đến nội dung, thế nhưng họ vẫn “cắn răng” xử dân thua - ủy ban thắng. “Chứ sao họ dám xử ngược lại, thà để tòa trên sửa án vẫn hơn!” - vị thẩm phán này chốt.
Vấn đề này báo Pháp Luật TP.HCM cũng từng mổ xẻ nhiều lần, trong đó ghi nhận ý kiến của nhiều chuyên gia rằng cần phải sửa luật để thẩm phán khi xét xử không còn phải “lạnh lưng”, ngán ngại cơ quan hành chính đồng cấp. Nhưng chuyện thay đổi tư duy, quan điểm không hề dễ chịu chút nào. Cả trước khi bấm nút thông qua Luật TTHC, một tình huống nghẹt thở đã diễn ra trên diễn đàn Quốc hội: Phải “trưng cầu đại biểu ý” để quyết định nên chọn phương án nào. Kết quả là có 67,7% tán thành phương án “để tòa tỉnh xử quan huyện”.
Có thể khẳng định kết quả này không chỉ đáp ứng sự mong mỏi của người dân mà khiến các thẩm phán cũng thở phào.
Có thể nói quy định này còn khiến cho những người nắm quyền hành pháp sẽ thận trọng, minh bạch, bớt quan liêu hơn khi ra các quyết định hành chính. Đây cũng là bàn đạp thúc đẩy dân chủ, công khai, minh bạch nền hành chính nước nhà. Và trên hết, nó giúp thẩm phán thực hiện triệt để nguyên tắc độc lập xét xử và chỉ tuân theo pháp luật.