Tôi là lao động tự do và đang tham gia BHYT hộ gia đình, BHXH tự nguyện.
Cho tôi hỏi khi mức lương cơ sở tăng thì mức đóng BHXH tự nguyện sẽ được tính như thế nào? Ngoài ra, nếu người dân mua BHYT hộ gia đình vào đầu năm thì khi tăng mức đóng, người dân có phải đóng thêm tiền?
Bạn đọc Hồng An (TP.HCM)
BHXH TP.HCM trả lời: Về mức đóng BHYT hộ gia đình, theo quy định hiện hành thì người thứ nhất: 4,5% mức lương cơ sở và từ người thứ hai trở về sau sẽ được giảm dần.
Cụ thể: Người thứ nhất đóng (100%) mức đóng là 1.263.600 đồng; người thứ hai đóng (70%) là 884.520 đồng; người thứ ba (60%) là 758.160 đồng; người thứ tư (50%) là 631.800 đồng và từ người thứ năm (40%) trở đi đóng 505.440 đồng.
Mức thu nhập tháng người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn để tính mức đóng BHXH tự nguyện như sau:
- Thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn là 1,5 triệu đồng.
- Cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở là 46,8 triệu đồng.
Mức hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện được tính theo tỉ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn trong thời gian tối đa 10 năm.
Mức hỗ trợ cụ thể như sau:
- Hộ nghèo (30%): 1.500.000 x 22% x 30% = 99.000 đồng/tháng.
- Hộ cận nghèo (25%): 1.500.000 x 22% x 25% = 82.500 đồng/tháng.
- Người tham gia khác (10%): 1.500.000 x 22% x 10% = 33.000 đồng/tháng.
Khi Chính phủ điều chỉnh mức đóng, tỉ lệ đóng BHYT, điều chỉnh mức lương cơ sở, người tham gia và ngân sách nhà nước không phải đóng bổ sung hoặc không được hoàn trả phần chênh lệch do điều chỉnh mức đóng BHYT, mức lương cơ sở đối với thời gian còn lại mà người tham gia đã đóng BHYT.
Trường hợp người tham gia đã đóng đủ tiền vào Quỹ BHYT theo thời hạn sử dụng của thẻ BHYT, được cấp giá trị sử dụng thẻ BHYT trước ngày 1-7-2024 thì cả người tham gia BHYT và ngân sách nhà nước không phải đóng, hỗ trợ bổ sung do tăng mức lương cơ sở đối với thời gian từ ngày 1-7-2024 mà người tham gia BHYT đã đóng BHYT.