Luật trình Quốc hội chưa giải được bài toán tắc nghẽn trong xã hội hóa y tế

(PLO)- Dự thảo Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) chưa giải quyết được những vướng mắc pháp lý về xã hội hóa, liên doanh, liên kết lĩnh vực y tế. Trong khi nhu cầu của xã hội là rất lớn.

Thảo luận tại hội trường về dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sáng nay, 13-6, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy đã đề cập đến những lỗ hổng trong hành lang pháp lý ở lĩnh vực y tế, một trong những nguyên nhân dẫn đến hàng loạt vụ án trong lĩnh vực y tế thời gian qua.

Bà khẳng định xã hội hóa, liên doanh liên kết, hợp tác đặt máy móc thiết bị trong bệnh viện là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, bù đắp thiếu hụt ngân sách cho y tế. Sau một thời gian triển khai chính sách này đã đi vào cuộc sống, mang lại kết quảtích cực.

Nhờ việc triển khai các trang thiết bị kỹ thuật cao, hiện đại giúp cho nâng cao đáng kể công tác khám chữa bệnh cho người dân, mà không cần phải ra nước ngoài. Việc triển khai chính sách này không chỉ bệnh viện trung ương mà bệnh viện tuyến dưới cũng đã làm chủ được trang thiết bị, mà không phải chuyển tuyến, vượt tuyến lên trên.

“Tuy vậy, quá trình triển khai thời gian qua phát sinh những bất cập. Tình trạng lạm dụng chỉ định xét nghiệm, chỉ định dịch vụ kỹ thuật cao và quá mức cần thiết với máy móc xã hội hóa, gây tốn kém cho túi tiền của người dân và bảo hiểm y tế” – bà nói.

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn)

Theo bà Thủy, công tác xã hội hóa chưa được quy hoạch rõ ràng, dẫn tới mất cân đối. Biểu hiện rõ nét là hoạt động liên doanh liên kết tập trung ở các thành phố lớn, vốn đã có điều kiện thuận lợi trong khám, điều trị, chăm sóc y tế, trong khi những địa phương khó khăn, rất cần nguồn lực xã hội hóa để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế lại không thu hút được bao nhiêu. Việc này tiếp tục làm dãn cách cơ hội tiếp cận dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, vùng miền núi, biên giới, hải đảo với đồng bằng...

ĐB tỉnh Bắc Kạn cũng mổ xẻ nguy cơ vi phạm pháp luật, tham nhũng trong hoạt động xã hội hóa y tế, mà vụ án xảy ra ở Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, trong việc lắp đặt rô-bốt mổ công nghệ cao là ví dụ.

“Nguyên nhân là do lĩnh vực này hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, thiếu chặt chẽ, có nhiều lỗ hổng. Việc này vừa gây khó khăn cho bệnh viện trong triển khai xã hội hóa, người quản lý trong bệnh viện công và đơn vị tư nhân tham gia dễ lợi dụng để cấu kết nhóm lợi ích” – bà nhấn mạnh .

Tuy nhiên, đối chiều vào dự thảo sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh thì dường như chưa có giải pháp cụ thể. Điều 90 dự thảo chỉ quy định chung chung, mang tính nguyên tắc là Nhà nước thực hiện đa dạng hóa loại hình khám chữa bệnh, khuyến khích huy động và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng cơ sở khám chữa bệnh; thòng thêm ý hoạt động liên doanh liên kết của cơ sở khám chữa bệnh được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý tài sản nhà nước.

"Khó khăn, vướng mắc xã hội hóa, liên doanh liên kết trong lĩnh vực y tế là do pháp luật thiếu rõ ràng, thiếu cụ thể, vốn kéo dài trong nhiều năm, và na càng trở nên trầm trọng trong bối cảnh xảy ra các vụ án y tế. Vậy nhưng quy định mang tính chủ trương như trong dự thảo thì khó giải quyết được tình trạng này” – bà Thủy phân tích.

Tiếp mạch phát biểu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội lưu ý hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực y tế gần như đang đặt ở nút tạm dừng. Việc mua sắm trang thiết bị để nâng cao chất lượng khám, chăm sóc sức khỏe người dân trên cả nước gần như đóng băng. Trong khi đó nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày càng cao, còn các bệnh viện, nhà quản lý y tế thì đang trông chờ pháp luật lần này được sửa đổi, bổ sung thật cụ thể.

Đối chiếu với kết luận các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi thảo luận, góp ý cho việc sửa Luật Khám, chứa bệnh, bà Thủy cho rằng dự thảo trình Quốc hội chưa tiếp thu đầy đủ, bao gồm cả phần quy định về xã hội hóa...

“Nguồn lực xã hội hóa còn rát lớn, nếu quy định cụ thể thì giúp cho bệnh viện có trang thiết bị hiện đại, mang lại lợi ích cho người dân, nền y tế” – bà nhấn mạnh thêm.

Từ các phân tích, đánh giá được chuẩn bị kỹ lương nêu trên, ĐB Bắc Kạn đề nghị cơ quan soạn thảo thể hiện cụ thể hơn về nguyên tắc những yêu cầu đặc thù của xã hội hóa trong lĩnh vực y tế; bổ sung cơ chế kiểm soát chống biến tướng, lợi ích nhóm; có cơ chế khuyến khích triển khai xã hội hóa y tế trong những vùng còn khó khăn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới