Bình Thuận: Làm cả thứ bảy, chủ nhật để giải ngân vốn đầu tư công

(PLO)- Tính đến tháng 9-2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Bình Thuận chỉ đạt 33,01% và tỉnh đang “chạy đua” để đạt 90% vào cuối năm.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nam miền Nam

Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận vừa có văn bản gởi các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đề nghị phối hợp giải quyết để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

đầu tư công
Đường 709B, đến nay vẫn còn vướng mắc về mặt bằng thi công. Ảnh PN.

Theo đó, thực hiện kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh về tình hình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, Sở Xây dựng đề nghị các đơn vị, địa phương, chủ đầu tư khẩn trương kiểm tra, rà soát các hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, Báo cáo Kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng, Thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở đối với các dự án sử dụng đầu tư công đảm bảo theo quy định.

Các hồ sơ này gửi đến Sở Xây dựng trong thời gian sớm nhất để thực hiện nhiệm vụ mà UBND tỉnh đã giao.

“Trong thời gian từ ngày 1-10-2024 đến ngày 31-12-2024, Sở Xây dựng bố trí nhân sự và thời gian (bao gồm ngày thứ bảy và chủ nhật) để tập trung thẩm định các hồ sơ dự án, công trình đầu tư công theo nhiệm vụ để chủ đầu tư triển khai các bước tiếp theo”, văn bản của Sở Xây dựng nêu.

dau-tu-cong (3).jpg
Phối cảnh cầu Văn Thánh, công trình đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công hơn 225 tỷ đồng; thời gian thực hiện 4 năm (2022 – 2025) nhưng đến nay chỉ thi công đạt khoảng 50% khối lượng hợp đồng và giải ngân vốn chỉ đạt 75,5 tỷ đồng.

Được biết, ngoài Sở Xây dựng thì Sở KH&ĐT cũng cử nhân sự làm cả thứ bảy, chủ nhật để thúc đẩy giải ngân từng dự án và kiểm tra các, công trình chậm giải ngân để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc…

Theo thông báo của UBND tỉnh Bình Thuận, tình hình giải ngân vốn đầu tư công chung toàn tỉnh còn nhiều hạn chế, yếu kém, trong đó cả ở cấp tỉnh và cấp huyện và đến tháng 9-2024 tỷ lệ giải ngân toàn tỉnh chỉ đạt 33,01%.

UBND tỉnh nghiêm khắc phê bình các chủ đầu tư và các địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp và yêu cầu các đơn vị này phải quyết liệt dồn sức thực hiện nhiệm vụ để đảm bảo hoàn thành tỷ lệ giải ngân theo quy định của Thủ tướng.

Về nguyên nhân của hạn chế, yếu kém, theo UBND tỉnh chủ yếu là chậm, lúng túng, bị động trong việc xử lý phương án bù đắp nguồn hụt thu tiền sử dụng đất năm 2024.

Chậm trong việc phân bổ vốn dẫn đến bị tạm dừng thanh toán; xử lý vấn đề liên quan đến việc khai thác titan của Công ty TNHH Thương mại Tân Quang Cường không kịp thời dẫn đến vướng mắc về mặt bằng thi công dự án đường ĐT.719B (Phan Thiết - Kê Gà).

Ngoài ra công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tiến độ các dự án. Trong đó, chậm trong công tác xác định giá đất, nhiều khó khăn vướng mắc thuộc thẩm quyền giải quyết của các địa phương nhưng chưa được quan tâm tháo gỡ kịp thời dẫn đến nhiều dự án lớn phải dừng thi công do không có mặt bằng…

dau-tu-cong (2).jpg
Đường Hàm Kiệm-Tiến Thành nối cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây dẫn xuống biển được đầu tư bằng vốn đầu tư công. Ảnh PN.

Một số chủ đầu tư chậm hoàn tất các thủ tục quyết toán hoàn thành, để thanh toán dứt điểm tất toán công trình. Người đứng đầu một số đơn vị, địa phương chưa sâu sát công việc, vẫn còn tư tưởng đùn đẩy, né tránh; một số nhà thầu, đơn vị thi công, tư vấn, thiết kế năng lực yếu, thiếu tích cực, thi công cầm chừng, vi phạm tiến độ hợp đồng đã ký kết…

Nhiệm vụ giải ngân của hơn 3 tháng còn lại của năm 2024 là rất nhiều, rất nặng nề. Để giải ngân đạt tỷ lệ trên 95% kế hoạch vốn năm 2024 theo chỉ đạo của Thủ tướng, UBND tỉnh đề nghị các đơn vị, địa phương khẩn trương thực hiện để đến 31-12-2024 giải ngân đạt 90% kế hoạch vốn đầu tư công được giao và đến 31-1-2025 giải ngân đạt trên 95% kế hoạch.

“Các sở, ngành, các cơ quan có chức năng thẩm định phải bố trí nhân sự phù hợp để tập trung ưu tiên thẩm định trước, sớm các hồ sơ liên quan đến các dự án đầu tư công, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư hoàn thành thủ tục, tổ chức đấu thầu dự án; đẩy nhanh tiến độ công việc, tránh tình trạng hồ sơ phải trình đi trình lại, giải trình nhiều lần”, Thông báo nêu.

Theo Thông báo, 3 Ban Quản lý dự án (BQLDA) chuyên ngành của tỉnh được ưu tiên bố trí với tổng số vốn được giao 1.966 tỷ đồng chiếm tỷ lệ gần 50% vốn đầu tư toàn tỉnh nhưng tiến độ thực hiện và giải ngân rất thấp. Cụ thể, BQLDA đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh được giao 424 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 14%; BQLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông được giao 1.212 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 18%; BQLDA đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT, được giao 329 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 25%. Ngoài ra có nhiều dự án, công trình như Bệnh viện Đa khoa tỉnh đến nay mới chỉ giải ngân được 0,1%...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm