Lý giải 5 vấn đề về trung tâm mua sắm thuốc TP.HCM

(PLO)- Chuyên gia nhận định việc xây dựng trung tâm mua sắm thuốc tập trung sẽ là một giải pháp hiệu quả để giải quyết nhu cầu thuốc cho các bệnh viện vốn đang thiếu hụt.

Ngày 17-6, sau khi nghe Sở Y tế trình bày đề án và các ý kiến đóng góp của các sở, ngành có liên quan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức yêu cầu sớm hình thành và đưa trung tâm mua sắm tập trung của ngành y tế (TTMS) đi vào hoạt động.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS-BS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa y tế công cộng ĐH Y Dược TP.HCM, cho rằng TTMS sẽ giúp giải quyết tình trạng thiếu thuốc trước mắt và cả những khó khăn trong cơ chế mua sắm, đấu thầu tồn tại lâu nay.

1. Mô hình TTMS sẽ ra sao?

. Phóng viên: Thưa ông, TTMS của TP.HCM nên vận hành thế nào và tổ chức trung tâm này cần những bộ phận nào, phụ trách việc ra sao?

PGS-TS-BS Đỗ Văn Dũng

+ PGS-TS-BS Đỗ Văn Dũng: Để việc mua sắm thuốc và vật tư y tế đạt được mục tiêu mua được thuốc có tính chi phí - hiệu quả từ các nhà cung cấp hàng hóa có chất lượng cao, được giao hàng kịp thời với tổng chi phí tối ưu nhất cần tuân theo một số nguyên lý vận hành. Nhiều tổ chức quốc tế, như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), đã xác nhận những nguyên lý này có thể giúp giải quyết các vấn đề đã nảy sinh trong mua sắm thuốc, vật tư y tế.

Nguyên lý vận hành quan trọng được đưa ra đầu tiên là: “Các chức năng và trách nhiệm mua sắm khác nhau (như xây dựng danh mục thuốc, số lượng thuốc men mua sắm, yêu cầu của sản phẩm, lựa chọn nhà cung cấp và xét duyệt đấu thầu) nên được phân chia cho các tổ chức, hội đồng và cá nhân khác nhau để mỗi bên có chuyên môn và nguồn lực thích hợp cho từng chức năng cụ thể”.

Theo mô hình đấu thầu, mua sắm được WHO đề xuất, một đơn vị mua sắm tập trung (mà ở đây chúng ta gọi là TTMS thuốc) có chức năng chính là điều phối nhưng không có quyền ra quyết định mua sắm. Lãnh đạo và các thành viên của trung tâm sẽ không tham gia chấm thầu hoặc bỏ phiếu chọn nhà thầu. Bên cạnh TTMS thuốc còn có các hội đồng thực hiện các chức năng khác.

Chẳng hạn, phương pháp chấm điểm, so sánh, xếp hạng, lựa chọn nhà thầu do một hội đồng chuyên môn gồm các nhà lâm sàng, dược học, chuyên gia về kinh tế, pháp luật và đảm bảo chất lượng và đại diện lãnh đạo Sở Y tế thực hiện. Việc chấm thầu phải do hội đồng thầu gồm các thành viên được các đơn vị y tế đề cử. Nhân viên của đơn vị TTMS có quyền đưa ra ý kiến tham mưu trong quá trình xét thầu nhưng không được bỏ phiếu. Việc xây dựng danh mục thuốc phải từ danh mục thuốc thiết yếu quốc gia hoặc do hội đồng chuyên môn gồm các nhà lâm sàng thực hiện. Số lượng thuốc cần mua được tổng hợp từ nhu cầu của các bệnh viện (BV) và cơ sở y tế.

2. TTMS phụ trách những nhiệm vụ gì?

. TTMS không thực hiện chức năng ra quyết định đấu thầu mà là điều phối. Có thể hình dung nhiệm vụ cụ thể của họ sẽ là gì?

