Ngày 30-11, tại TP.HCM, Bộ Tài chính đã có buổi đối thoại với các doanh nghiệp (DN) phía Nam. Tại đây, nhiều DN đã phản ánh những vướng mắc phát sinh do quy định bất nhất và các cơ quan chức năng thực hiện mỗi nơi một kiểu.
Thuế nói “được”, hải quan bảo “không”
Phó giám đốc khối tài chính Công ty Daikin Việt Nam, bà Vũ Thị Thu Thủy, kể lại vướng mắc của mình. Theo đó, công ty không rõ giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt với máy lạnh có được trừ chiết khấu thương mại không và đem vấn đề này hỏi cơ quan chức năng.
Ban đầu Cục Thuế TP.HCM có công văn hướng dẫn cho trừ chiết khấu. Nhưng sau một tuần thì cơ quan này lại gửi công văn để hủy văn bản hướng dẫn trước đó và yêu cầu công ty chờ hướng dẫn khác. Sau đó công ty chờ hai tháng vẫn chưa nhận được trả lời.
Tương tự, ông Lê Chí Đạo, kế toán trưởng Công ty TNHH Japfa Compeed Bình Thuận, cho biết công ty sản xuất thức ăn gia súc, có mua cám mì, mỡ cá tra... Căn cứ vào một số công văn, cơ quan thuế địa phương chấp nhận cho công ty khấu trừ thuế giá trị gia tăng nhưng sau đó lại… không cho khấu trừ thuế nữa.
“Cách áp dụng quy định bất nhất kiểu này đang gây khó khăn cho công ty” - ông Đạo nói.
Cùng chung cảnh ngộ, Công ty Tân Lúa Vàng phản ánh công ty sản xuất trục chà lúa, là đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng. Vậy trục chà lúa nhập khẩu có thuộc diện không chịu thuế?
Thắc mắc thì cơ quan thuế trả lời mặt hàng này không chịu thuế. Ngược lại, hải quan lại nói mặt hàng phải chịu thuế và thuế suất là 10%. Hướng dẫn không đồng nhất giữa cơ quan thuế và hải quan khiến công ty lúng túng, không biết phải làm thế nào.
Nhiều người kinh doanh than khổ vì thủ tục “đá” nhau. Trong ảnh: Đại diện một doanh nghiệp đang phát biểu tại buổi đối thoại. Ảnh: Q.NHƯ
Không nộp 3,6 tỉ đồng sẽ bị cưỡng chế
Ông Vương Nhật Bình, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cơ điện lạnh và Thương mại Hòa Bình, kể rằng công ty ông từng bị kiểm tra hàng điện lạnh, cụ thể là cây nước nóng lạnh. Mặt hàng này đã được nhập khẩu trong vòng năm năm qua nhưng công ty phải chuẩn bị “hàng tấn giấy tờ” trong vòng 10 ngày.
Điều đáng nói hơn là mặt hàng cây nước nóng lạnh đã được nhập khẩu từ lâu và áp mã ổn định với thuế suất 10%. Nhưng bỗng dưng bị cơ quan hải quan cho là áp thuế sai nên áp lại mức thuế suất 20%. Ngoài ra công ty còn bị truy thu thuế, phạt hành chính.
“Chúng tôi đã phải nộp tổng cộng khoảng 3,6 tỉ đồng, nếu không sẽ bị cưỡng chế không cho thông quan. Thế nhưng đùng một cái cơ quan hải quan lại có văn bản áp thuế mặt hàng này là 10%, do vậy bây giờ hải quan phải truy hoàn cho chúng tôi!” - ông Bình nói.
Cũng theo ông Bình, công ty đã đề nghị cơ quan quản lý làm thủ tục hoàn thuế cho DN. “Còn quy định yêu cầu công ty muốn hoàn phải đi xin truy hoàn thì tôi nói thật, 3-4 năm sau cũng chưa chắc nhận được tiền” - ông Bình phát biểu.
Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi cũng phản ánh có khá nhiều bất nhất trong các quy định. Chẳng hạn trường hợp công ty mở nhà máy đường ở An Khê (Gia Lai), từng kê khai khấu trừ và hoàn thuế ở Quảng Ngãi. Đến nay số thuế hoàn đã lên đến cả trăm tỉ đồng rồi nhưng Cục Thuế tỉnh Quảng Ngãi nói không biết có hoàn hay không. Công ty đã thắc mắc về vấn đề này 5-6 tháng nay mà chưa có câu trả lời thỏa đáng.
“Có trường hợp công ty gặp vướng mắc nhưng khi hỏi Cục Thuế địa phương thì nhận được trả lời không giống với cách làm của Tổng cục Thuế. Chính Tổng cục Thuế có khi cũng trả lời cho mỗi địa phương mỗi khác. Do vậy chúng tôi đề nghị nên có sự thống nhất về quy định chứ bọn tôi không biết kê khai nộp thuế cho địa phương nào” - đại diện công ty đề nghị.
Đại diện Bộ Tài chính trả lời rằng với trường hợp trên, DN đầu tư ở nhiều địa bàn mà các địa bàn lại có ưu đãi khác nhau. Do đó Tổng cục đã có công văn cách đây hai ngày, gửi Cục Thuế tỉnh Quảng Ngãi để hướng dẫn cho DN thực hiện.
“Thôi, xin ghi nhận” Ông Đinh Công Khương, Giám đốc Công ty Thép Khương Mai, cho hay công ty có hồ sơ hoàn thuế năm năm nhưng vẫn chưa được hoàn. Riêng về thủ tục hoàn thế đã rất nhiêu khê. Ví dụ: Khi công ty xin hoàn thuế, mặc dù các cơ quan quản lý có kết nối mạng để nắm dữ liệu nhưng vẫn bắt công ty phải xin giấy xác nhận về số lượng hàng xuất tại cửa khẩu. Một bộ hồ sơ đơn giản cũng mất ba tháng mới hoàn thuế được. Tuy nhiên, trả lời vướng mắc của công ty này, đại diện Cục Thuế TP.HCM lại “kể tội” rằng hồ sơ của Công ty Thép Khương Mai có dấu hiệu sử dụng hóa đơn của 13 DN đã bỏ địa điểm kinh doanh. Số hóa đơn có nghi vấn chiếm gần 10% số hóa đơn của hồ sơ. Một hợp đồng mua thép khác của Khương Mai có dấu hiệu “lạ” khi công ty vừa chuyển khoản thanh toán cho bên bán thì ngay sau đó người nhà của ông Khương đã đến ngân hàng rút toàn bộ số tiền đó ra. Công ty cũng không cho kiểm tra thực tế kho hàng... Ông Khương giải thích rằng có hóa đơn của DN bỏ trốn nhưng chỉ khoảng 3% chứ không đến 10%. Cơ quan thuế đã kiểm tra cả 60 ngày, 90 ngày và hết thời gian kiểm còn đòi kiểm tra kho nữa thì không thể chấp nhận... Trong lúc ông Khương đang giãi bày thì cán bộ ban tổ chức ngắt lời: “Thôi… thôi…, xin ghi nhận, ghi nhận...”. Thuế khoán không công bằng Xin xem xét lại chính sách thuế khoán hiện nay. Bởi nhiều công ty có doanh thu rất lớn nhưng số thuế khoán rất ít, khi bán hàng cũng không xuất hóa đơn. Do vậy, đề nghị tất cả hộ kinh doanh lẫn DN đều phải sử dụng hóa đơn. Bà MÃ THỊ THANH, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Sóc Trăng |