+ TTMS thực hiện ba nhiệm vụ quan trọng giúp tăng tối đa hiệu quả của việc đấu thầu. Thứ nhất, họ biên soạn các quy trình đấu thầu được công bố công khai. Nếu từng BV xây dựng quy trình đấu thầu thì các quy trình này sẽ không thống nhất, dẫn đến chỉ có những nhà cung cấp quen thuộc cho một BV mới tham gia đấu thầu ở BV đó. Do từng đơn vị riêng lẻ thường không đủ nguồn lực nên quy trình không rõ ràng, không công khai dẫn đến khả năng lạm dụng trong quá trình đấu thầu.

Tôi biết có những người băn khoăn vì trước đây TP.HCM có lập TTMS nhưng sau đó giải thể. Tôi nghĩ do TTMS khi đó chưa có kinh nghiệm, chưa tìm được mô hình thích hợp và ôm đồm nhiều việc dẫn tới tình trạng quá tải hoặc phân phối thuốc đến các BV chưa kịp thời. Nếu nghiên cứu các mô hình của thế giới, tôi nghĩ chúng ta sẽ có hướng ra lạc quan.

PGS-TS-BS ĐỖ VĂN DŨNG (ĐH Y Dược TP.HCM)

Nhiệm vụ thứ hai của TTMS là xây dựng hệ thống thông tin quản lý nhằm đẩy nhanh các bước thực hiện đấu thầu như: Ra xây dựng kế hoạch mời thầu phù hợp với nhu cầu sử dụng và nguồn lực ngân sách; xây dựng hồ sơ mời thầu, chấm điểm các gói thầu; theo dõi và đôn đốc việc thực hiện đơn hàng và thanh toán. Hệ thống thông tin quản lý cũng giúp xây dựng các thang điểm chấm thầu toàn diện và chặt chẽ; giúp quản lý nhiều đơn hàng với khối lượng lớn. Hệ thống này cũng giúp báo cáo lãnh đạo Sở Y tế và các BV về hiệu quả làm việc của đơn vị TTMS và các điểm cần cải thiện.

Cuối cùng, TTMS đóng vai trò theo dõi và đánh giá các nhà cung cấp qua các chỉ tiêu như thời gian giao hàng, khối lượng, chủng loại, chất lượng thuốc và hàng hóa cung cấp. Từ đó xây dựng danh sách các nhà cung cấp có tiềm năng, giúp nâng dần hiệu quả đấu thầu.

Nhân viên y tế Bv Bạch Mai sắp xếp thiết bị y tế tại Bv dã chiến số 13 (quận 7, TP.HCM).

Ảnh: NGUYỆT NHI

3. TTMS mua những loại thuốc, vật tư nào?

. Danh mục thuốc và vật tư y tế rất đồ sộ, vậy cần chọn những loại nào?

+ Về lâu dài, việc mua sắm, đấu thầu của các đơn vị nên được thực hiện bởi TTMS, chỉ trừ những đơn hàng có số lượng nhỏ, giá trị nhỏ, chưa thể dự trù và có tính khẩn cấp (ví dụ như huyết thanh chống nọc rắn để điều trị rắn độc cắn). Tuy nhiên, TTMS muốn thực hiện tốt cần phải hoàn thiện từng bước tính chuyên nghiệp.

Trong thời gian đầu, để không bị quá tải ảnh hưởng đến chất lượng mua sắm, đấu thầu, đơn vị cần giới hạn số lượng nhiệm vụ bằng cách chỉ chọn một số ít những mặt hàng chiến lược có tổng giá trị lớn. Đó là quy tắc 80/20 (hay quy tắc Pareto) mà các nhà quản lý y tế thường áp dụng. Như vậy, trong thời gian đầu, TTMS cần tập trung vào những mặt hàng phổ biến có khối lượng lớn (dù giá đơn vị có thể cao hay thấp), các loại thuốc, vật tư y tế có giá cao và có khối lượng sử dụng từ trung bình trở lên, các loại máy móc, vật tư y tế có giá cao (ví dụ như máy móc có giá trên 1 tỉ đồng).

4. Các bệnh viện có mất đi sự tự chủ?

. Có băn khoăn cho rằng nếu mua sắm tập trung thông qua TTMS thì các BV sẽ mất tự chủ, có thể xảy ra tình trạng “người mua thuốc không phải người dùng thuốc” nên không hiệu quả. Ông nghĩ sao về điều này?

+ Phải thừa nhận rằng TTMS không thể hoàn toàn thoát khỏi các vướng mắc về cơ chế đấu thầu, mua sắm thuốc hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta có thể giải quyết phần lớn các vướng mắc ấy.

Thứ nhất, TTMS giúp BV tập trung nhiều hơn vào chuyên môn, tiết kiệm nguồn lực dành cho mua sắm, đấu thầu. Nhờ vào “lợi thế kinh tế nhờ quy mô” (economies of scale) nên tổng chi phí mua sắm thuốc và vật tư y tế sẽ giảm, chất lượng thuốc được đảm bảo. Quá trình đấu thầu sẽ nhanh hơn do tính chuyên nghiệp của TTMS và quá trình phê duyệt cũng nhanh hơn vì số gói thầu cần phê duyệt ít hơn. Như vậy, các BV sẽ có lợi mà vẫn có tính tự chủ nhưng tính tự chủ này phải được thể hiện thông qua sự đồng thuận trong thiết chế dân chủ.

Có người cho rằng cộng điểm cho thuốc tương tự sinh học được phê duyệt bởi Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) là quyền tự chủ của BV này, còn cộng điểm cho thuốc của Cục Đánh giá thuốc châu Âu (EMEA) là quyền tự chủ của BV khác. Tuy nhiên, “tự chủ” như thế rất dễ dẫn đến lạm dụng trong đấu thầu. Các BV nên thể hiện quyền của mình bằng cách cử người tham gia trong các hội đồng chuyên môn để thống nhất giải pháp đấu thầu. Đó là cách tốt nhất để có thị trường thuốc minh bạch và công bằng, giúp người dân hưởng lợi từ các dịch vụ chăm sóc y tế với chi phí hợp lý nhất.

. Xin cám ơn ông.

5. Không lo về kho chứa, phân phối khi có TTMS

Có băn khoăn rằng nếu TTMS phải mua số lượng lớn thuốc và vật tư sẽ khiến phát sinh khâu logistics (vận chuyển, lưu giữ, phân phối…). Logistics trong cung ứng thuốc là một vấn đề quan trọng và vấn đề này cũng nảy sinh khi mua sắm tại từng BV riêng lẻ, chứ không chỉ là vấn đề khi lập ra TTMS. Tôi nghĩ khi có TTMS với hệ thống thông tin quản lý chắc chắn sẽ giải quyết vấn đề này tốt hơn.

Theo mô hình của nhiều quốc gia trên thế giới, thuốc men được sử dụng thường xuyên sẽ được đưa trực tiếp từ nhà cung cấp đến BV và BV chi trả trực tiếp cho nhà cung cấp. Những loại thuốc được sử dụng không thường xuyên (như huyết thanh kháng nọc rắn hoặc dantrolene để điều trị tăng thân nhiệt ác tính) sẽ được giữ tại kho của TTMS. Điều này sẽ tăng tính sẵn có của các loại thuốc hiếm cho các BV.

Ngoài ra, trong đấu thầu ngoài loại hợp đồng khối lượng cố định, hiện còn có hợp đồng ước tính khối lượng, trong đó nhà cung cấp sẽ cung ứng thuốc tùy theo nhu cầu của BV theo từng giai đoạn. Điều này giúp BV chủ động trong việc sử dụng thuốc mà không phải tăng chi phí logistics.

SỔ TAY

Thiếu thuốc, cứu người như cứu hỏa…

Trước báo cáo của các bệnh viện, phản ánh của báo chí, người dân về việc thiếu thuốc, vật tư y tế thời gian gần đây ở nhiều bệnh viện tại TP.HCM, lãnh đạo đã chỉ đạo lập ngay trung tâm mua sắm (TTMS), không để người dân chết vì thiếu thuốc, vật tư y tế.

Theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, trước mắt là mua sắm thuốc và vật tư y tế cần thiết cho người dân. Lãnh đạo UBND TP cùng Sở Y tế và nhiều ban ngành cũng bắt tay vào cuộc. Lo lắng và băn khoăn là có. Bởi lẽ gần chục năm trước, TP cũng từng lập ra TTMS nhưng cũng sớm “chết yểu”. Liệu mấy năm qua chúng ta đã kịp rút ra những bài học kinh nghiệm đủ để ra mắt và vận hành một trung tâm mới? Và giữa “cơn bão” Việt Á hiện nay, ai sẽ dấn thân vào làm việc theo hình thức “biệt phái” tại TTMS, tại các hội đồng chuyên môn khi đến hiện tại, chúng ta dường như vẫn chưa có hành lang pháp lý và các hướng dẫn liên quan việc thành lập TTMS y tế cấp địa phương. Còn vô số băn khoăn, lo lắng khác.

Một thực tế cho thấy việc mua sắm tập trung hay để bệnh viện tự lo đều có những ưu, khuyết điểm riêng. Thậm chí cũng có gợi ý giao quyền tự mua sắm cho các bệnh viện công theo kiểu bệnh viện tư. Mô hình nào cũng cần được nghiên cứu cho tương lai.

Nhưng! Hiện tại, thiếu thuốc và “cứu người như cứu hỏa”. Điều quan trọng nhất lúc này là nhanh chóng xây dựng TTMS để giải quyết tức thời nhu cầu thuốc và vật tư y tế, khi phần đông các bệnh viện đang bối rối, lúng túng, lo lắng trong quyết định mua sắm do thiếu một hành lang pháp lý để họ có thể an tâm ra quyết định. Trung tâm do UBND TP trực tiếp quản lý, với sự phối hợp của Sở Y tế và các sở, ban ngành, đội ngũ chuyên gia… chắc chắn sẽ tạo ra “đường đi” thông thoáng hơn, gợi ra những giải pháp hiệu quả hơn cho công tác mua sắm thuốc và vật tư y tế trong trung và dài hạn.

Cạnh đó, nếu TTMS có thể tạo ra một bảng điều khiển dữ liệu (dashboard), kết nối hệ thống dữ liệu của các bệnh viện thì việc điều phối trang thiết bị, vật tư y tế giữa nơi thừa với nơi thiếu, nơi cấp bách với nơi chưa cấp bách… cũng sẽ dễ dàng hơn. Đó cũng là một định hướng lâu dài mà nhiều chuyên gia y tế gợi ý để TTMS tạo ra sự khác biệt và hữu ích so với trước.

Điều băn khoăn lớn nhất và cũng khó khăn nhất có lẽ là… sự thật thà, thành thật, ngay thẳng hay ít nhất là “thượng tôn pháp luật”, không để sự cám dỗ của đồng tiền dẫn dắt đi ngược lại lợi ích của bệnh nhân, của bệnh viện, của Nhà nước. Tuy nhiên, sau vụ bắt và khởi tố trên 60 người liên quan vụ Việt Á và nhiều quan chức nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn làm sai quy định nói chung thời gian qua, chúng ta cũng có thể lạc quan, tin tưởng về đội ngũ cán bộ, nhân viên được chọn lựa tới đây.

Giờ là lúc chúng ta đồng lòng, không chỉ ngành y mà tất cả ngành, lĩnh vực khác để cùng “dập lửa” thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế. Tất nhiên trong dài hạn, một hành lang pháp lý rõ ràng, an toàn cho việc mua sắm thuốc - dù thông qua TTMS, hay đấu thầu lẻ, hoặc tự mua sắm (như các bệnh viện tư nhân) - là rất cần thiết và cũng là cái gốc của sự phát triển ổn định, bền vững của ngành y.

ĐẠI THẮNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới